Dù bán thêm các vũ khí hiện đại cho Trung Quốc nhưng Nga vẫn có những toan tính chiến lược nhằm kiềm chế sức mạnh của Bắc Kinh.
Nga tuyên bố sẽ cung cấp 4 chiếc Su-35 cho Bắc Kinh trong năm 2016
Nga bán thêm vũ khí hiện đại cho Trung Quốc
Ngày 4/11, tờ Financial Times của Anh đăng bài viết “Nga khôi phục bán vũ khí tiên tiến cho Trung Quốc” cho biết, Nga đang lặng lẽ bán các vũ khí hiện đại cho Trung Quốc bất chấp những lo ngại có thể bị Bắc Kinh ăn cắp công nghệ.
Cụ thể, tại Triển lãm hàng không Chu Hải 2016 được tổ chức tại Trung Quốc, ông Vladimir Drozhzhov, Phó Giám đốc phụ trách Hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga tiết lộ, nước này sẽ cung cấp 4 chiếc Su-35 cho Bắc Kinh trong năm nay.
“Chúng tôi đang thực hiện các hợp đồng đã ký tháng 11 năm ngoái. Trung Quốc đã ký một thỏa thuận đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của Nga”, ông Drozhzhov nhấn mạnh.
Ông Drozhzhov cho biết thêm, hiện nay Trung Quốc và Nga tổng cộng có các hợp đồng tổng trị giá 8 tỷ USD.
Theo kế hoạch, hiện nay các phi công Trung Quốc đang được đào tạo tại Nga với dòng Su-35. Để thực hiện thỏa thuận này, điện Kremlin đã quyết định điều 2 chiếc Su-35 đến bãi thử LII nằm ở ngoại ô Moskva.
Thỏa thuận mua bán 24 chiếc Su-35 trị giá 2 tỉ USD giữa Nga – Trung Quốc được bắt đầu từ năm 2014 và dự kiến sẽ được hoàn thành trong 3 năm. Cùng với Su-35, Nga cũng đồng ý bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc và sẽ bàn giao vào năm 2018.
Vasily Kashin, một chuyên gia về ngành công nghiệp vũ khí Trung Quốc tại Moska bình luận, quyết định bán cho Bắc Kinh 2 hệ thống vũ khí hiện đại vào thời điểm này cho thấy, Trung Quốc đã trở lại với tư cách nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu của Nga.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, công nghệ Nga sẽ tăng cường đáng kể năng lực phòng không của Trung Quốc, nhất là khi mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang trở nên căng thẳng do những tranh chấp ở Tây Thái Bình Dương.
Theo nhận định của ông Allan Behm, một nhà phân tích quốc phòng Australia, với tình thế hiện nay, không có gì ngạc nhiên khi Nga chuyển giao những vũ khí hiện đại cho Bắc Kinh.
“Thực tế hiện nay, Nga có thể làm phức tạp thêm việc lập kế hoạch chiến lược của Mỹ và đồng minh, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi Nga bán một số vũ khí tiên tiến cho Trung Quốc”, ông Allan Behm nhấn mạnh.
Trong khi đó, một số khác lo ngại, động thái này của Nga có thể đe dọa trực tiếp đến các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Khi nắm trong tay Su-35 và S-400, Trung Quốc có thể tạo ra uy lực phòng không, không quân rất lớn ở Biển Đông cũng như vùng biển Hoa Đông.
Toan tính của Nga
Quyết định bán những vũ khí hiện đại trên cho Trung Quốc vào thời điểm này được coi là một toan tính có phần mạo hiểm của điện Kremlin. Tuy nhiên, những khó khăn từ chính sách cấm vận của Mỹ và phương Tây sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine năm 2014 đã đẩy Moskva- Bắc Kinh lại gần với nhau hơn.
Tuy nhiên, Nga rõ ràng không muốn Trung Quốc “một mình lớn mạnh”, cũng không muốn để nước láng giềng lớn nhất, đồng thời là đối thủ cạnh tranh tiềm tàng có thể muốn làm gì thì làm với những loại vũ khí tiên tiến mua từ Nga.
Theo nhận định của giới quân sự, dù đã chuyển giao S-35 và S-400 cho Trung Quốc nhưng vẫn có một số hệ thống vũ khí mà Moskva chắc chắn sẽ không bán cho Bắc Kinh. Chẳng hạn như công nghệ cho phép tên lửa hành trình của tổ hợp Iskander cơ động ở tốc độ cao, khiến hệ thống phòng thủ của đối phương khó lòng ngăn chặn.
Bên cạnh đó, điện Kremlin cũng sẽ không cung cấp cho Bắc Kinh các hệ thống vệ tinh có khả năng phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo.
Một khi Ấn Độ sở hữu S-400, máy bay chiến đấu Trung Quốc sẽ phải dè chừng.
Song song với việc chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, điện Kremlin cũng chủ động đẩy nhanh thương thảo các hợp đồng mua bán vũ khí với Ấn Độ như một động thái nhằm kiềm chế Bắc Kinh.
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm BRICS tại Ấn Độ hồi tháng 10 vừa qua, một thỏa thuận liên chính phủ đã được ký kết cho phép New Delhi có thể bắt đầu sở hữu hệ thống phòng không tiên tiến S-400 Triumph do Nga sản xuất vào năm 2020.
Ông Dmitry Rogozin, Phó Thủ tướng Nga nhấn mạnh, thỏa thuận về việc chuyển giao hệ thống S-400 cho Ấn Độ là một chỉ dấu quan trọng cho thấy Nga mong muốn tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với các đồng minh chính.
“S-400 là hệ thống mới nhất của chúng tôi. Chúng tôi đang trang bị nó cho lực lượng vũ trang của mình và chúng tôi mới chỉ dành ngoại lệ cho các đồng minh thân thiết nhất như Ấn Độ và Trung Quốc”, ông Rogozin khẳng định.
Theo tờ Đa chiều của Mỹ, Moskva không muốn để Trung Quốc phát triển thành một mối đe dọa nào đó. Đặc biệt, Nga cũng không muốn các đồng minh truyền thống của mình như Ấn Độ rơi vào tình trạng “chiếu dưới” sau khi Trung Quốc có được vũ khí tiên tiến từ Nga.
“Moskva cần những nước này để kiềm chế Trung Quốc về mặt chiến lược”, tờ báo nhận định.