Saturday, April 20, 2024
Trang chủBiển nóngĐằng sau sự hòa dịu sau phán quyết của Biển Đông

Đằng sau sự hòa dịu sau phán quyết của Biển Đông

Theo nhiều học giả, tình hình Biển Đông có vẻ hòa dịu hơn sau phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế, song mâu thuẫn trên thực địa vẫn không thay đổi về bản chất.

Các công trình xây dựng trái phép của TQ trên đá Huy Gơ của Việt Nam.

Chiều nay, 15/11, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, Hội thảo Quốc tế lần thứ 8 về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức đã kết thúc.

Qua bảy phiên làm việc trong hai ngày, các đại biểu đã thảo luận về bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực, những diễn biến gần đây ở Biển Đông, các khía cạnh pháp lý, kinh tế, an ninh chính trị và lịch sử của tranh chấp Biển Đông và triển vọng về các giải pháp quản lý và giải quyết tranh chấp trong khu vực.

Đáng chú ý, phiên thảo luận của hải quân và các lực lượng chấp pháp trên biển các nước trong khu vực đã đem đến những ý tưởng và luận điểm mới tại hội thảo lần này.

Ở hội thảo lần này, đánh giá nguồn gốc tranh chấp ở Biển Đông, nhiều học giả cho rằng tranh chấp trên Biển Đông đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ.

Thực tiễn sử dụng biển trong lịch sử cũng giúp xác định thời điểm hình thành tranh chấp, phân tách các yêu sách chủ quyền theo từng cấu trúc hay nhóm cấu trúc từ đó có thể có cách tiếp cận linh hoạt trong giải quyết tranh chấp chủ quyền và thúc đẩy hợp tác bảo tồn biển.

Đặc biệt, đáng chú ý là nghiên cứu về lịch sử đường 9 đoạn phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Đường 9 đoạn ban đầu chỉ được vẽ một cách đơn giản để tuyên bố chủ quyền với các đảo chứ không dựa vào bất kỳ luận cứ pháp lý, khoa học nào.

Về những diễn biến gần đây, nhiều học giả nhận định tình hình có vẻ hòa dịu hơn sau phán quyết, song mâu thuẫn trên thực địa vẫn không thay đổi về bản chất.

Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận trước mắt với một số nước Đông Nam Á để làm dịu các tranh chấp, song thực tế vẫn duy trì, thậm chí tăng cường sự hiện diện và kiểm soát phi pháp trên Biển Đông, gồm cả khu vực bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa.

Các hoạt động xây dựng và lắp đặt trang thiết bị phục vụ mục đích quân sự và do thám phi pháp của TQ ở các điểm đảo Chữ Thập, Vành Khăn và Subi không giảm tốc độ, cho thấy Trung Quốc không thay đổi mục tiêu dài hạn là giành toàn quyền kiểm soát Biển Đông. Đó là một nguyên nhân quan trọng gây ra căng thẳng trong khu vực.

Các học giả cũng cho rằng, một số nước tiếp giáp Biển Đông có xu hướng chuyển dịch gần với Trung Quốc hơn chủ yếu do nhu cầu tập trung phát triển nội bộ. 

Tuy nhiên, trên thực tế các nước vẫn lo ngại về các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh tương lai chính sách Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ dưới thời tổng thống mới còn chưa rõ ràng. Do vậy, các đại biểu nhấn mạnh các nước trong khu vực cần thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc quản lý tranh chấp ở Biển Đông.

Cũng tại hội thảo lần này, các học giả cho rằng, để đảm bảo an ninh và ổn định ở Biển Đông, các bên cần tự kiềm chế, giữ nguyên trạng, không thực hiện các hành động đơn phương trên Biển Đông như quân sự hóa các điểm chiếm đóng hoặc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.

Dưới góc độ pháp lý, sau phán quyết của Tòa án quốc tế trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông, theo các học giả, nhiều hành động trên Biển Đông trong thời gian qua là không phù hợp với quy định của Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về luật biển.

Phán quyết cũng gián tiếp nhấn mạnh quyền tự do hàng hải, tự do hàng không trong phần lớn vùng biển của Biển Đông.

Tại phiên bế mạc, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng (Học viện Ngoại giao) nhận định, hội thảo đã thảo luận sâu nhiều khía cạnh ở Biển Đông, góp phần đạt được những nhận thức chung về những diễn biến trong khu vực.

Tình hình Biển Đông trong thời gian tới có thể chịu tác động trái chiều từ nhiều khó khăn thách thức, diễn biến phức tạp, khó lường ở các khu vực khác trên thế giới. Vì vậy các bên cần có các cách tiếp cận xây dựng, tôn trọng lẫn nhau và tuân thủ luật pháp quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới