Trong chiến dịch tranh cử, Donald Trump đã vạch mặt Trung Quốc là thủ phạm cướp công ăn việc làm của người Mỹ, đe dọa khởi động một cuộc chiến tranh thương mại với Bắc Kinh, hứa là khi lên làm tổng thống, ông sẽ chính thức gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, đánh mức thuế trừng phạt 45% trên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng liệu ông có thể làm được như vậy hay là lại ngửa tay vay tiền của Bắc Kinh thông qua Ngân hàng AIIB?
ông Donald Trump trên báo Trung Quốc
Như để khẳng định thêm quyết tâm “chống” Trung Quốc, ông Trump còn cam đoan xé bỏ thỏa thuận khí hậu mà tổng thống Mỹ mãn nhiệm Barack Obama đã ký với đối tác Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 9/2016, một điểm sáng hiếm hoi trong quan hệ Mỹ-Trung.
Thêm vào đó, trong mấy ngày qua, tin đồn về những người sẽ được ông Trump cử làm ngoại trưởng, tức là phụ trách giao dịch với Trung Quốc, cũng khiến Bắc Kinh không yên tâm. Hai tên được gợi lên là Rudy Giuliani, cựu thị trưởng New York, lính mới trong quan hệ với về Trung Quốc, và John Bolton, một con diều hâu rất ghét Bắc Kinh.
Thế nhưng, theo The Economist, Trung Quốc lại bắt đầu nhìn thấy khía cạnh tươi sáng trong quan hệ Mỹ-Trung. Ở Bắc Kinh, người ta ngày càng lạc quan cho rằng, nếu thực sự muốn có thêm việc làm và tăng trưởng trong nước, sớm muộn gì ông Trump cũng phải mở cửa thương mại vì lẽ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch không phù hợp với chủ trương “Hãy làm nước Mỹ lớn mạnh trở lại” mà ông từng đưa ra.
Trong bài phát biểu mừng chiến thắng của mình, ông Trump từng cam kết xây dựng thêm tại Mỹ nào là đường cao tốc, sân bay, nào là trường học, bệnh viện. Và theo tuần báo Anh, ông Tập Cận Bình sẽ nhấn mạnh rằng ông vừa có tiền, vừa có chuyên môn trong lãnh vực xây dựng, xuất phát từ việc điều hành một đất nước rộng lớn với hơn 18.400km đường xe lửa cao tốc so với con số không tại Mỹ, với đập thủy điện Tam Hiệp trên sông Dương Tử cao gần bằng đập Hoover tại Mỹ nhưng dài hơn sáu lần.
Tóm lại, theo The Economist, ông Tập Cận Bình sẽ cung cấp tiền và chuyên môn cho những nỗ lực xây dựng của tổng thống Mỹ mới đắc cử, và sẽ nhấn mạnh rằng sự giúp đỡ của Trung Quốc sẽ tạo ra công ăn việc làm tại Hoa Kỳ. Để đánh đổi lại, ông Trump có thể dễ dàng tỏ một cử chỉ thiện chí là tham gia vào Ngân hàng Phát triển Hạ tầng Cơ sở châu Á (AIIB) do Trung Quốc lãnh đạo, và hậu thuẫn nhiều hơn cho chiến lược “Một vành đai, một con đường” của ông Tập Cận Bình. Nhiều cố vấn của ông Trump đã tiết lộ rằng việc đó đã được dự trù.
Một sự kiện làm mọi người kinh ngạc là sau khi ông Trump nói những lời gay gắt nhất chống Trung Quốc về “âm mưu” cướp công việc làm của công nhân Mỹ, thì một cố vấn thân cận của ông là James Woolsey lại nêu lên ý kiến nước Mỹ nên tham gia vào Ngân hàng AIIB do Trung Quốc sáng lập. Mỹ và Nhật Bản là hai nước duy nhất trong nhóm G-7 không vào AIIB. Chính quyền Obama coi đó là một âm mưu bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc qua đường đem tiền cho vay. Đồng tiền chung của các nước góp vốn nhưng Trung Quốc sẽ dùng để ban ơn phát huệ, xâm nhập và mở rộng thương mại.
Ông James Woolsey được ông Trump mời làm cố vấn các vấn đề an ninh quốc gia từ tháng 9 năm nay. Trên nhật báo South China Morning Post ở Hồng Kông, vào tuần trước ông Woolsey mô tả quyết định của Tổng thống Obama tẩy chay AIIB là một “sai lầm chiến lược”. Ông còn tiên đoán Tổng thống Trump sẽ có thiện cảm với kế hoạch “Nhất Đới, Nhất Lộ” của Tập Cận Bình, trái ngược với ông Obama. “Nhất Đới” là chủ trương lập “Một Vòng Đai” xuyên từ Trung Quốc qua vùng Trung Á sang tới châu Âu, đi theo “Con đường Tơ Lụa” thời xưa. “Nhất Lộ” là “Đường Tơ Lụa Trên Biển” đi qua vùng Đông Nam Á sang quá Trung Đông.
James Woolsey là một nhà kinh doanh trong công nghiệp chế tạo vũ khí, đã từng làm việc với hầu hết các tổng thống Mỹ từ thời Ronald Reagan. Ông được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Hải quân thời James Carter, và làm Giám đốc CIA thời Bill Clinton; nhưng ông cũng là người sáng lập nhóm Tân Bảo Thủ, trong nỗ lực cổ động tấn công Iraq thời Tổng thống George W. Bush.
Đề nghị Mỹ gia nhập AIIB của ông Woolsey đã được dư luận Trung Quốc hoan nghênh. Sau khi ông Trump thắng cử. Giáo sư Wang Huiyao, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu hóa ở Bắc Kinh nói rằng Trung Quốc có thể mời Mỹ tham gia AIIB sau khi Tổng thống Trump nhậm chức. Ông Ngụy Kiến Quốc, một cựu thứ trưởng thương mại, thì tuyên bố rằng nếu ông Trump đưa Mỹ vào AIIB thì các cuộc trao đổi về đầu tư và thương mại giữa hai nước sẽ gia tăng đáng kể, “triển vọng hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ lớn vô cùng”.
Chưa biết ông James Woolsey sẽ đóng vai trò nào trong chính phủ Trump sắp tới. Cũng không biết ông Donald Trump có thiện cảm với “Nhất Đới, Nhất Lộ” đến mức nào. Một điều ai cũng biết là ứng cử viên Donald Trump đã hứa với các cử tri rằng ông sẽ tăng thuế nhập khẩu trên hàng Trung Quốc lên 45%, và sẽ giảm bớt vay nợ nước Tàu để khỏi bị bắt chẹt. Hai lời hứa này ông sẽ thực hiện hay không?
Trong cuộc đời kinh doanh, ông Trump là người chuyên vay nợ, làm giàu nhờ dùng vốn của các ngân hàng. Trong thập niên 1970, ông đã khai thác sóng bài, xây những casino lớn nhất tại thành phố Atlantic. Ông bỏ ra rất ít vốn, số vay nợ thường lớn gấp bội, kể cả tiền nợ những nhà xây cất và cung cấp thiết bị cho ông. Tất nhiên ông không đứng tên đi vay, mà dùng tên các công ty. Có khi ông chấp nhận trả lãi suất 14% dù biết không thể trả được. Các casino của ông, như Taj Mahal, Trump Plaza, Trump Castle, đã khai phá sản 4 lần, cũng như Plaza Hotel ở New York. Các casino phá sản nhưng ông kiếm lời rất nhiều vì bỏ ít vốn mà lại đòi được trả thù lao rất cao. Những người góp vốn hoặc cho ông vay đã bị mất tổng cộng một tỷ rưỡi USD. Có khi ông dùng tiền vay cho casino để trả nợ cá nhân. Ông Trump từng khoe rằng Atlantic City là một “con bò sữa vắt ra tiền” của ông”!
Nếu ông Trump quyết định ngưng vay tiền từ Bắc Kinh thì thị trường tài chính thế giới sẽ ngạc nhiên. Khi chính phủ Mỹ đi vay nợ bằng cách phát hành trái phiếu, những nhà đầu tư có tiền đổ xô vào mua vì họ tin kinh tế Mỹ vững chắc. Nhờ nhiều người muốn cho vay và họ cạnh tranh nên chính phủ Mỹ được quyền trả lãi suất thấp nhất thế giới. Vào tháng 8/2016, Mỹ vay Trung Quốc 1.185 tỷ USD, là 30% tổng số nợ 3.948 tỷ USD từ các nước khác. Nếu chính phủ Mỹ gạt bỏ không vay Trung Quốc nữa, thì những “nhà đầu tư” còn lại bớt bị cạnh tranh, lãi suất có thể tăng lên. Khi lãi suất trái phiếu tăng thì các loại lãi suất khác ở Mỹ cũng tăng, một trở ngại cho người tiêu thụ cũng như các nhà sản xuất. Có chính quyền nước nào tính đi vào con đường đó hay không?
Những lời ông Donald Trump đả kích Trung Quốc đều nhắm vào mục tiêu là các cử tri tin rằng hàng nhập khẩu, từ các nước nói chung, khiến công nhân Mỹ thất nghiệp. Lời hứa hẹn đánh thuế hàng Trung Quốc lên 45% được cử tri vỗ tay hoan hô.
Chính phủ Mỹ có thể tăng thuế nhập khẩu nhưng sẽ bị Trung Quốc và nhiều nước khác kiện trước WTO. Trong khuôn khổ WTO, hàng nhập khẩu thương bị đánh thuế khoảng 5%. Vụ kiện sẽ kéo dài nhưng các nước khác sẽ phản ứng ngay bằng những biện pháp ngăn chặn hàng nhập khẩu và đầu tư từ nước Mỹ. Một số xí nghiệp và công nhân ở Mỹ sẽ được lợi nhưng mọi người Mỹ khi tiêu thụ sẽ phải mua hàng đắt hơn, các công ty đang xuất khẩu, từ Genral Motors đến Microsoft, Boeing, John Deere, Procter and Gamble sẽ bị các nước nhập khẩu trả đũa. Nhiều công ty, ngân hàng Mỹ sẽ vận động Quốc hội chống việc tăng thuế, các đại biểu khó lòng cưỡng lại.
Nếu ý kiến của cố vấn James Woolsey được ông Trump nghe theo, thì lời hứa đánh thuế nặng trên hàng Trung Quốc sẽ được giảm bớt nồng độ sau khi ông Trump nhậm chức. Ông mang bản chất một doanh nhân, ngay cả một liên minh quân sự đã kéo dài 70 năm như NATO cũng được ông định giá bằng tiền.
Tuy nhiên, dù ông Trump không tăng thuế nhập khẩu hàng Trung Quốc, ông vẫn có thể dùng điều đó để đe dọa khi mặc cả với Bắc Kinh trên các vấn đề khác. Nếu Mỹ đánh thuế 45%, hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ sẽ giảm bớt gần 89%, mất 420 tỷ USD, gần 5% GDP Trung Quốc.