Wednesday, December 25, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiDuterte: Muốn độc lập những vẫn làm bạn với Mỹ

Duterte: Muốn độc lập những vẫn làm bạn với Mỹ

Chiến lược xoay trục sang Trung Quốc của ông Rodrigo Duterte được xây dựng trên giả định Donald Trump sẽ thắng cử.

Tổng thống Rodrigo Duterte, ảnh: AP.

South China Morning Post ngày 17/11 dẫn nguồn tin AP cho biết, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói rằng:

Ông muốn làm bạn với Tổng thống đắc cử Donald Trump, nhưng vẫn tiếp tục nỗ lực hạn chế sự phụ thuộc kinh tế và quân sự của đất nước mình vào Hoa Kỳ, mở ra quan hệ lớn hơn với Trung Quốc.

“Tôi chắc chắn rằng chúng tôi không cãi nhau. Tôi luôn luôn có thể là một người bạn với bất kỳ ai, đặc biệt là với ngài Tổng thống, nguyên thủ một quốc gia khác”, ông Duterte nói.

Rodrigo Duterte nói, ông tin tưởng vào phán đoán của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, và dự đoán Trump sẽ công bằng trong việc đối phó với những người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ.

Một trong những cộng đồng nhập cư lớn nhất Hoa Kỳ là người Philippines. Phát biểu của Duterte có thể là một sự khởi đầu mới, bởi khi còn tranh cử ông đã từng “đắc tội” khi so sánh mình với Trump:

“Donald Trump là một người cuồng tín, còn tôi thì không”. Rodrigo Duterte nhận xét về ông Trump như thế khi cả hai còn là ứng viên tranh cử Tổng thống tháng 3 năm nay, lúc Trump đưa ra ý tưởng cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ và dựng một bức tường dọc biên giới với Mexico.

Nguy cơ “xung đột” giữa hai nhà lãnh đạo mới này vẫn còn và nó có thể xóa tan hy vọng về một “tình bạn” giữa Donald Trump với Rodrigo Duterte. 

Ví dụ nếu Trump thực hiện một số cam kết trong chiến dịch tranh cử gây tổn hại đến nền kinh tế Philippines, điều đó có thể xảy ra.

Còn Rodrigo Duterte vẫn cam kết tìm kiếm khả năng thoát khỏi sự lệ thuộc vào Hoa Kỳ, củng cố quan hệ với Trung Quốc.

Lauro Baja, một cựu Thứ trưởng Ngoại giao thời Tổng thống Gloria Arroyo nhận xét: Rodrigo Duterte và Donald Trump dường như là 2 đường tròn đồng tâm.

Tuy nhiên quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo này sẽ phát triển theo hướng nào còn phụ thuộc vào việc Tổng thống Donald Trump có giống như ứng cử viên tranh cử Tổng thống Donald Trump hay không.

Trump có thể ra chính sách quản lý kiều hối người lao động nước ngoài tại Mỹ gửi về nước, trong khi hạn chế các doanh nghiệp Mỹ tuyển dụng lao động nước ngoài có thể ảnh hưởng trực tiếp đến một số ngành công nghiệp Philippines ,như gia công phần mềm.

Hoặc trong trường hợp Mỹ cứng rắn hơn với Trung Quốc ở Biển Đông có thể làm phức tạp các nỗ lực của ông Rodrigo Duterte nhằm tháo ngòi căng thẳng với Trung Quốc.

Trong một thông điệp chúc mừng Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ gửi qua Bộ trưởng Truyền thông Martin Andanar, Duterte nói ông mong muốn hợp tác với chính phủ của Trump trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, cam kết chia sẻ lý tưởng dân chủ – pháp quyền.

Một vài ngày trước khi diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ, Duterte bổ nhiệm một nhân vật có “liên hệ” với Donald Trump, Jose Antonio EB làm phái viên đặc biệt (Đại sứ) sang Mỹ.

Antonio là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Tập đoàn Bất động sản Thế kỷ, từng tham gia xây dựng tòa tháp Trump Tower Manila. Cổ phiếu của công ty này đã tăng mức cao nhất trong vòng một năm qua sau chiến thắng của Trump.

Đồng thời, Bộ trưởng Kinh tế Philippines Ernesto Pernia cũng nói, chiến lược xoay trục sang Trung Quốc của ông Rodrigo Duterte được xây dựng trên giả định Donald Trump sẽ thắng cử.

“Thay vì phụ thuộc vào Mỹ ở mức độ lớn, bây giờ chúng tôi đang đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, do đó bạn sẽ không sụp đổ khi các quốc gia bạn phụ thuộc vào họ đang gặp khó khăn”, ông Pernia nói.

Người viết cho rằng, Rodrigo Duterte là những ví dụ điển hình của một xu thế chính trị, một phong cách chính trị khác hẳn truyền thống. 

Phát biểu và chính sách của hai vị này nghe thì có vẻ đối nhau chan chát, nhưng kỳ thực đó là những bài toán khác nhau cho các thời kỳ, giai đoạn, hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều hướng tới mục đích họ đặt ra.

Có thể thấy rõ tính thực dụng và hiệu quả trong cách tiếp cận vấn đề của Rodrigo Duterte lẫn Donald Trump. Mâu thuẫn cũng được, tiền hậu bất nhất cũng được, miễn là đạt được mục đích.

Còn để đánh giá các chính sách đối nội, đối ngoại của hai nhà lãnh đạo này cần phải có thêm thời gian và người dân hai nước này đánh giá sẽ chính xác nhất.

Nhưng việc dân Philippines và dân Mỹ chọn họ làm Tổng thống, hẳn không phải chuyện ngẫu nhiên mà có lý do của nó.

Chính khách truyền thống bóng bẩy, mượt mà, trau chuốt cũng quý, nhưng có giải quyết được những bài toán thực tế trong đời sống quốc gia, xã hội hay không mới là nhân tố quyết định.

RELATED ARTICLES

Tin mới