Không có TPP, Trung Quốc sẽ không cần cải cách nữa.
Nhà kinh tế Gary Hufbauer ở Viện Kinh tế quốc tế Peterson nhận định Mỹ rút khỏi TPP sẽ là thiệt hại lớn cho Mỹ và chiến thắng lớn cho Bắc Kinh.
Ông cho rằng điều này đồng nghĩa Mỹ đã bỏ đi 0,5% GDP tăng trưởng và các nền kinh tế nhỏ hơn như Việt Nam và Malaysia cũng sẽ bị vạ lây.
Chuyên gia Bill Galston tại Viện nghiên cứu Brookings đánh giá nếu Mỹ thất bại trong phê chuẩn TPP, vai trò lãnh đạo của Mỹ đã thất bại và thất bại này sẽ làm gia tăng vị thế của Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Dan Coats dự kiến nếu Mỹ rút khỏi TPP, Trung Quốc sẽ kiến lập quan hệ với các nước Thái Bình Dương trước nay vốn e ngại Trung Quốc, thế lực kinh tế, chính trị và quân sự của Trung Quốc rồi sẽ gia tăng.
Tại Mỹ, nhiều nghiệp đoàn phản đối TPP vì lo ngại việc làm và lương bổng bị cắt giảm. Tổ chức phi chính phủ Tầm nhìn Công dân Toàn cầu cho rằng TPP sẽ trao quá nhiều quyền và lợi ích cho các tập đoàn đa quốc gia.
Nhiều ý kiến khẳng định TPP sẽ bảo vệ quyền của người lao động và phần môi trường trong TPP là phần cam kết mạnh mẽ chưa từng thấy trong một hiệp định thương mại.
Dù vậy, lập luận này vẫn không thuyết phục được nhiều triệu cử tri đã ủng hộ ông Trump. Nhiều tổ chức môi trường vẫn mở chiến dịch phản đối TPP.
Về phía Trung Quốc, báo South China Morning Post ngày 22-11 đã dẫn lời các chuyên gia đánh giá động thái Mỹ rút khỏi TPP không hẳn là món quà cho Bắc Kinh mà đó chính là con dao hai lưỡi.
Bắc Kinh sẽ được lợi vì khi Mỹ rút khỏi TPP, Trung Quốc sẽ thúc đẩy các thỏa thuận thương mại do Trung Quốc đề xuất như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hay Khu vực Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).
Ngược lại, tiến trình cải cách ở Trung Quốc rồi sẽ chậm lại vì TPP không còn gây sức ép từ bên ngoài để Trung Quốc phải thay đổi các quy chuẩn riêng.
Nếu Mỹ rút khỏi TPP, như GS Ian Bremmer ở ĐH New York nhận xét Trung Quốc sẽ không cần cải cách nữa và sẽ tiếp tục kiểm soát không gian mạng, can thiệp vào các ngành kinh tế tư nhân và không cần thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước.
Chuyên gia Triệu Minh Hạo ở Trung tâm Nghiên cứu thế giới hiện đại Trung Quốc khẳng định không còn TPP, tự do thương mại nói chung cũng không còn cho dù RCEP sẽ nhận được cú hích.
Theo chuyên gia Wilfred Chow ở ĐH Hong Kong, Trung Quốc đã sẵn sàng thúc đẩy thành lập RCEP vì phần lớn các điều khoản trong thỏa thuận này không bao gồm các biện pháp cải cách.
Wilfred Chow ghi nhận: “Các thỏa thuận do Trung Quốc đề xướng chắc chắn sẽ ít minh bạch và ít chú trọng đến cải cách trong các lĩnh vực nhà nước. Đây là vấn đề khác biệt lớn với TPP”.
– Bộ trưởng Thương mại ÚcSteven Ciobo: Các nước thành viên TPP có thể tiếp tục thực hiện TPP mà không có Mỹ bằng cách sửa đổi thỏa thuận và mời gọi bổ sung thêm các nước thành viên mới.
– Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz: Dù có Mỹ hay không có Mỹ, ý chí của các nước thành viên TPP là tiến về phía trước.
– Thủ tướng Đức Angela Merkel: “Tôi không vui nếu TPP không thành hiện thực. Tôi không biết ai được lợi nhưng tôi chỉ biết một điều: Nhiều thỏa thuận thương mại khác không có các quy chuẩn nghiêm ngặt như TPP”.
Bắc Kinh sẵn sàng tiếp tục thúc đẩy đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và mở cửa đón nhận mọi đề xuất phát triển các thỏa thuận tự do thương mại.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảng Sanh
Sẽ không còn gì bắt buộc chính phủ Trung Quốc phải tiến hành sửa đổi triệt để các chính sách trong nước.