Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnMỹ - Nhật - Trung bất đồng thì Châu Á sẽ không...

Mỹ – Nhật – Trung bất đồng thì Châu Á sẽ không có thương mại tự do

Không chỉ số phận của Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngày càng trở nên mong manh mà thế bế tắc giữa Mỹ – Nhật Bản – Trung Quốc có thể sẽ trở thành rào cản ngăn tiến trình thông qua của mọi thỏa thuận thương mại tự do trong khu vực châu Á.

Theo tờ Nikkei Asian Review, hy vọng cứu vãn Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngày càng trở nên mong manh khi mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố rút tên Mỹ ra khỏi TPP ngay ngày đầu tiên ông này đặt chân vào Nhà Trắng.

Bên lề cuộc họp thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Lima, Peru hôm 19/11, lãnh đạo của 12 quốc gia với sự góp mặt của Tổng thống Barack Obama đã ra tuyên bố hối thúc ông Trump thay đổi quan điểm với TPP. Các nước thành viên TPP cũng nhấn mạnh sự có mặt của Mỹ là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau, trong một đoạn video, ông Trump đã công bố ý định rút Mỹ ra khỏi TPP khi chính thức nhậm chức Tổng thống. 

Về phần mình, ông Obama cam kết thúc đẩy thỏa thuận TPP trước khi mãn nhiệm. Tuy nhiên chính phủ Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai tham gia TPP, cũng đã tính tới phương án TPP sẽ phải “ngủ đông” trong 4 năm nhiệm kỳ của ông Trump. Đây là lý do các nước tham gia hội nghị APEC đã bàn thảo về một thỏa thuận mới có sự tham gia của Nga và Trung Quốc. 

TPP ngủ đông vĩnh viễn

Triển vọng Mỹ thông qua TPP đã mờ nhạt trước cả thời điểm ông Trump tuyên bố rút tên Mỹ ra khỏi TPP sau khi ông này chính thức nhậm chức. Bởi sau ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 8/11, thượng nghị sĩ Mitch McConnell cho hay thỏa thuận TPP sẽ không được thông qua trong năm nay. 

TPP chỉ có hiệu lực khi các quốc gia chiếm tới 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đồng ý thông qua. Riêng Mỹ chiếm tới hơn 60% tổng GDP của TPP. Do đó, nếu Mỹ rút khỏi TPP, thỏa thuận này sẽ chấm dứt. 

Phát biểu trước báo chí hôm 19/11, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết các nước tham gia TPP sẽ tránh nhấn mạnh rằng họ sẽ từ bỏ TPP ít nhất cho tới khi ông Trump đưa ra tuyên bố chính thức. 

Về phần mình ông Trump, người tránh nhắc tới TPP kể từ khi trở thành Tổng thống Mỹ đắc cử, đã nhấn mạnh rằng “chính quyền Mỹ sẽ tiến hành đàm phán công bằng và ký kết các thỏa thuận thương mại song phương giúp mang lại việc làm và kinh doanh trở lại Mỹ”. 

Tuyên bố của ông Trump trở thành gáo nước lạnh đối với Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe, người mới gặp Tổng thống Mỹ đắc cử tại New York trước khi tới Lima tham dự hội nghị APEC. Trong cuộc gặp với ông Trump, Thủ tướng Abe đã nhấn mạnh tầm quan trọng và giá trị của TPP. 

Khi nhà đầu tư Wilbur Ross được xem là ứng cử viên hàng đầu trở thành Bộ trưởng Thương mại Mỹ, nhiều người hy vọng ông Trump sẽ thay đổi quan điểm với TPP bởi ông Ross là người ủng hộ thỏa thuận này. Nhưng sau khi xuất hiện đoạn video, hy vọng này đã bị tắt ngóm. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng chủ nghĩa bảo hộ trong ông Trump còn đang tăng gấp đôi. 

Trong đề xuất của ông Trump, cắt giảm thuế và đầu tư vào cơ sở hạ tầng là hai trụ cột chính trong chính sách kinh tế mà nhiều khả năng sẽ làm gia tăng lạm phát và đẩy giá đồng đôla. 

Tờ Nikkei dẫn nguồn tin trong ngành tài chính cho rằng đồng USD tăng giá sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh đối với hoạt động xuất khẩu của Mỹ và tăng thâm hụt thương mại của quốc gia này. Nếu đồng đôla Mỹ tiếp tục tăng giá và dẫn tới một cuộc chiến tiền tệ, “thì sớm hay muộn, ông Trump cũng sẽ cho phát động một cuộc chiến thương mại”. 

Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản nhận định TPP vẫn có giá trị ngay cả khi nó không được thông qua. Bởi đây là thỏa thuận thương mại tự do đa phương đầu tiên lập ra những quy định cho lĩnh vực thương mại điện tử và quyền sở hữu trí tuệ. 

Những điều khoản trong TPP còn có thể xuất hiện trong các khuôn khổ thương mại khác ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương như thỏa thuận Đối tác Kinh tế khu vực toàn diện (RCEP) do Trung Quốc đứng đầu mà không có Mỹ tham gia. 

Lâu nay, Trung Quốc phản đối TPP là bởi thỏa thuận này có những quy định khắt khe đối với hoạt động thương mại điện tử và mua sắm chính phủ. Do đó, sự tồn tại của TPP sẽ là mấu chốt giúp đặt ra tiêu chuẩn cho RCEP và các thỏa thuận khác liên quan tới Trung Quốc. 

Song mục tiêu chính của TPP là tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương. Bởi TPP được xem là nòng cốt đối với chiến lược “trục châu Á” của Tổng thống Obama. Lâu nay, chính quyền ông Obama cũng đã tìm cách tăng cường quan hệ đồng minh và thiết lập các vùng đệm nhằm kiềm chế tham vọng độc chiếm của Trung Quốc trên Biển Đông và nhiều khu vực khác. 

Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi TPP ngay sau khi chính thức nhậm chức. 

Sự xuất hiện của ông Obama tại hội nghị APEC ở Lima còn cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ vẫn muốn duy trì tầm ảnh hưởng của Washington. Theo ông Obama, “thỏa thuận RCEP rõ ràng loại bỏ lao động và doanh nghiệp Mỹ”. 

Tuy nhiên, theo một quan chức Mỹ, trong khi Nhật Bản vẫn hy vọng TPP sẽ được thông qua thì các quốc gia thành viên khác dường như đã hết kiên nhẫn. Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop cho rằng một số quốc gia sẽ tìm kiếm giải pháp thay thế TPP và thỏa thuận RCEP của Trung Quốc là một lựa chọn. 

Phát biểu tại hội nghị APEC hôm 19/11, Thủ tướng New Zealand John Key, quốc gia duy nhất thông qua thỏa thuận TPP nhận định thỏa thuận này vẫn mang lại giá trị dù Mỹ không tham gia. Trong khi đó, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto thì nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập các mối quan hệ mới với chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump. 

Thế bế tắc

Trong cuộc họp APEC tại Lima, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi tiến hành xây dựng các quy định thương mại thông qua đối thoại. Và với từng bước nỗ lực đưa các thành viên TPP vào quỹ đạo của mình, Trung Quốc sẽ nhanh chóng thay Mỹ trở thành trung tâm thương mại tự do của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. 

Hôm 20/11, các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị APEC cũng đã thảo luận về khả năng xây dựng Khu vực Thương mại tự do ở châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) với sự tham gia của 21 quốc gia. Trung Quốc thì đề xuất tiến hành các cuộc thảo luận sau năm 2020.  Còn Mỹ và Nhật Bản phản đối tiến hành đối thoại trước quan ngại FTAAP có những tiêu chuẩn thương mại và đầu tư thấp hơn so với TPP. Ngay cả trong tuyên bố chung, các quốc gia thành viên APEC dường như cũng không đề cập tới việc sẽ ủng hộ cho FTAAP. 

Theo tờ Nikkei, thương mại tự do có thể tăng cường hoạt động hiệu quả của nền kinh tế bằng cách thúc đẩy sản xuất toàn cầu cũng như giúp thế giới thoát dần khỏi tình trạng trì trệ. Ngoài ra, nó còn giúp các nước châu Á và châu Mỹ Latinh tài trợ cho chính tiềm năng tăng trưởng của mình. Tuy nhiên, thế bế tắc giữa Mỹ – Nhật Bản – Trung Quốc có thể sẽ trở thành rào cản ngăn chặn tiến trình thông qua của mọi thỏa thuận thương mại tự do trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới