Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiÚc nhận xét về Hải quân- Không quân Việt Nam và khu...

Úc nhận xét về Hải quân- Không quân Việt Nam và khu vực

Theo Viện Nghiên cứu Chính sách chiến lược Australia (ASPI), hơn một thập kỷ qua, các quốc gia trong khu vực Châu Á-TBD tăng chi tiêu quốc phòng và gấp rút hiện đại hóa hải quân.

Hải quân Việt Nam.

Đó là nhận xét chung trong Báo cáo đặc biệt mang tên “Crowded waters: Naval competition in the Asia–Pacific – Vùng biển nhộn nhịp: Cạnh tranh hải quân ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” của Tiến sĩ Sheryn Lee – thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách chiến lược Australia (ASPI).

Bài viết cho rằng, quyết định mua sắm vũ khí trong khu vực bị chi phối bởi nhiều yếu tố như quan hệ chiến lược cả đối ngoại cũng như đối nội. Sự bành trướng liên tục trên biển của Trung Quốc đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới những chương trình hiện đại hóa quân đội của các bên liên quan.

Theo đó, các quốc gia trong khu vực chú trọng tăng cường mua sắm khí tài trinh sát biển tầm xa và các hệ thống tình báo tín hiệu hiện đại, tàu chiến mặt nước có thời gian hành trình lâu hơn, được trang bị hệ thống tên lửa diệt hạm, cũng như mua sắm tàu ngầm và máy bay chiến đấu, trinh sát tầm xa.

Có thể nói rằng, sức mạnh không quân và hải quân được các quốc gia chú trọng phát triển minh chứng rõ nét cho tình huống chiến lược ở khu vực, mặc dù trong một số trường hợp lục quân vẫn đóng vai trò quyết định, như ở Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Myanmar và Campuchia.

Trong bối cảnh đó, báo cáo của tiến sỹ Lee đưa ra một số đánh giá cụ thể về xu hướng mua sắm vũ khí của một số quốc gia và vùng lãnh thổ tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Ở Đông Bắc Á bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Ở Đông Nam Á, báo cáo đề cập tới Indonesia, Singapore, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Thái Lan.

Các phân tích được sử để đánh giá những tác động tiềm tàng tới vị trí chiến lược của Australia trong khu vực và tới Lực lượng vũ trang Australia.

Chi tiêu quốc phòng Đông Bắc Á tăng

Thống kê chi tiêu quốc phòng trong khu vực cho thấy có sự khác biệt giữa các quốc gia Đông Bắc Á với các nước ở Đông Nam Á.

Cụ thể, ở Đông Bắc Á, chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm tới 51% tổng chi tiêu quốc phòng của khu vực trong năm 2013 khi chi tới 153 tỷ USD.

Bắc Kinh đã mạnh tay tăng chi cho quân đội kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và chi tiêu của họ tăng đột biến, vượt trội hơn so với phần còn lại gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, những nước và vùng lãnh thổ vốn chỉ có sự tăng nhẹ trong những năm gần đây.

Chi tiêu quốc phòng ở Đông Nam Á tăng, nhưng còn khiêm tốn

Ở Đông Nam Á, chi tiêu quốc phòng khiêm tốn hơn nhiều so với Đông Bắc Á, nhưng xu hướng chung vẫn tăng. Tuy nhiên, bức tranh ở khu vực này lại phức tạp hơn nhiều. Có thể thấy rằng, Biển Đông là yếu tố mang tính chiến lược chi phối xu hướng mua sắm vũ khí của các quốc gia tại đây, đặc biệt là tàu ngầm.

Về số chi tiêu quốc phòng tuyệt đối (quy đổi ra USD) của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á vẫn rất khiêm tốn so với Trung Quốc và các nước Đông Bắc Á. Tuy nhiên, có một điều quan trọng cần lưu ý là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới tất cả các quốc gia Đông Nam Á, trừ Singapore và Indonesia), chi tiêu quốc phòng ở khu vực vẫn tiếp tục tăng.

Singapore vẫn đứng đầu với chi tiêu quốc phòng năm 2013 ước 12,3 tỷ USD, tương đương khoảng 5% GDP và chiếm chừng 23% tổng chi tiêu quốc phòng cả khu vực.

Trong khi đó, Malaysia và Thái Lan cũng tăng đáng kể ngân sách quốc phòng nhưng so với GDP thì vẫn ở mức thấp, chiếm chưa tới 1%, tương tự như Philippines.

So sánh chi tiêu quốc phòng và các chương trình mua sắm ở khu vực Đông Nam Á cho thấy có sự tăng liên tục cho tới năm 2011.

Tuy nhiên, từ năm 2012 trở đi, số lượng vũ khí mua sắm có giảm, trong khi tổng chi ngân sách quốc phòng vẫn tăng, cho thấy các quốc gia ở đây đầu tư ít hơn về số lượng, nhưng lại tập trung vào những loại hiện đại, uy lực mạnh hơn.

Mặc dù vậy, dù nỗ lực để hiện đại hóa quân đội, nhưng dường như các quốc gia Đông Nam Á (ngoại trừ Singapore) vẫn chưa phát triển được năng lực tự chủ sản xuất. Việc vận hành và bảo đảm khả năng hoạt động của những vũ khí tối tân cũng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện dần dần.

Các quốc gia chi tiêu quốc phòng, mua sắm vũ khí như thế nào?

Trung Quốc

Định hướng chính của chương trình hiện đại hóa quốc đội là tăng sức mạnh chiến đấu để đối phó với sự can thiệp của Hải quân và Không quân Mỹ vào khu vực, đặc biệt là ở eo biển Đài Loan.

Bất chấp sự tác động mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc vẫn giữ được mức tăng 2 con số gần như liên tục kể từ năm 1988 và đạt mức gấp 8 lần trong vòng 20 năm qua.

Trong tháng 3/2014, Bắc Kinh tuyên bố tăng 12,2% ngân sách quốc phòng, lên mức 132 tỷ USD. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi hiện thực hóa “những giấc mơ Trung Hoa” để biến nước này thành một siêu cường ngang ngửa với Mỹ.

Chương trình hiện đại hóa Hải quân Trung Quốc bắt đầu từ đầu thập niên 1990, tập trung vào một loạt dự án mua sắm vũ khí bao gồm tên lửa đạn đạo diệt hạm, tàu ngầm và tàu mặt nước. Hải quân Trung Quốc hiện có lực lượng tàu ngầm tấn công lớn nhất thế giới (62 chiếc), trong khi Hải quân Mỹ lại giảm xuống chỉ còn 53 chiếc vào năm 2009.

Tuy nhiên, tàu ngầm Mỹ đều sử dụng động cơ hạt nhân thì hầu hết tàu ngầm Trung Quốc là loại diesel – điện. Hải quân Trung Quốc đang nỗ lực phát triển lực lượng tàu sân bay với số lượng tới 4 chiếc, đảm bảo trong bất cứ thời gian nào cũng có ít nhất 1 chiếc đang triển khai trên biển.

Nhật Bản

Tháng 7 năm 2014, Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố một cải cách quan trọng đó là sửa đổi Điều 9 Hiến pháp, theo đó cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật bản có quyền triển khai lực lượng ra nước ngoài và mở rộng định nghĩa “phòng vệ” bao hàm cả việc trợ giúp đồng mình hay còn gọi là phòng thủ tập thể.

Mặc dù chính quyền của tổng thống Mỹ Obama cam kết đảm bảo an ninh khu vực, nhưng dường như Nhật Bản vẫn lo xa khi quyết định mua sắm những vũ khí tối tân nhất, bao gồm tên lửa đánh chặn SM-3 trên hạm tàu, 42 tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35A, hệ thống tác chiến phòng không Aegis và sẵn sàng đầu tư nhiêu hơn nữa.

Bất chấp kinh tế đình đốn, Tokyo vẫn giữ nguyên tỷ lệ chi ngân sách quốc phòng chiếm 1% GDP. Mặc dù tỷ lệ này không cao so với nhiều nước trong khu vực, nhưng có vẻ như Nhật Bản đã và đang sử dụng rất hiệu quả trong việc duy trì, nâng cấp hiện đại hóa và mua sắm mới.

Trong vòng 4 năm tới, lực lượng tàu ngầm Nhật Bản sẽ tăng từ 16 lên 22 chiếc, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cũng mua thêm 13 máy bay tuần tra săn ngầm nội địa Kawasaki XP-1 để thay thế các máy bay P-3C hết niên hạn và bắt đầu từ năm tài chính 2015, Nhật Bản sẽ triển khai máy bay không người lái Global Hawk,…

Vùng lãnh thổ Đài Loan

Đài Loan hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình với trọng tâm là để đối phó với Trung Quốc. Mặc dù Mỹ tiếp tục khẳng định sẽ bảo vệ Đài Loan trước mọi cuộc tấn công nhưng những động thái quanh eo biển Đài Loan ảnh hưởng rất mạnh tới an ninh khu vực.

Mục đích hiện đại hóa của Đài Loan là để sẵn sàng cho một cuộc chiến phi đối xứng với Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Báo cáo Quốc phòng năm 2013 của Đài Loan đã chỉ rõ sự tác động của sức mạnh ngày càng tăng của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc tới nỗ lực đảm bảo an ninh của Mỹ cho Đài Loan một khi Bắc Kinh quyết định sử dụng vũ lực.

Báo cáo này nhận định rằng tới năm 2020, Trung Quốc có thể sẽ phát động tấn công Đài Loan, nhưng bất ngờ là trong khi Trung Quốc mạnh tay chi tiêu quốc phòng thì vùng lãnh thổ này lại có xu hướng giảm, ngân sách hàng năm duy trì ở mức thấp, chỉ khoảng 2% GDP trong năm 2014, còn xa mới đạt tới mức mong muốn là 3%.

Yêu cầu thay thế 2 tàu ngầm có từ thập niên 1960 bằng 6 tàu ngầm diesel-điện vẫn chưa thể thực hiện.

Để tuần tiễu biển, hiện lực lượng này đã sở hữu 12 chiếc P-3C Orion có thể mang tên lửa diệt hạm. Đài Loan cũng tiếp tục bày tỏ mong muốn nâng cấp các máy bay tiêm kích F-16A/B già cỗi lên chuẩn F-16C/D và tuyên bố mục tiêu dài hạn là đặt mua tiêm kích tàng hình F-35B, bất chấp việc Washington không sẵn lòng chuyển giao.

Việt Nam

Việt Nam đang hiện đại hóa hải quân và không quân để tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền trước nguy cơ những diễn biến bất lợi trên Biển Đông. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong thập kỷ qua, cho phép Việt Nam có điều kiện đầu tư nhiều hơn cho quốc phòng.

So với các nước láng giềng Đông Nam Á, tiềm lực quốc phòng Việt Nam đã có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn. Tháng 12/2013, Hải quân đã tiếp nhận chiếc đầu tiên trong tổng số 6 tàu ngầm Kilo-636 đặt mua từ Nga và dự kiến sẽ nhận đủ theo hợp đồng vào năm 2016.

Tháng 8/2013, Việt Nam ký hợp đồng đặt mua thêm 12 chiếc tiêm kích đa năng Su-30MK2, bổ sung thêm máy bay hiện đại có thể mang tên lửa chống tàu cho lực lượng không quân.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đặt hàng thêm 2 tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard, nâng tổng số lên 6 chiếc. Trong số 4 chiếc đã có thì 2 chiếc dường như có khả năng tiến công mặt đất và 2 chiếc còn lại có khả năng chống ngầm.

Việt Nam cũng có thể đang cân nhắc một số lựa chọn nhằm mục tiêu thay thế 11 tàu chiến và 5 tàu khinh hạm có từ thời Xô Viết đã đến cuối vòng đời. Trong một diễn biến khác, Nhật Bản tuyên bố cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra.

Sức mạnh của các tàu chiến thế hệ mới của Hải quân Việt Nam được đảm bảo bởi tên lửa diệt hạm Kh-35 của Nga.

Tuy nhiên, việc thay thế, hiện đại hóa lực lượng này cần thêm một thời gian nữa để hoàn thành.

Philippines

Quốc gia này phải đối mặt với những vấn đề an ninh nội địa nghiêm trọng khiến họ phải chú ý đầu tư cho lục quân và thủy quân lục chiến. Tuy nhiên, sức ép ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông buộc Quân đội Philippines phải được ưu tiên mạnh hơn và khỏa lấp những yếu kém hiện hữu.

Ngân sách quốc phòng của Philippines có sự tăng trưởng ấn tượng từ mức 2 tỷ USD năm 2010 lên mức 2,9 tỷ USD. Tuy nhiên, tỷ lệ so với GDP lại giảm, từ mức 1,2% năm 2010, xuống còn 0,73% năm 2014.

Không quân Philippines dường như không tồn tại. Lần xuất kích huấn luyện cuối cùng của một chiếc máy bay chiến đấu phản lực (F-5) là vào năm 2005, kể từ đó trở đi, không có bất cứ chiếc máy bay chiến đấu nào còn bay được.

Không những chưa có kinh nghiệm thực chiến, phi công Philippines cũng vấp phải vấn đề nghiệm trọng trong huấn luyện do thiếu tiền. Nhận thức được vấn đề, gần đây quốc gia này đã đặt mua 12 chiếc máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 và 8 trực thăng vũ trang Bell 412. Tuy nhiên, các loại máy bay này vẫn chủ yếu dùng cho mục đích huấn luyện.

Hải quân Philippines ở trong tình trạng tồi tệ, không có tàu ngầm và tàu mặt nước hiện đại nhất là tàu khu trục đã qua sử dụng từ thế chiến thứ II của Mỹ.

Hiện nay, Hải quân Philippines chỉ có một số tàu tuần tra cỡ nhỏ mua của Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy vậy, nươc này vẫn nuôi tham vọng đặt mua 2 tàu ngầm diesel-điện, 2 khinh hạm, 2-3 tàu tuần tra tốc độ cao cùng 8 tàu đổ bộ.

RELATED ARTICLES

Tin mới