Quốc hội Trung Quốc đã thông qua một phán quyết ngăn chặn hai nhà lập pháp trẻ tuổi nhậm chức.
Cảnh sát Hồng Kông tại cuộc biểu tình tối ngày 6/11/2016 (Ảnh: ISAAC LAWRENCE / Getty Images)
Đây được coi là hành động can thiệp trực tiếp nhất của Bắc Kinh tới Hồng Kông kể từ khi thành phố này được người Anh trao trả Trung Quốc vào năm 1997.
Theo Reuters, động thái này của Bắc Kinh được đưa ra vào ngày 7/11 sau khi cô Lưu Vĩ Thanh (Yau Wai-ching), 25 tuổi, và anh Lương Tụng Hằng (Baggio Leung), 30 tuổi, tuyên bố trung thành với “quốc gia Hồng Kông” và căng một biểu ngữ ghi “Hồng Kông không phải là Trung Quốc”trong buổi lễ nhậm chức tại Hội đồng Lập pháp của thành phố vào tháng 10.
Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc, đã yêu cầu hai nhà lập pháp trẻ tuổi phải thề trung thành với Hồng Kông như một phần của Trung Quốc và các ứng cử viên sẽ bị loại bỏ tư cách nếu họ thay đổi từ ngữ của lời tuyên thệ hoặc không tuyên bố một cách chân thành và nghiêm trang.
Trước khi phán quyết được đưa ra, hàng trăm nhà hoạt động đã biểu tình phản đối bên ngoài văn phòng đại diện của Bắc Kinh tại Hồng Kông vào tối hôm 6/11.
“Đây là về tương lai của chúng tôi”, một phụ nữ trẻ nói với đôi mắt đẫm lệ.
Theo Reuters, ít nhất một người biểu tình đã bị bắt. Khoảng 20 người biểu tình đã bị xịt hơi cay, một số tự bảo vệ mình với ô – biểu tượng của các cuộc biểu tình làm rung chuyển Hồng Kông vào năm 2014.
Hồng Kông được Anh Quốc trả về Trung Quốc vào năm 1997 với nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, cho phép thành phố này có quyền tự chủ, bao gồm cả quyền tự do tư pháp được điều chỉnh bởi một hiến pháp mini gọi là Luật cơ bản.
Anh Quốc đã tuyên bố quan ngại đối với hành động can thiệp của Bắc Kinh.
“Chúng tôi kêu gọi chính quyền Trung Quốc và chính quyền (đặc khu hành chính) Hồng Kông, và tất cả các chính trị gia được bầu tại Hồng Kông, hãy kiềm chế để tránh bất kỳ hành động nào có thể làm tăng thêm quan ngại hoặc làm suy yếu niềm tin vào nguyên tắc một quốc gia, hai chế độ”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Anh cho biết trong một bình luận mà Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc lại, theo Reuters.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ “thất vọng” trước diễn biến gần đây và Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ “vai trò cực kỳ quan trọng” của hội đồng lập pháp và tư pháp độc lập trong việc bảo vệ khuôn khổ một quốc gia, hai chế độ.
“Một xã hội cởi mở với mức độ tự chủ cao nhất và quản lý theo pháp luật là rất cần thiết cho sự ổn định và thịnh vượng liên tục của Hồng Kông”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói trong cuộc họp báo thường kỳ.
Trong khi đó, việc xúc tiến tự chủ là một điều cấm kỵ ở Hồng Kông vì Bắc Kinh lo ngại điều đó có thể thách thức chỉ đạo của chính quyền trung ương.
“Bản chất của nền độc lập Hồng Kông là ly khai khỏi đất nước. Nó vi phạm nghiêm trọng chính sách một quốc gia, hai chế độ”, theo ông Li Fei, Chủ tịch của Ủy ban Pháp luật Cơ bản của Quốc hội.
Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Lương Chấn Anh (Leung Chun-ying) cho biết chính phủ của ông sẽ thực hiện đầy đủ theo diễn giải của Trung Quốc về bản hiến pháp mini.
Nhưng chủ tịch Hội đồng Lập pháp Andrew Leung cho biết Hồng Kông cần phải hoàn thành việc đánh giá pháp lý trước khi xác nhận liệu hai nhà lập pháp có bị loại khỏi Hội đồng Lập pháp.
Trong khi đó, ông James To, một nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ, cho biết chính quyền trung ương đã ảnh hưởng tới quá trình tư pháp của Hồng Kông.
“Trong tương lai, niềm tin của người dân về một quốc gia, hai chế độ sẽ trở nên tồi tệ hơn”, ông To nói.