Wednesday, May 1, 2024
Trang chủGóc nhìn mới4 lý do Trung Quốc ăn mừng chiến thắng của Donald Trump

4 lý do Trung Quốc ăn mừng chiến thắng của Donald Trump

Nhà báo James Palmer của tờ Foreign Policy hôm 12/11 đưa ra 4 lý do khiến Trung Quốc có thể ăn mừng sau khi tỷ phủ Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ.

Theo Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, ông Tập Cận Bình và ông Donald Trump hôm 14/11 đã đồng ý “sớm gặp nhau”

để thảo luận về mối quan hệ giữa hai nước.

Thứ nhất về địa lý chính trị: Trung Quốc không còn phải đối diện với triển vọng bà Hillary Clinton, một đối thủ cứng rắn, nhiều kinh nghiệm với một thành tích sẵn sàng đối đầu với những kẻ bắt nạt. Thay vì vậy, họ sẽ đối diện với một tài tử truyền hình thực tế (ý nói ông Trump) vốn có vẻ biết một cách mơ hồ là Trung Quốc có vũ khí hạt nhân, đã hứa sẽ bắt các đồng minh của Mỹ kế cận Trung Quốc như Hàn Quốc và Nhật Bản phải đóng thêm tiền, và đã liên tiếp làm giảm niềm tin vào Mỹ như là một đối tác quốc phòng. Ông Trump cũng thuộc loại các nhà kinh doanh rất dễ bị Trung Quốc lừa đảo – dễ tin, tập trung vào bề ngoài của giàu có, và vô cùng dễ bị nịnh bợ. Một chuyến đi thôi, với người Hoa trải thảm chào đón, sẽ làm cho ông ta ưa thích những nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Nhà báo Palmer cho rằng những quốc gia Đông Nam Á vốn không biết ủng hộ ai trong cuộc tranh quyền ở Thái Bình Dương, sẽ chuyển mạnh sang phía Trung Quốc, chọn một quốc gia giữ lời hứa hơn là một có thể thay đổi chỉ qua một lá phiếu. Những đồng minh mạnh nhất của Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản, không còn tin tưởng vào chiếc dù hạt nhân, sẽ bắt đầu nghiêm chỉnh tính đến những giải pháp khác – chẳng hạn như đạt khả năng hạt nhân cho chính họ, tạo thêm căng thẳng mới với Trung Quốc.

Nói chung, theo ông Palmer, những diễn biến này sẽ càng khiến Trung Quốc thêm bạo dạn. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Bắc Kinh đã tin là thế giới nay thuộc về phía họ, kết quả là đã có những biện pháp quân sự quá tự tin ở Đông Nam Á khiến cho một số quốc gia ngả hẳn sang phe Mỹ. Nay sự tự tin của Bắc Kinh đã trở lại, và rất ít ai trong vùng có thể tin tưởng được vào khả năng của Mỹ để bảo vệ chống lại chủ nghĩa bá quyền mới nhen nhúm của Trung Quốc.

Thứ hai, theo lập trường của Bắc Kinh, một hệ thống bầu cử sản xuất ra một người như ông Trump – hoàn toàn không có kinh nghiệm về cai trị nhưng lại là một nhà mị dân tài giỏi – là một sự vô lý, chẳng khác gì chọn tổng quản trị cho một công ty quan trọng qua một cuộc đua ngựa. Ở Trung Quốc, lãnh đạo phải được chọn lựa cẩn thận, nuôi dưỡng, thúc đẩy, có thêm kinh nghiệm ở mỗi bậc của hệ thống trước khi được trao cho công việc tột đỉnh.

Sự thô thiển của chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump đã làm cho những chỉ trích của báo chí Trung Quốc về “một trò hề chính trị rối loạn” trở thành tin được. Sự khác biệt giữa lá phiếu dân bầu và lá phiếu của cử tri đoàn sẽ lại càng thêm bằng cớ cho luận cứ là nền dân chủ của Mỹ là một trò gian trá.

Nếu những chỉ dấu cho đến nay là tiêu biểu cho chính phủ Trump thì nó lại càng giúp cho Trung Quốc. Mỗi trò ồn ào hoang tưởng về an ninh mà ông đe dọa, từ cấm di dân Hồi giáo đến bức tường với Mexico, sẽ được Bắc Kinh dùng để biện minh cho những vụ đàn áp của Bắc Kinh.

Và việc này dẫn đến chiến thắng thứ ba của Bắc Kinh. Mỗi năm, Mỹ đưa ra một bản phúc trình về nhân quyền của Trung Quốc, và mỗi năm Trung Quốc lại trả lời với một bản phúc trình của họ, một sự pha trộn tức tối và chọc quê vào một số những chỗ yếu của Mỹ, từ cách cảnh sát đối xử với dân thiểu số đến sự khác biệt giữa đồng lương đàn ông và đàn bà. Nhà báo Palmer cho là dưới thời đại của Tổng thống Trump, kho vũ khí của Bắc Kinh để chống lại Mỹ về nhân quyền sẽ gia tăng, khi ông có liên hệ mật thiết với các nhóm chủ trương da trắng cực đoan, sự việc sẽ có giảm thiểu dân quyền và việc ông cùng những người ủng hộ ông, tấn công vào tự do báo chí. Bất cứ một kêu gọi nào từ Tây phương đòi cải tổ hệ thống phụ hệ khắt khe của Bắc Kinh như việc bắt năm cô tranh đấu cho nữ quyền hay là sự việc Đảng Cộng sản không có nữ lãnh đạo, có thể được trả lời ngay chỉ cần nhắc đến ông Trump, vua sờ mó. Sự hồi sinh của phong trào chống đồng tính trong đảng Cộng hòa sẽ là một đòn nặng cho phong trào quyền đồng tính ở Hoa Lục. Kêu gọi minh bạch trong ngân sách quốc phòng và ngân sách chính quyền địa phương sẽ được trả lời bằng câu hỏi tại sao ông tổng thống không chịu công bố hồ sơ khai thuế…

Nhưng ông Palmer bảo đó là giả xử chính phủ Trump nói đến vấn đề nhân quyền. Với sự việc ông Trump thường xuyên thán phục các lãnh đạo như Saddam Hussein và chủ trương một chính sách ngoại giao cô lập, Trung Quốc có thể thấy một Nhà Trắng thật yên lặng và sẽ làm ngơ trước những sự đàn áp ở Tân Cương hay ở ngay chính Hồng Kông.

Và chiến thắng cuối cùng là về niềm tin vào truyền thông. Sự hầu như là hoàn toàn đồng ý lên án ông Trump bởi các tờ báo từ tả sang hữu – mà chẳng có ảnh hưởng gì đến cử tri – có vẻ đã củng cố cho luận điệu của báo chí nhà nước Trung Quốc là truyền thông phương Tây thiên lệch và không có uy tín. Thêm vào đó, sự thất bại của các nhà thăm dò dư luận trong việc tiên đoán về chiến thắng của ông Trump sẽ được Bắc Kinh dùng để chê bai khả năng chuyên môn của báo chí phương Tây.

Carrie Gracie, chủ bút chuyên về Trung Quốc của đài BBC đồng ý là ông Trump đã cung cấp một cơ hội cho Bắc Kinh. Trong khi vận động tranh cử, tổng thống mới đắc cử đã tỏ ra lạnh lùng hơn về những quyết tâm của Mỹ ở châu Á. Ông đã công khai và hết sức thù nghịch với Hiệp định TPP, khía cạnh kinh tế của Chính sách Chuyển trục sang châu Á của Tổng thống Obama. Và nay theo Gracie, những nhà chiến lược về địa lý chính trị của Trung Quốc “hy vọng là một chính phủ Trump sẽ khiến họ có thể lợi dụng thực hiện kế hoạch đầy tham vọng giảm thiểu uy quyền của Mỹ và vẽ lại bản đồ của châu Á. Họ có thể đúng”.

Nhưng theo nhà báo Palmer, chỉ có một điều lo ngại có thể khiến cho cuộc ăn mừng ở Trung Quốc không hoàn toàn vui. Tuy Bắc Kinh thường xuyên chỉ trích Mỹ, nhưng sự tăng trưởng kinh tế của họ, mỉa mai thay, dựa trên một Mỹ hùng mạnh, ổn định và phồn thịnh sẵn sàng buôn bán với thế giới. Toàn cầu hóa, các tác giả Trung Quốc đã nhiều lần lý luận trong mấy tháng gần đây, là tối cần thiết cho một quốc gia cần thị trường của những nước khác để giúp đẩy dân chúng của họ lên giai cấp trung lưu và đạt được “Giấc mơ Trung Quốc” của một quốc gia phú cường vào năm 2020.

Ông Palmer viết: “Nhưng nếu tổng thống đắc cử thực hiện những kế hoạch bảo hộ mậu dịch của ông, và những quyết định của ông có cùng ảnh hưởng đối với Mỹ như đã xảy ra cho các công việc kinh doanh thất bại của ông, nền kinh tế của Trung Quốc, vốn đang lung lay, có thể bắt đầu rung chuyển… Trung Quốc và Mỹ thường được coi như là hai cánh của nền kinh tế toàn cầu. Mất đi một cái, thì họ cùng nhau rớt”. Số là trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Trump hứa hẹn đánh thuế hàng Trung Quốc lên 45% để bảo vệ công ăn việc làm của dân Mỹ.

Trên đây là những lý do nhìn từ Trung Quốc, còn theo nhiều nhà phân tích chính trị quốc tế, ông Trump là người khó đoán vì không ai có thể đoán chắc ông sẽ làm gì. Các chuyên gia cần có thêm thời gian để “giải mã” chính sách đối ngoại của ông Trump.

 

 

RELATED ARTICLES

Tin mới