Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 08/11

Bản tin Biển Đông ngày 08/11

Bản tin Biển Đông ngày 08/11/2016.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (Trái) và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, nhân chuyến
công du Ấn Độ của ông Abe tháng 12 năm 2015. Ảnh: REUTERS/Adnan Abidi

1) Ấn Độ sẽ ra tuyên bố chung với Nhật Bản nhằm bác bỏ “các quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với Biển Đông

Ngày 7/11, tạp chí Deccan Chronicle đưa tin:

Theo một báo cáo mới đây, Ấn Độ đã quyết định sẽ khẳng định lập trường rõ ràng hơn đối với các yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông dù trước đó Ấn Độ vẫn cố gắng kiềm chế để giữ lập trường trung lập trong khi Trung Quốc kiên quyết tìm cách ngăn cản việc Ấn Độ gia nhập Nhóm Cung ứng hạt nhân (Nuclear Suppliers Group – NSG). Tháng trước, Ấn Độ đã cam kết với Singapore rằng hai nước dự kiến sẽ đưa vào tuyên bố chung Phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc đã bác bỏ các “quyền lịch sử” của Trung Quốc với hầu như toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, báo cáo cho biết Singapore đã từ chối không thực hiện ý định này bởi nước này không phải là một bên trong tranh chấp. Do đó tránh việc chọn phải hành động theo một phe nào trong tranh chấp khu vực. Mặt khác, báo cáo khẳng định Ấn Độ hiện đã chọn cách tiếp cận vấn đề này với Nhật Bản, bởi nước này đang tiến hành trao đổi với phía Nhật Bản về nội dung Tuyên bố chung giữa hai bên sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe tuần tới, trong đó có việc thừa nhận Phán quyết trong một tuyên bố chung giữa hai bên sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe trong tuần tới. Phía Nhật Bản cũng tỏ thiện chí nhiều hơn đối với sự quan tâm của Ấn Độ đối với Biển Đông khi từng đưa ra phát biểu “khuyến khích Ấn Độ thể hiện lập trường về tranh chấp Biển Đông”.

2) Học giả Trung Quốc lớn tiếng chỉ trích động thái của Indonesia ở Biển Đông

Ngày 7/11, tờ Thời báo Hoàn cầu đăng tải bài viết “Kế hoạch tuần tra chung của Úc và Indonesia có thể sẽ chẳng đi đến đâu” của ông Du Jifeng, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương, Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc:

Liên quan đến đề xuất của phía Indonesia nhằm tiến hành tuần tra chung với Úc ở Biển Đông trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng giữa hai nước, bài viết của ông Du Jifeng đã chỉ trích kịch liệt động thái này của Jakarta. Ông Jifeng giải thích, việc Indonesia “muốn can dự vào các tranh chấp Biển Đông” thông qua chiến dịch tăng cường an ninh biển, chủ yếu tập trung vào việc bảo vệ các quyền đánh cá, phòng ngừa các mối đe doạ an ninh truyền thống và bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Natuna trên Biển Đông có thể vì lý do vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Natuna chồng lấn “chỉ một phần nhỏ trong đường chín đoạn của Trung Quốc”. Ông Difeng không ngại “nói mát” rằng chiến dịch cứng rắn của Tổng thống Widodo nhằm bảo vệ các quyền đánh cá, xử lý các hoạt động đánh cá bất hợp pháp của tàu nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, như đánh chìm các tàu vi phạm là không có hiệu quả. Không những thế, bài viết còn cáo buộc Indonesia tìm cách làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông để thu hút sự chú ý của các nước lớn do lo ngại sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có thể sẽ thay đổi, đặc biệt là sau khi Mỹ chính thức có chính quyền mới. Đồng thời, tác giả có ý mỉa mai khi nói rằng hiện nay chưa có cuộc tập trận chung thường xuyên nào thành công, dù là được thực hiện bởi Mỹ – Nhật Bản hay Mỹ – Philippines, do đó nếu Indonesia “định tiến hành với Úc” thì cũng sẽ phải chịu thất bại. Tác giả cũng nhắc khéo Indonesia về Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc, lôi kéo Indonesia “hợp tác kinh tế với Trung Quốc”, thay vì “lớn tiếng về những vấn đề an ninh”, qua đó thúc giục Indonesia tôn trọng các “lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” trên Biển Đông để quan hệ song phương giữa hai nước “được vững bền”.

3) Ngư dân Philippines mong được thường xuyên tiếp cận với bãi cạn Scarborough

Ngày 7/11, hãng tin ABS-CBN đưa tin:

Gần đây, trả lời phỏng vấn của hãng tin Kyodo về việc Trung Quốc “bất ngờ” dỡ bỏ phong toả đối với bãi cạn Scarborough, ông Gilbert Baoya, một ngư dân Philippines ở phía Tây Bắc đảo Luzon đã bày tỏ kỳ vọng được tiếp cận một cách thường xuyên và ổn định với bãi cạn Scarborough “để có thể tiếp tục mưu sinh trong khu vực bãi cạn Scarborough” và “không muốn bị đuổi đi nữa”. Ông khẳng định chưa bao giờ ngừng việc đưa tàu đến bãi cạn dù Trung Quốc liên tục phong toả khu vực trong suốt bốn năm bởi đây là “nguồn thu nhập duy nhất của ông” để nuôi sống cả gia đình. Dù cho đến thời điểm này ông và các ngư dân khác đã có thể quay trở lại bãi cạn để đánh cá, ông vẫn lo ngại về khả năng tiếp tục của chuyển biến tích cực này, bởi hiện tại vẫn chưa có văn bản chính thức nào để đảm bảo cho các ngư dân Philippines. Một ngư dân khác, ông Chris de Vera cũng đang tất bật chuẩn bị đưa thuyền ra bãi cạn Scarborough. Ông Vera cho hay bãi cạn Scarborough cũng có ý nghĩa quan trọng đối với các ngư dân khi được xem là nơi tránh trú bão an toàn trên biển, khẳng định “sẽ tốt hơn cả nếu có thể được tiếp tục tự do đi lại ở khu vực bãi cạn, đặc biệt là đang trong mùa mưa bão”.

Ông Dante Paluan, Chủ tịch xã nơi ông Baoya và de Vera sinh sống, cho biết chuyển biến tích cực ở bãi cạn Scarborough đã đem lại thuận lợi đáng kể cho cộng đồng ngư dân Philippines. Ngư dân nước này tỏ ra vô cùng cảm kích trước việc ông Duterte giữ đúng lời hứa khi tranh cử rằng sẽ giải quyết vấn đề cho ngư dân bị ảnh hưởng bởi các tranh chấp lãnh thổ.

RELATED ARTICLES

Tin mới