Monday, November 18, 2024
Trang chủBiển nóngTrục chiến lược của Donald Trump ở châu Á

Trục chiến lược của Donald Trump ở châu Á

Trump sẽ cần phải xây dựng các chính sách đáng tin cậy để ổn định Biển Đông, hoặc phải đối mặt với thực tế Trung Quốc sẽ kiểm soát tuyến hàng hải chiến lược.

Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump, ảnh: AP.

The Wall Street Journal ngày 14/11 đăng bài phân tích của Michael Auslin, một nhà bình luận chuyên viết về Nhật Bản và quan hệ giữa Mỹ với châu Á cho tờ báo này. Bài viết nhận định về chính sách đối ngoại của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump,

Trong vòng 48 giờ sau khi được bầu làm Tổng thống thứ 45 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Donald Trump đã liên lạc với hai đồng minh chính của Mỹ ở châu Á.

Đó là một cuộc gọi từ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và một thỏa thuận hẹn gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại New York trong tuần này.

Đây là sự khởi đầu của quá trình chuyển đổi từ vận động tranh cử sang đặt nền tảng cho chính sách đối ngoại mới sẽ có hiệu lực kể từ 20 tháng Giêng 2017.

Tuy nhiên sự khởi đầu này vẫn chưa xóa được những vấn đề Trump sẽ phải đối mặt khi đăng quang.

Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ sẵn sàng nói chuyện với bà Park Geun-hye và ông Shinzo Abe đã đánh dấu một sự thay đổi về ngôn từ so với thời diễn ra chiến dịch tranh cử. 

Donald Trump đã khiến một số nước đồng minh, đối tác và đối thủ cảm thấy bị sốc khi công khai đòi xét lại giá trị của các quan hệ liên minh chủ chốt trong khu vực, đe dọa bỏ mặc Tokyo và Seoul nếu Nhật Bản, Hàn Quốc không trả thêm tiền cho quân đội Mỹ.

Thậm chí ông tuyên bố khuyến khích hai quốc gia đồng minh nên theo đuổi phát triển năng lực hạt nhân độc lập, để kết thúc sự bảo trợ an ninh của Mỹ vốn đã kéo dài hàng thập kỷ.

Trump cũng đã suy nghĩ về một cuộc chiến tranh thương mại tiềm tàng ở châu Á, trừng phạt cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản vì “thao túng tiền tệ” và tập quán thương mại không công bằng của họ. Ông cũng kiên quyết bác bỏ TPP.

Những chi tiết như vậy trong chiến dịch tranh cử của Donald Trump đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với các đồng minh của Mỹ, đồng thời gây ra những cảm xúc lẫn lộn ở Bắc Kinh: vừa mừng vì Trump tỏ vẻ xa lánh Nhật – Hàn, nhưng lại lo về căng thẳng kinh tế.

Tuy nhiên tính toán chính trị của Donald Trump không phải là dấu hiệu đầu tiên về sự nguy hiểm ở châu Á. 

Mặc dù chính quyền Barack Obama nhiệt tình thúc đẩy chiến lược tái cân bằng sang châu Á, nhưng quan hệ Mỹ – Trung xấu đi trong vài năm qua. Bắc Kinh bồi lấp đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông, gần đây lại lôi kéo được cả Philippines, Malaysia vào vòng tay mình.

Đối với CNDCND Triều Tiên, các chính sách của Obama về sự kiềm chế chiến lược càng khiến Bình Nhưỡng tăng cường các chương trình hạt nhân và tên lửa tầm xa. 

Chính điều này đã khiến các nhà tư tưởng và truyền thông Hàn Quốc kêu gọi trang bị vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc theo đuổi một chương trình hạt nhân riêng.

Thất bại của ông Obama trong việc thông qua TPP trước khi rời Nhà Trắng cũng làm cho quan hệ Mỹ với các nước ký kết TPP xấu đi, trong đó có Nhật Bản đã phê chuẩn TPP ngay sau chiến thắng của Donald Trump.

Nguồn tin Hàn Quốc nói rằng, trong điện đàm với bà Park Geun-hye, Trump đã tái khẳng định cam kết của Mỹ với Hàn Quốc.

Tuy nhiên Trump cũng nên thúc đẩy hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD sớm ra đời tại Hàn Quốc, để buộc Bình Nhưỡng phải xem lại bất kỳ hành động khiêu khích nào đã lên kế hoạch.

Với Nhật Bản, dường như Donald Trump có một ác cảm khá sâu. Nhưng một bước đi táo bạo đã được ông Shinzo Abe quyết định khi chủ động yêu cầu gặp Donald Trump sớm.

Thủ tướng Nhật Bản sẵn sàng bay qua New York gặp Trump trước khi sang Peru dự hội nghị APEC.

Nhiều khả năng Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tiếp tục lãnh đạo Nhật Bản qua năm 2021 nhờ vào một sự thay đổi quy tắc trong đảng Dân chủ Tự do.

Vì vậy mối quan hệ Donald Trump – Shinzo Abe sẽ đặc biệt quan trọng đối với chính sách của Mỹ ở châu Á.

Ông Shinzo Abe cần chào hàng với Donald Trump về giá trị của liên minh Nhật – Mỹ và lý do hai bên cần đầu tư cho nó: Đây là một phương tiện duy trì, đảm bảo sự ổn định ở châu Á có chi phí thấp.

Thủ tướng Nhật có thể sẽ chỉ ra cho Trump thấy, Tokyo sẵn sàng làm những gì dưới sự lãnh đạo của ông, ví dụ như tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước Đông Nam Á, tăng cường hợp tác liên minh, sửa đổi luật pháp Nhật Bản về tự vệ và tăng ngân sách cho quốc phòng.

Khi đó Donald Trump sẽ phải thuyết phục châu Á rằng, dưới sự lãnh đạo của ông Mỹ sẽ không rút khỏi khu vực.

Trump sẽ cần phải xây dựng các chính sách đáng tin cậy để ổn định Biển Đông, hoặc phải đối mặt với thực tế Trung Quốc sẽ kiểm soát tuyến hàng hải chiến lược này.

Tương tự như vậy, Hàn Quốc và có thể bao gồm cả Nhật Bản, sẽ không đủ kiên nhẫn chờ thêm 8 năm nữa cho một chính sách rõ ràng của Mỹ để loại bỏ các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.

Có lẽ sau tất cả, Donald Trump sẽ phải quyết định đối phó với Trung Quốc như thế nào khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang phát triển chậm lại và khả năng biến động nội bộ về chính trị tại quốc gia này trong năm bầu cử 2017.

Khi rủi ro với tương lai của châu Á tăng lên, các mối quan hệ cá nhân với lãnh đạo các nước đồng minh then chốt của Mỹ là rất quan trọng.

Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Trump sẽ thực hiện những cam kết trong chiến dịch tranh cử có thể gây ra một cuộc khủng hoảng với liên minh hiện có.

Người viết xin lưu ý, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump chưa công bố chính sách đối ngoại chính thức.

Những phân tích, bình luận của giới quan sát quốc tế có giá trị tham khảo, hoặc thậm chí có cả mục đích vận động hành lang, tác động đến giới hoạch định chính sách của Trump.

RELATED ARTICLES

Tin mới