Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kỳ vọng sẽ vực dậy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn có thể bị Tổng thống đắc cử Donald Trump hủy bỏ.
Ngoại trưởng Mỹ vẫn kỳ vọng vực dậy TPP dù Tổng thống đắc cử Donald Trump trong suốt chiến dịch tranh cử khẳng định sẽ hủy bỏ hiệp định thương mại này.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 13.11 nhân chuyến thăm New Zealand, ông Kerry cho biết thương mại quốc tế là tối quan trọng đối với lợi ích của Mỹ và TPP có thể giúp tăng trưởng kinh tế, theo AFP. Ông Kerry bày tỏ kỳ vọng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ từ bỏ quan điểm phản đối TPP và hiệp định này sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump tuyên bố phản đối TPP, gọi đây là “một thảm họa” và “sự cưỡng bức” đối với Mỹ, khiến nhiều công ăn việc làm ở Mỹ bị chuyển ra nước ngoài. Ông Trump cũng đã đề xuất hủy bỏ TPP, tái đàm phán Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Kinh (ký kết cách đây 22 năm).
Tuy nhiên Ngoại trưởng Kerry khẳng định ông và Tổng thống Barack Obama vẫn duy trì cam kết nỗ lực thúc giục Quốc hội thông qua TPP, nhưng không đẩy mạnh nỗ lực này từ nay cho đến khi ông Trump nhậm chức.
Ông Kerry đồng thời bác bỏ thông tin cho rằng TPP do Tổng thống Obama khởi xướng là nhằm kiềm chế một Trung Quốc đang trỗi dậy ở châu Á – Thái Bình Dương. “TPP không nhằm vào Trung Quốc. Mỹ hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình của một cường quốc như Trung Quốc, và chúng tôi đã từng khẳng định điều này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chúng tôi không tìm kiếm sự đối đầu hay xung đột mà tìm kiếm sự hợp tác”, ông Kerry nói.
Trước đó, Reuters ngày 12.11 đưa tin chính phủ của Tổng thống Obama tạm ngừng nỗ lực xúc tiến Quốc hội thông qua TPP, đồng thời tuyên bố số phận của TPP sẽ do chính quyền Tổng thống đắc cử Trump định đoạt.
Phó cố vấn An ninh Quốc gia Wally Adeyemo hôm 11.11 cho biết Tổng thống Obama sẽ cố giải thích tình hình với lãnh đạo 11 quốc gia thành viên khác cùng tham gia TPP, bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở Peru (19 – 20.11), theo Reuters.
Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, ông Alan Bollard cho biết lãnh đạo 12 nước sẽ họp bàn về tương lai của TPP bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC, trong đó xem xét các lựa chọn với Tổng thống Obama, theo tờ The Straits Times.
Chính quyền Obama xúc tiến TPP nhằm mục tiêu xóa bỏ rào cản thương mại ở châu Á, tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực, đồng thời giúp ông Obama củng cố chính sách “xoay trục” về châu Á – Thái Bình Dương. Sau hơn 5 năm đàm phán, vào tháng 10.2015, 12 nước đạt được thỏa thuận TPP gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.
TPP được xem là thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử nhân loại, giúp giảm thuế xuất nhập khẩu, cũng như xoá bỏ các rào cản bảo hộ thương mại tại 12 quốc gia thành viên. Các quốc gia này hiện chiếm khoảng 40% tỉ trọng kinh tế toàn cầu.
TPP sẽ có hiệu lực một khi 6 trong số 12 quốc gia thành viên phê chuẩn, nhưng 6 quốc gia này phải bao gồm Mỹ và Nhật Bản. Hạ viện Nhật Bản đã thông qua TPP và đang chờ quyết định của Thượng viện.
Trong khi đó, Quốc hội Mỹ (với đảng Cộng hòa chiếm đa số cả Thượng viện lẫn Hạ viện) vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ thông qua TPP. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, ông Mitch McConnell khẳng định sẽ không lưu tâm đến TPP trong những tuần trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức và số phận của TPP sẽ phụ thuộc vào ông Trump. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan thì tuyên bố Hạ viện sẽ không bỏ phiếu thông qua TPP.
Giáo sư Davin Chor, chuyên gia kinh tế tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định: “Hiện vẫn còn quá sớm để dự đoán về tương lai của TPP, bởi vì thế giới vẫn đang trong tình trạng “đợi mà xem” liệu ông Trump có thực hiện những tuyên bố chống lại các hiệp định thương mại tự do như ông từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử hay không”.
Tương lai bất định của TPP có thể khiến lãnh đạo các nước chuyển hướng tập trung vào Hiệp định Đối tác Thương mại Toàn diện Khu vực (RCEP), bao gồm tất cả 10 nước thành viên ASEAN cùng với Úc, New Zealand, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.