Thursday, April 18, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 14/11

Bản tin Biển Đông ngày 14/11

Bản tin Biển Đông ngày 14/11/2016.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

1) Ấn Độ, Nhật Bản khẳng định tranh chấp cần được giải quyết theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển

Ngày 12/11, trang The Wire của Ấn Độ đưa tin:

Ngày 11/11, nhân chuyến thăm chính thức tới Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi, Ấn Độ và Nhật Bản đã cùng tuyên bố rằng tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), điều chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc nổi cơn thịnh nộ. Phát biểu này đã được đưa vào tuyên bố chung sau cuộc họp thường niên giữa Thủ tướng Modi và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe nhằm tiến hành đánh giá “Quan hệ Đối tác đặc biệt và Toàn cầu”. Cụ thể, tuyên bố đã nêu rõ: “liên quan đến vấn đề Biển Đông, hai Thủ tướng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc được luật pháp quốc tế thừa nhận, bao gồm UNCLOS”.

Điểm khác biệt trong tuyên bố chung năm này đó là, không chỉ đề cập đến UNCLOS 4 lần, so với năm ngoái là 1 lần, mà còn đề cập rõ ràng UNCLOS trong bối cảnh giải quyết tranh chấp Biển Đông, dù không trực tiếp nhắc đến Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016. Tuy nhiên, việc “các nguyên tắc” của UNCLOS được nhắc đến chính là một đòn giáng thẳng vào lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông, cụ thể là các yêu sách lịch sử của nước này. Bên cạnh đó, hai Thủ tướng đã tái khẳng định cam kết tôn trọng tự do hàng hải và hàng không, cũng như thương mại hợp pháp thông suốt, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được thể hiện trong UNCLOS, qua đó hối thúc các bên giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và thực hiện tự kiềm chế, tránh các hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng. Bên cạnh đó, nhằm thể hiện cam kết của mình đối với nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia cũng như tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ, các nhà lãnh đạo tiếp tục khẳng định mối quan hệ ngày càng khăng khít nhằm bảo vệ các giá trị chung toàn cầu trong các lĩnh vực biển, không gian và an ninh mạng.

2) Các quan chức Philippines: Chưa thể khẳng định bất cứ điều gì về tác động của nhiệm kỳ Tổng thống Trump tới tranh chấp Biển Đông 

Ngày 12/11, hãng GMA News đưa tin:

Tại một diễn đàn của Đại học Miriam ngày 12/11, các quan chức của Chính phủ có vai trò trong việc bảo vệ quyền lợi của Philippines trên Biển Đông cho rằng nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ tác động hoặc không lên tranh chấp lãnh thổ, điều này còn phụ thuộc vào chính sách đối ngoại sắp tới của ông Trump. Ông Albert de Rosario, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines nhận định: “khó có thể khẳng định quan hệ giữa Mỹ và Philippines sẽ ra sao dưới thời ông Trump” nhưng “nếu nhìn vào những gì ông Trump đã thể hiện trong quá trình tranh cử, với trọng tâm hướng đến chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa biệt lập, sẽ khó có khả năng quan hệ hai nước có thể “gần gũi” được như trước”. Ông cho biết thêm, có khả năng ông Trump sẽ không thúc đẩy chiến lược Tái cân bằng Châu Á, “trọng tâm đặt vào Châu Á, cụ thể là quốc phòng và an ninh, sẽ giảm đi, thay vào đó là quan hệ kinh tế”. Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio lại cho rằng “chủ nghĩa biệt lập của Tổng thống Trump trong chiến dịch tranh cử của ông sẽ không có khả năng được hiện thực hóa sau khi nhậm chức, thay vào đó, ông lo ngại Philippines sẽ gặp khó khăn nếu muốn duy trì lực lượng tự phòng vệ vững mạnh vì “dường như Tổng thống mới của Mỹ sẽ yêu cầu các đồng minh giúp hỗ trợ chi phí duy trì các lực lượng của Mỹ ở khu vực”.

Trong bối cảnh hiện nay, ông Rosario cho biết Chính phủ Philippines cần chuẩn bị cho bất cứ kịch bản nào trong vòng 4 năm tới bằng cách củng cố chính sách đối ngoại của nước này, đồng thời đề xuất “cách tiếp cận đa phương” nhằm khẳng định các yêu sách của Philippines đối với các vùng nước trên Biển Đông vì “cần phải nhận ra lợi ích từ các quan hệ song phương đã có với các quốc gia có trách nhiệm nhằm đem lại thành công tích cực cho Philippines”, “Philippines sẽ dựa vào những thành công này để thuyết phục Trung Quốc rằng nguyên tắc thượng tôn pháp luật cần phải được tuân thủ”. Cả ông Rosario và Carpio vẫn tiếp tục nêu cao Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông lịch sử do phía Philippines khởi kiện đã bác bỏ hiệu lực pháp lý của các yêu sách lãnh thổ trên Biển Đông và làm rõ danh nghĩa của các thực thể do Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển.

3) Các thoả thuận thương mại gần đây sẽ tạo thế đứng tốt hơn cho Malaysia trong đàm phán với Bắc Kinh

Ngày 12/11, trang Free Malaysia Today đưa tin:

Mới đây, ông Azrul Mohd Khalib, Trưởng phòng Quản lý Đối ngoại, Viện các vấn đề Dân chủ và Kinh tế Malaysia (Institute for Democracy and Economic Affairs – IDEAS) cho biết việc ký kết các thoả thuận thương mại gần đây giữa Malaysia và Trung Quốc đã mở ra cơ hội mới cho Malaysia tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp Biển Đông với lý do “việc sử dụng sức mạnh mềm có thể sẽ giúp quá trình giải quyết trở nên tích cực hơn”. Cùng với đó, ông phản đối mọi chỉ trích cáo buộc Chính phủ Malaysia đang “bán mình” cho Trung Quốc, khẳng định Trung Quốc cũng chỉ như các đối tác thương mại khác, còn Chính phủ vẫn luôn có trách nhiệm thương lượng nhằm đạt được thoả thuận cao nhất cho đất nước và bảo vệ được lợi ích của người dân, trong đó có trách nhiệm duy trì các cam kết tự do hoá thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.

4) Mỹ sẽ gây sức ép để tăng cường quân sự trên Biển Đông

Ngày 14/11, báo The Australian đưa tin:

Tối ngày 13/11, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cho biết vị tân Tổng thống của Mỹ Donald Trump đã “bị ấn tượng” bởi chương trình chế tạo tàu hải quân trị giá hàng tỉ đô-la của Úc, “bao gồm 54 tàu chiến, trong đó có 12 tàu ngầm cao cấp trong phạm vi khu vực”, trong bối cảnh nước này được cảnh báo rằng có thể sẽ phải đóng vai trò lớn hơn nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Turnbull nhấn mạnh, Úc đã “chia sẻ trách nhiệm” trong mối quan hệ đồng minh an ninh với Mỹ, và bày tỏ tin tưởng rằng quan hệ an ninh và kinh tế giữa hai nước sẽ duy trì vững mạnh dưới chính quyền của ông Trump. Tuy nhiên, ông Andrew Shearer, cực cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Tony Abbott, lo ngại rằng ông Trump là “con người thực dụng”, theo đó, “chính quyền Tổng thống Trump có thể yêu cầu Úc tham gia nhiều hơn vào các cuộc tập trận hàng hải, cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo hoặc quan tâm nhiều hơn đến phòng thủ tên lửa”.

RELATED ARTICLES

Tin mới