Bản tin Biển Đông ngày 23/11/2016.
1) Bộ Ngoại giao Trung Quốc phớt lờ đề xuất của Philippines về bãi cạn Scarborough
Ngày 22/11, hãng ABS-CBN News đưa tin:
Ngày 22/11, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến tuyên bố của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về kế hoạch cấm ngư dân đánh cá ở khu vực bên trong bãi cạn Scarborough trên Biển Đông để xây dựng bãi cạn này thành một khu bảo tồn biển, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang đã từ chối ủng hộ đề xuất này của ông Duterte, dù trước đó đề xuất đã được Chủ tịch Tập Cận Bình hoan nghênh tại cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo hai nước bên lề Hội nghị APEC tại Peru. Thay vào đó, ông Geng chỉ đề cập đến việc Trung Quốc đã “có những dàn xếp thoả đáng” trên tinh thần “hữu nghị” để “cho phép” các ngư dân Philippines đến hoạt động ở quanh khu vực bãi cạn, đồng thời dùng cái tên “bãi Hoàng Nham” để tiếp tục duy trì luận điệu “chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với bãi này đã và sẽ không thay đổi”.
2) Sự kiện Đài Loan sắp tập trận ở Ba Bình mở ra cuộc tranh luận về sự hiện diện quân sự và hoạt động hoà bình tại khu vực
Ngày 23/11, tạp chí Taipei Times đưa tin:
Liên quan đến đội cứu hộ, cứu nạn chuẩn bị cho các cuộc tập trận của Đài Loan trên Biển Đông, gần đây một cuộc tranh luận đã nổ ra giữa các nhà lập pháp, giữa một bên ủng hộ các hoạt động cứu nạn “một cách hoà bình” và một bên kêu gọi tăng cường các hoạt động quân sự. Ông Lo Chih-cheng, Đại biểu Đảng Dân chủ Tiến bộ cho biết, ông ủng hộ việc đưa các cuộc diễn tập cứu nạn tại khu vực Ba Bình lên mức ưu tiên lớn hơn bởi lẽ cấu trúc này có thể được sử dụng với mục đích hoà bình thay vì trở thành một nơi gây leo thang căng thẳng, qua đó chứng tỏ “cam kết với thế giới” của Đài Loan. Trong khi đó, ông Ma Wen-chun của Quốc dân Đảng kêu gọi Đài Loan cần phải cương quyết và kiên định bảo vệ chủ quyền đối với các “đảo” tranh chấp, đồng thời cho rằng bên cạnh các cuộc diễn tập cứu nạn, các “hành động phù hợp” cũng có thể được tiến hành “tuỳ theo tình hình”. Trước đó, ngày 18/11, ông Lu Yu-ling thuộc Quốc dân Đảng đã đề xuất Chính phủ đưa tàu ngầm ra Ba Bình trong một bản đánh giá ngân sách lập pháp, với lý do: không thể từ bỏ “quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của Đài Loan”. Tuy nhiên Bộ Quốc phòng Đài Loan cho rằng quyết định đóng quân tại Ba Bình hay không sẽ thuộc về vấn đề chính sách quốc gia, hành động duy nhất có thể thực hiện lúc này sẽ chỉ là tăng cường các cuộc tuần tra của lực lượng cảnh sát biển.