Sau khi vấp phải những chỉ trích về môi trường và an toàn, chính phủ Myanmar đang cân nhắc có tiếp tục để Trung Quốc xây dựng hay không.
Đồ họa mô phỏng đập Myitsone
Hiện dự án có tổng vốn đầu tư 3,6 tỉ USD và được Trung Quốc hỗ trợ về tài chính này vẫn đang bị đình trệ từ năm 2011.
Ngày 11/11, một ủy ban tư vấn cho chính quyền Naypyidaw về số phận con đập Myitsone đã trình báo cáo đầu tiên của họ lên Tổng thống U Htin Kyaw.
Báo cáo đánh giá những tác động về môi trường, xã hội, đầu tư nước ngoài, kinh tế và nguồn nước dọc sông Irrawaddy. Quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào tác động môi trường, đầu tư nước ngoài cùng với nguyện vọng của người dân.
Ủy ban trên được thành lập ngày 12/8, gần một tuần trước khi bà Suu Kyi tới thăm Trung Quốc với tư cách tân ngoại trưởng Myanmar. Theo ủy ban này, dự kiến một cuộc họp báo sẽ được tổ chức vào tuần tới để đề cập về báo cáo, vì hiện nay, Trung Quốc đang thúc giục Myanmar nối lại dự án này.
Trong khi người dân Myanmar liên tục có các cuộc biểu tình phản đối hoạt động xây đập vì nghi ngại phần lớn năng lượng điện tạo ra sẽ “chảy” vào Trung Quốc. Ngoài ra, vị trí xây đập nằm gần một đường nứt địa chấn có thể gây ra lũ lụt trong trường hợp xảy ra động đất, hoặc sự thiếu minh bạch và tham vấn cộng đồng trước khi chính phủ trao dự án cho Bắc Kinh.
Hồi cuối tháng 10, tổ chức phi chính phủ về môi trường Mạng lưới Xanh Myanmar (MGN), kêu gọi chính phủ ngay lập tức chấm dứt dự án, đồng thời nhấn mạnh không muốn xây thêm con đập nào trên hai nhánh sông Mali Hka và N’Mai Hka tạo nên con sông Irrawaddy.
Ông U Win Myo Thu, đồng sáng lập giám đốc điều hành của tổ chức môi trường Ecodev, khuyến cáo ủy ban tư vấn nên phân tích cẩn thận những mặt thuận lợi và bất lợi của dự án cho công chúng và các bên liên quan.
Thậm chí, khi một đoàn đại biểu Trung Quốc tới thăm thủ phủ bang Kachin của Myanmar trong tháng 6 này nhằm vận động cho việc tái khởi động dự án Myitsone, hàng chục người biểu tình đã tập trung bên ngoài khách sạn.
Những biểu ngữ mà họ giương cao viết: “Không xây đập ở Irrawaddy” và “Hãy tôn trọng người dân địa phương”.
Ông Tsa Ji, nhà tổ chức biểu tình thuộc một tổ chức phi chính phủ (NGO) địa phương, cho biết họ muốn dừng dự án thủy điện trên vì lý do môi trường và để tránh việc một số lượng lớn nông dân bị mất nhà cửa.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận một dự án như vậy ở địa phương mình”, ông Tsa Ji nói.
Về phía Trung Quốc họ muốn làm dự án trên, bởi những ý nghĩa không tưởng mà đập thủy điện Myitsone mang lại vô cùng to lớn. Myanmar vốn là quốc gia giàu tài nguyên như khoáng sản quý, dầu và trữ lượng khí đốt. Ngoài ra, các tuyến hàng vận tải tới Trung Quốc có 80% là đi qua eo biển Malacca và biển Đông.
Do vậy, Myanmar không những chỉ là giải pháp thay thế năng lượng cho Trung Quốc mà còn là vị trí chiến lược khiến Trung Quốc tiếp cận gần hơn ở Ấn Độ Dương.
Điều này lý giải tại sao Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều ở Myanmar để giúp nước này nâng cấp hệ thống cấu đường, hải cảng và các con đập, qua đó có thể tiếp cận dễ dàng hơn những mỏ dầu và khí đốt ở quốc gia Đông Nam Á này.
Một sự hiện diện mạnh mẽ hơn nữa là trên sông Irrawaddy, chảy từ gần biên giới Trung Quốc ra biển Andaman, hứa hẹn cho Trung Quốc một tuyến đường giao thương ngắn hơn và rẻ hơn.
Thế nhưng, không chỉ có Myanmar, nhiều vào các khoản vay và đầu tư từ Trung Quốc, thực tế, đã có nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc bị nhiều quốc gia xem xét lại, thậm chí là cho dừng.
Điển hình là nước Anh, với lý do cần thêm thời gian để đánh giá lại dự án, tân Thủ tướng May đã quyết định dừng phê chuẩn dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point với tổng vốn đầu tư gần 24 tỷ USD ở phía Tây Nam nước Anh do lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia khi dự án có nguồn đầu tư từ Trung Quốc.
Hồi đầu tháng 6, một công ty của Mỹ là XpressWest cũng đã tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận trước đó 9 tháng họ đã ký kết với Công ty Đường sắt Trung Quốc cũng với lý do lo ngại về chất lượng tàu cao tốc do Trung Quốc sản xuất.
Trước đó, vào đầu năm nay, tờ Nikei của Nhật Bản cũng đưa tin, Chính phủ Indonesia đã yêu cầu dừng dự án đường sắt cao tốc trị giá 5.5 tỷ USD khi họ cảm thấy lo ngại chất lượng, tiễn độ không đảm bảo.
Mexico đã thẳng thừng hủy bỏ hợp đồng với tập đoàn đường sắt Trung Quốc trong việc xây dựng dự án cao tốc gần 4 tỷ USD bất chấp việc phải bồi thường một khoản tiền lớn cho ngành đường sắt Trung Quốc…
Điều đáng nói là các nước có dự án của Trung Quốc đầu tư hay cho vay ODA, khi có ý định dừng lại luôn gặp những khó khăn, thậm chí là những lời đe dọa, cảnh báo.
Chẳng hạn như trường hợp của nước Anh, ngay khi bà Theresa May tuyên bố xem xét lại việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point, lập tức phía Trung Quốc đã cảnh báo sẽ rút các khoản đầu tư trị giá 100 tỷ bảng Anh khỏi đất nước này.