Theo khảo sát của chính phủ Trung Quốc, hiện có 61 triệu trẻ em nông thôn nước này đang sống thiếu sự chăm sóc của cha mẹ. Hơn một phần ba trong số đó ở độ tuổi dưới 17.
61 triệu trẻ em bị bỏ rơi ở TQ, bằng 2/3 dân số của Việt Nam
Những đứa trẻ “bị bỏ rơi” này quanh năm không nhìn thấy cha mẹ, bởi vì họ đã lên các thành phố lớn để tìm việc làm, theo báo SCMP.
Cuộc khảo sát dân số di cư năm 2016 của Ủy ban Kế hoạch Gia đình và Sức khỏe đã cung cấp số liệu về một trong những cái giá phải trả lớn nhất cho sự phát triển kinh tế ở Trung Quốc.
Mặc dù các thành phố ở Trung Quốc cần lao động nhập cư, nhưng chính quyền ở các đô thị lớn như Bắc Kinh thường từ chối cung cấp các dịch vụ cơ bản như y tế và giáo dục cho con cái của họ.
Các lao động di cư có thu nhập thấp và nhà cửa chật hẹp nên họ không thể đem theo con cái lên thành phố. Số lượng lớn trẻ em bị bỏ rơi đang là một vấn đề xã hội nhức nhối ở Trung Quốc, gây ra nhiều bi kịch chấn động xã hội.
Tháng 6 năm ngoái, có 4 trẻ em từ 5-13 tuổi, bị bỏ rơi trong một gia đình ở tỉnh Quý Châu, đã tử tự tập thể bằng thuốc trừ sâu. Tháng 11/2012, có 5 bé trai đã chết vì ngộ độc Carbon monoxide khi đốt than sưởi ấm trong nhà.
Vấn đề trẻ em bị bỏ rơi nghiêm trọng nhất ở các thành phố An Huy, Hà Nam, Tứ Xuyên. Đây là 3 thành phố chính cung cấp nguồn công nhân nhập cư và chiếm đến 44% trẻ em nông thôn sống xa sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ. Theo báo cáo khảo sát, con số này cao hơn nhiều so với tỉ lệ trung bình 35.6% của cả nước.
Chính quyền Trung Quốc cũng đã nhận ra vấn đề này. Vào tháng 2, Ủy ban Nhà nước đã ban hành hướng dẫn cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho những trẻ em bị bỏ rơi.
Tình trạng số lượng lớn cha mẹ và con cái xa cách như hiện nay xuất phát từ cả nguyên nhân kinh tế và chính trị. Đó là hệ quả khó lường của quá trình đô thị hóa Trung Quốc trong những thập niên qua.
Ví dụ, nếu một cặp vợ chồng công nhân di cư muốn nhập học cho con của họ ở Bắc Kinh, thì đầu tiên họ phải nộp hàng chục loại giấy tờ từ giấy phép cư trú đến hợp đồng lao động. Việc này thực sự khó khăn với hầu hết các công nhân nhập cư.
Năm ngoái, toàn Trung quốc có khoảng 247 triệu lao động nhập cư, độ tuổi trung bình là 29.3. Nhóm lao động này trẻ hơn độ tuổi bình quân ở Trung Quốc. Năm 2013, độ tuổi trung bình của các lao động nhập cư là 27.9.
Đa phần lao động nhập cư có thu nhập trong khoảng 2.000 đến 5.000 nhân dân tệ/tháng (tương đương 6 triệu -16 triệu VNĐ), bằng 20%-50% thu nhập bình quân đầu người ở thành phố Thiên Tân. Chỉ có khoảng 5% kiếm được trên 8.000 nhân dân tệ/tháng, theo báo cáo khảo sát.