Đưa sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô trở thành ngành kinh doanh có điều kiện với mục đích bảo vệ ngành công nghiệp ô tô trong nước thì xe nhập khẩu giá rẻ sẽ khó có cửa tràn vào Việt Nam, kể cả khi thuế suất thuế nhập khẩu giảm mạnh.
Bảo vệ thị trường
Bộ KH-ĐT đã đề nghị bổ sung ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Lý giải điều này, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho rằng, công nghiệp ô tô là ngành sản xuất cần phải bảo vệ. Việt Nam với hơn 90 triệu dân, là thị trường ô tô rất tiềm năng mà ai cũng thèm thuồng, chẳng nhẽ chúng ta buông?
Tại Thái Lan, công nghiệp ô tô hiện đóng góp tới 12% GDP mỗi năm, tạo ra hơn 1 triệu việc làm. Nếu không bắt đầu từ bây giờ, thì chúng ta sẽ không có tăng trưởng tỷ lệ nội địa hoá trong ngành công nghiệp này. Chưa kể, nếu cứ nhập khẩu mãi, sẽ ảnh hưởng tới cán cân thương mại, nhập siêu và tác động tới kinh tế vĩ mô,… Chính sách của mọi quốc gia đều phải tập trung tạo công ăn việc làm cho xã hội, đó cũng là nhiệm vụ của bất kỳ Chính phủ nào, ông Đông cho hay.
Qua đó, có thể thấy rằng Chính phủ đang quyết tâm phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước. Và muốn phát triển ngành này thì phải bảo vệ thị trường. Để làm được, phải hạn chế xe nhập khẩu nguyên chiếc giá rẻ chuẩn bị tràn vào.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra: liệu có hạn chế được xe nhập khẩu trong bối cảnh hiện nay?
Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) từng khuyến nghị, cần quy định rõ các DN sản xuất lắp ráp, nhập khẩu ô tô phải có ủy quyền chính hãng về dịch vụ bảo hành bảo dưỡng.
Điều này cũng không khác nhiều so với quy định có trong Thông tư 20, do Bộ Công Thương ban hành năm 2011, đòi hỏi DN nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền chính hãng.
Nhiều DN dự kiến sẽ bỏ lắp ráp chuyển sang nhập khẩu xe nếu thuế giảm |
Nếu chỉ có mỗi vậy, việc bảo vệ thị trường ô tô trong nước, trên thực tế khó có thể đảm bảo được. Bởi xe nhập vẫn có nguy cơ đổ bộ từ phía các nhà nhập khẩu chính hãng.
Chúng ta đều biết, muốn có được giấy ủy quyền chính hãng, chỉ các DN là công ty con, các đại diện phân phối chính thức của các tập đoàn ô tô nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam mới có thể xin được. Những DN nhập khẩu ô tô không chính hãng không thể nào.
Có hạn chế được xe nhập khẩu?
Theo cam kết gia nhập AFTA, từ 1/1/2018, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam sẽ bị cắt giảm xuống còn 0%. Theo tính toán của các DN, khi đó, giá ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, sẽ rẻ hơn giá xe sản xuất lắp ráp trong nước khoảng 20%.
Các dự báo cho thấy, nhiều DN ô tô có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (FDI) sẽ bỏ lắp ráp và chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc về phân phối. Như vậy, ô tô nguyên chiếc giá rẻ từ Thái Lan, Indonesia,… vẫn có cơ hội tại Việt Nam.
Liệu có hạn chế được xe nhập khẩu trong bối cảnh hiện nay? |
Nói đâu xa, từ năm sau, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam giảm xuống còn 30%, điều này sẽ xảy ra với một số mẫu xe. Xu hướng này chắc chắn sẽ tăng cao vào năm 2018.
Các DN ô tô đang đầu tư sản xuất lớn tại Việt Nam sợ nhất điều này. Xe nguyên chiếc nhập khẩu giá rẻ tràn vào, trong khi sản xuất chưa đạt tới quy mô về sản lượng, để đảm bảo có hiệu quả, chắc chắn sẽ phá sản.
Mục tiêu của phát triển công nghiệp ô tô là đẩy mạnh và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Muốn vậy, phải phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, trước hết cần duy trì được sự tồn tại của các DN lắp ráp ô tô. Không có lắp ráp, không thể có sản xuất linh kiện.
Tâm lý người tiêu dùng Việt Nam hiện nay đều mong muốn được mua xe nhập khẩu với giá rẻ, để thỏa cơn khát về ô tô. Nhưng không có quốc gia nào muốn phát triển công nghiệp ô tô lại để ô tô nhập khẩu giá rẻ tràn vào. Ngay cả các quốc gia có ngành công nghiệp ô tô phát triển, có lợi thế cạnh tranh như Thái Lan, Indonesia,… đến nay vẫn dựng các hàng rào kỹ thuật để hạn chế xe nhập khẩu. Có như vậy, mới khuyến khích các DN đầu tư và thúc đẩy công nghiệp ô tô phát triển.
Vì vậy, để bảo vệ thị trường trong nước, cần phải có sự hạn chế xe nhập khẩu, bất kể chính hãng hay không chính hãng. Cần phải có hàng rào kỹ thuật, để ngăn chặn điều này. Nếu chỉ hạn chế với xe nhập không chính hãng, còn nhập khẩu chính hãng không bị hạn chế, sẽ không thành công.
Các ý kiến cho rằng, việc quy định những tiêu chuẩn ngặt nghèo không chỉ với dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng mà cả với đại lý bán hàng. Bên cạnh đó là hạn chế số cảng biển (hiện nay là 5) làm thủ tục xe nhập khẩu, tăng thêm các quy định chặt chẽ về đăng kiểm xe nhập, nâng giá tính thuế với xe nhập lên cao,…
Chỉ khi nào giá xe nhập khẩu từ ASEAN về Việt Nam cao hơn xe sản xuất lắp ráp trong nước, cho dù thuế suất thuế nhập khẩu còn 0% và người tiêu dùng vẫn thấy lựa chọn xe trong nước vẫn có lợi hơn, thì ngành công nghiệp ô tô trong nước mới thành công. Tuy nhiên, như vậy giá xe ô tô khó mà rẻ được.