Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ sẽ đắc lợi nếu ông Trump xóa bỏ TPP

TQ sẽ đắc lợi nếu ông Trump xóa bỏ TPP

Chính phủ Obama tuần trước thông báo ngưng nỗ lực để Quốc hội thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trước khi tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức. Và rằng số phận của TPP sẽ tùy thuộc vào quyết định của ông Trump và các nhà lập pháp Cộng hòa. Trung Quốc đang rất vui mừng chờ ông Trump thực hiện lời hứa tranh cử rằng ông sẽ xóa sổ TPP. Theo đánh giá của giới chuyên gia, Bắc Kinh chắc hẳn sẽ phải mừng hụt.

Ông Donald Trump từng tuyên bố sẽ xóa bỏ TPP, nhưng một mình ông khó có thể làm được điều đó

Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump luôn bác bỏ và chỉ trích Hiệp định TPP mà Tổng thống Obama cố công vận động để thông qua. Theo ông Trump thì hiệp định này chỉ giúp công nhân các nước khác “đánh cắp công ăn việc làm” của người Mỹ, đồng thời tuyên bố sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định này.

Ông Trump không thể rút lại những lời hứa tranh cử nhưng chúng ta chưa thể đoán ông Trump thực sự sẽ làm gì.

TPP, bên cạnh vấn đề quân sự, là một trong hai trụ cột trong chính sách của Tổng thống Barack Obama nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Theo nhiều nhà quan sát, việc xóa bỏ vai trò của Mỹ trong TPP không phải là điều dễ dàng. “Ông Trump nói thế thôi chứ không phải đơn giản mà ông ấy nói là ông ấy làm được. Mà làm được thì ông ấy phải tính toán tới lợi ích của nước Mỹ, lợi ích của những bạn đồng minh của Mỹ. Sẽ không có điều đó xảy ra, mà tốt hơn như thế nào, hay là nó phát triển cầm chừng hoặc là nó có thể có những mặt này, mặt kia gián đoạn hoặc kém phát triển. Chắc không có điều đó xảy ra”- Zhang Zhexin, thuộc Viện nghiên Cứu các Vấn đề quốc tế ở Thượng Hải nói.

Chính các đại biểu Dân chủ trong Quốc hội Mỹ chống TPP mạnh nhất. Ða số các đại biểu thuộc đảng Cộng hòa (đảng của ông Trump) ủng hộ TPP; vì tự do mậu dịch là chủ trương cố hữu của đảng này. Ðảng Cộng hòa sẽ kiểm soát cả hai viện Quốc hội ít nhất trong hai năm tới, mà Quốc hội Mỹ không có thói quen gật đầu theo ý ông tổng thống.

Một điều quan trọng là giới lãnh đạo ở Mỹ đều đồng ý rằng trong việc đối phó với kế hoạch bành trướng của Trung Quốc ở châu Á thì một vũ khí hiệu quả nhất của nước Mỹ chính là sức mạnh của kinh tế tự do và thương mại tự do. Nhiều lãnh đạo Cộng hòa thuộc cả hai viện Quốc hội không ủng hộ ông Trump khi ông ứng cử trong đảng. Nhiều người như thượng nghị sĩ John McCain hay Dân biểu Paul Ryan, chủ tịch Hạ Viện, đã từng bị ông Trump công kích nặng nề, có khi sỉ nhục. Họ có thể bỏ qua chuyện cá nhân nhưng sẽ không nhượng bộ trên những chính sách quan trọng nhất của đảng.

TPP là một chính sách đối phó với chương trình bành trướng của Trung Quốc khi Tổng thống Obama cố ý không mời Bắc Kinh tham dự. TPP sẽ xác định vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trong một vùng rộng lớn, chiếm 40% sản lượng toàn cầu. Quan hệ kinh tế sẽ nối chặt thêm những quan hệ an ninh. Nếu TPP bị xóa sổ mà không có gì thay thế, các nước châu Á không phải chỉ nhìn đó như một quyết định kinh tế, thương mại, mà họ sẽ thẩm định mức độ dấn thân và cam kết của nước Mỹ trong vùng này. Các quốc gia khác cũng sẽ dè dặt không biết có thể tin tưởng vào những hiệp ước kinh tế sẽ ký kết với chính phủ Mỹ trong tương lai hay không. Nhất là khi ông Trump cũng tỏ ý có thể rút lại việc bảo đảm an ninh của các đồng minh lâu đời như Nhật Bản và Hàn Quốc, nếu họ không đóng góp chi phí. Các chính phủ trước đây đã đưa quân đội Mỹ tới hai nước đó, cũng như đang đưa quân đến các nước ở châu Âu chính là để bảo vệ an ninh lâu dài cho nước Mỹ, hoàn toàn không phải vì những tính toán tài chính nhất thời.

Đối với những vấn đề lớn của nước Mỹ, một ông tổng thống không thể đơn phương quyết định. Ðảng Cộng hòa sẽ tạo áp lực để ông Trump phải thay thế TPP bằng những hành động có tác dụng tương tự chẳng hạn tạo một vành đai kinh tế, thương mại chung quanh Trung Quốc đang bành trướng, dù đó là TPP hay bằng những tên gọi khác.

Bắc Kinh có đủ lý do vui mừng nếu TPP bị vứt bỏ. Theo Zhang Zhexin, Trung Quốc sẽ nhân cơ hội thúc đẩy các thỏa ước mậu dịch song phương trong vùng, và cổ động cho kế hoạch “Nhất Ðới, Nhất Lộ”. Ông nhận định: “Vai trò lãnh đạo kinh tế của nước Mỹ sẽ bị nghi ngờ, mở cửa cho Trung Quốc thắt chặt quan hệ kinh tế với các nước châu Á Thái Bình Dương”.

Trong bối cảnh “tranh tối tranh sáng” về TPP, hãng tin Reuters hôm 10/11 dẫn lời quan chức Trung Quốc nói rằng tại một hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Peru cuối tháng này, Bắc Kinh sẽ mưu tìm hậu thuẫn cho một thỏa thuận về khu vực thương mại tự do ở châu Á – Thái Bình Dương do Trung Quốc dẫn đầu.

Một quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc được trích lời nói rằng Trung Quốc tin là cần phải “thiết lập một kế hoạch làm việc mới, thực tiễn để phản hồi tích cực trước các kỳ vọng cũng như duy trì tiến độ và thiết lập một khu vực thương mại tự do ở châu Á- Thái Bình Dương sớm nhất có thể”.

Trước tình thế này, chắc chắn giới lãnh đạo đảng Cộng hòa sẽ không để ông Trump xé bỏ những cam kết trong TPP. Một vị tổng thống Mỹ không thể nào đưa quốc gia trở về tình trạng cô lập, như trong thế kỷ 19. Ngay cả khi ông Trump xóa bỏ TPP thì cũng là để bắt đầu những màn đàm phán mới thiết lập các quan hệ kinh tế với 11 quốc gia đã ký kết TPP.

Ông Trump có thể dùng “món võ” TPP làm một đòn mặc cả với Trung Quốc trong các vấn đề mậu dịch giữa hai nước. Ai cũng biết Trung Quốc cần giao thương với Mỹ để xuất khẩu hàng hóa, nhưng cũng nên biết rằng Trung Quốc là nước đứng thứ ba sau Canada và Mexico đang nhập khẩu hàng hóa Mỹ. Trong cuộc thương thảo với Trung Quốc sẽ diễn ra, ông Trump có thể dùng một thứ “TPP mới” làm đòn bẩy, một người vẫn tự hào về tài thương lượng như ông không thể bỏ qua.

Ông Trump đã hứa sẽ xóa bỏ TPP trong 100 ngày đầu tiên, và đòi Canada và Mexico thảo luận lại hiệp ước NAFTA trong 100 ngày kế tiếp, nếu không sẽ xóa nốt. Nhưng trong 150 năm qua các chính phủ Mỹ chưa bao giờ xóa bỏ một hiệp ước thương mại nào. Và giới kinh doanh Mỹ sẽ không thể chấp nhận một cuộc thay đổi lớn nếu NAFTA hết hiệu lực. Hơn 6 triệu công nhân Mỹ đang sống nhờ hàng xuất khẩu qua Mexico hoặc làm những bộ phận mà Mexico phải nhập khẩu để ráp thành hàng hóa bán sang Mỹ.

Trong lúc này, thế giới bên ngoài không ai ngồi yên chờ chính quyền và Quốc hội Mỹ trong một, hai năm sẽ mặc cả với nhau như thế nào về vụ TPP. Trong tuần này, chúng ta sẽ chứng kiến các vận động bên lề hội nghị APEC họp ở thủ đô Peru, một quốc gia đã ký TPP nằm bên bờ Thái Bình Dương của Nam Mỹ. Tổng thống Obama đã tự đóng vai một sứ giả của tổng thống tân cử Donald Trump tới Peru tìm cách trấn an giới lãnh đạo các nước khác. Ngày 14/11, trước khi lên đường, ông đã nói về Trump: “Ông ấy là người rất thực tế”.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới