Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 18/11

Bản tin Biển Đông ngày 18/11

Bản tin Biển Đông ngày 18/11/2016.

Tàu cá Trung Quốc. Ảnh: Getty

1) Vấn đề “đói nguồn cá” của Trung Quốc: yếu tố bí ẩn khiến tranh chấp Biển Đông bị đẩy lên cao

Ngày 17/11, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Vấn đề “đói nguồn cá” của Trung Quốc: yếu tố bí ẩn khiến tranh chấp Biển Đông bị đẩy lên cao” của Adam Bartley, Nghiên cứu sinh tại Đại học RMIT Melbourne và thành viên không thường trú của Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu:

Theo ông Adam Bartley, trong khi sự chú ý của dư luận thường hướng vào các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông, việc Trung Quốc thay đổi một loạt các chính sách nhằm tăng cường hoạt động nghề cá tại các vùng biển không thuộc chủ quyền của nước này lại ít được “mổ xẻ”, dù những thay đổi này có ý nghĩa to lớn đối với quan hệ giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực, cụ thể là trong vấn đề yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, gây ra nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu chiến lược lớn hơn. Lý do là vì cuộc chiến nhằm giành quyền kiểm soát, tranh giành nguồn cá ở Biển Đông của Trung Quốc có thể khiến tranh chấp Biển Đông mở rộng và lôi kéo thêm nhiều chủ thể mới vào tranh chấp này.

Ông Bartley khẳng định, chính sự gia tăng các đội tàu cá Trung Quốc ở khu vực đã gây suy giảm nặng nề tổng lượng cá, các đội tàu cá này phải “liều lĩnh” đi đánh cá ở các vùng biển bên ngoài, làm phát sinh các vụ đụng độ với lực lượng bảo vệ bờ biển của nước ngoài, các vụ đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển… Thế nhưng, Chính phủ Trung Quốc lại sử dụng cái cớ “thiếu hụt nguồn cá” để áp đặt thêm nhiều quy định mới nghiêm ngặt và “không giống ai” đối với ngành ngư nghiệp. Không những thế, Trung Quốc còn tìm cách ngụy biện rằng các ngư trường cá ngày càng có tầm quan trọng ngày càng lớn đối với ngành thủy sản nước này để phớt lờ các đường ranh giới biển đã phân định (các khu vực không bị tranh chấp), lấy lý do “quyền đánh cá truyền thống” nhằm tạo cớ cho các ngư dân đến đánh bắt trái phép ở quần đảo Natuna thuộc chủ quyền của Indonesia. Theo GS. Alan Dupont, Đại học New South Wales, Indonesia sẽ cần phải cảnh giác trước chiến lược của Trung Quốc: “đánh bắt cá, sử dụng các biện pháp bảo vệ, chiếm đóng và kiểm soát” các vùng biển.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc ráo riết mở rộng phạm vi hoạt động của các tàu cá “làm loạn” Biển Đông đã thúc đẩy các quốc gia láng giềng như Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia… phải thực hiện các cách thức phòng vệ trên biển một cách quyết đoán, dù có phải phá hủy, đánh chìm mọi tàu cá bị phát hiện là đang đánh bắt trộm ở vùng biển của họ hay thông qua áp dụng mọi biện pháp vũ lực tăng cường để xử lý các vụ đánh cá trái phép của Trung Quốc, bao gồm việc sử dụng các loại vũ khí thông thường.

2) Cựu quan chức Quốc phòng Úc: Donald Trump nhiều khả năng sẽ yêu cầu Úc đưa tàu đến Biển Đông

Ngày 17/11, hãng ABC News đưa tin:

Mới đây, ông Peter Jennings, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Úc, hiện là Giám đốc Viện Chính sách Chiến lược Úc, đã bày tỏ kỳ vọng vào việc tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ trao đổi về thời điểm Úc đưa tàu vào Biển Đông nhằm thực hiện hoạt động tự do hàng hải. Ông Jennings cho rằng, nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump sẽ đòi hỏi Úc hành động nhiều hơn bởi ông Trump sẽ “đặt kỳ vọng cao hơn” với Úc hơn Tổng thống Obama. Thêm vào đó, ông khẳng định việc thực hiện hoạt động tự do hàng hải không phải là để làm hài lòng Mỹ hay vì nghĩa vụ của Úc trong quan hệ đồng minh với Mỹ, mà là để phục vụ cho lợi ích an ninh – lợi ích chiến lược của nước này

3) Trung Quốc cảnh cáo Nhật Bản tránh xa Biển Đông

Ngày 17/11, các trang Thời báo Hoàn cầu, Nhân dân Nhật báo, Tổng hợp tin tức Trung Quốc… đưa tin:

Ngày 17/11, trả lời câu hỏi về những phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada rằng các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đã nhận thấy những tình thế xảy ra tại Biển Đông cũng có thể xảy ra tại biển Hoa Đông và ngược lại, Người Phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang lớn tiếng cảnh cáo quốc gia ngoài khu vực như Nhật Bản không được phá vỡ những nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm giữ gìn hòa bình ổn định tại Biển Đông, càng không được “gây thù chuốc oán”. Đồng thời, ông này còn nói rằng “Các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông ủng hộ lập trường nào, nhìn nhận như thế nào về tình hình Biển Đông hiện nay, tốt nhất là phải do chính các quốc gia ASEAN nói. Nhật Bản không phải đại diện phát ngôn của ASEAN.” Ông Geng Shuang còn ngang ngược tuyên bố, phía Trung Quốc sẽ không từ bỏ quyết tâm bảo vệ chủ quyền và quyền lợi biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới