Friday, January 10, 2025
Trang chủĐiểm tinFidel Castro và khủng hoảng tên lửa năm 1962

Fidel Castro và khủng hoảng tên lửa năm 1962

Mỹ gây căng thẳng khi Liên Xô triển khai tên lửa đạn đạo SS-4 ở Cuba vào năm 1962 khiến thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất những năm Chiến tranh Lạnh.

Sau thất bại ê chề tại sự kiện Vịnh con Lợn năm 1961, Tổng thống John F. Kennedy phê duyệt kế hoạch Mongoose, chuỗi chiến dịch tình báo phản gián chống lại chính quyền Chủ tịch Fidel Castro của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Những âm mưu mới của chính quyền Kennedy khiến Cuba lâm vào tình thế nguy hiểm. Havana tin rằng Kennedy đang chuẩn bị cho một cuộc xâm lược Cuba.

Sáng kiến của Liên Xô

Thập niên 50-60, đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh diễn biến theo chiều hướng rất phức tạp. Năm 1961, Thổ Nhĩ Kỳ cho phép Mỹ triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung PGM-19 Jupiter tại căn cứ Izmir khiến an ninh Liên Xô bị đe dọa.

Trong khi đó, Mỹ ngày càng cho thấy âm mưu xâm lược Cuba để lật đổ chính quyền Chủ tịch Fidel Castro. Moscow nhận thấy rằng, việc tăng cường sức mạnh quân sự cho Cuba là “mũi tên trúng 2 đích”.

Fidel Castro và cuộc khủng hoảng tên lửa năm 1962 - Ảnh 1.

Không ảnh về vị trí triển khai tên lửa ở Cuba do máy bay do thám U-2 chụp được.

Một mặt ngăn chặn cuộc xâm lược Cuba, đồng thời lấy lại cán cân sức mạnh đang có phần nghiêng về phía Mỹ. Tháng 5/1962, Hội đồng Quốc phòng Liên Xô trình kế hoạch “Chiến dịch Anadyr” nhằm bí mật triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung R-12 và R-14 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở Cuba.

Theo bản kế hoạch do tướng Anatoly Gribkov soạn thảo, quân đội Liên Xô sẽ bí mật triển khai đến Cuba 3 trung đoàn tên lửa đạn đạo tầm trung R-12 (SS-4), 2 trung đoàn tên lửa tầm trung R-14 (SS-5), 2 sư đoàn phòng không, một trung đoàn máy bay chiến đấu MiG-21, 4 trung đoàn bộ binh cơ giới và một lữ đoàn tàu tên lửa.

Tổng quân số huy động cho chiến dịch khoảng gần 60.000 người. Liên Xô sẽ huy động khoảng 85 tàu vận tải, tàu khách ngụy trang để chở tên lửa, vũ khí và binh lính đến Cuba. Kế hoạch Anadyr đã được Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev thông qua.

Sau đó, một phái đoàn quân sự cấp cao Liên Xô đến Cuba chuyển lời đề nghị của Nikita Khrushchev cùng bản kế hoạch triển khai tên lửa ở nước này. Moscow cam kết sẽ thiết lập một “chiếc ô hạt nhân” ở Cuba để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào của Mỹ.

Cuba bên miệng hố chiến tranh

Lô hàng tên lửa R-12 đầu tiên đến Cuba trong tháng 8, lô tiếp theo trong tháng 9. Ngày 14/10/1962, trong chuyến bay do thám định kỳ trên lãnh thổ Cuba, máy bay do thám U-2 đã chụp được ảnh tên lửa đạn đạo R-12 đang được lắp ráp tại một địa điểm phóng bí mật ở Cuba.

Fidel Castro và cuộc khủng hoảng tên lửa năm 1962 - Ảnh 2.

Mỹ đã sẵn sàng cho một cuộc xâm lược Cuba và chỉ còn chờ lệnh của Tổng thống Kennedy.

Với Washington, việc tên lửa hạt nhân có mặt ở đảo quốc cách Mỹ khoảng 140 km là điều không thể chấp nhận và không thể nhượng bộ. Các tướng lĩnh cấp cao trong Lầu Năm Góc và một số chính trị gia “diều hâu” lập tức soạn kế hoạch ném bom tiêu diệt các tên lửa và xâm lược Cuba.

Tuy nhiên, nếu tấn công Cuba, Liên Xô sẽ đáp trả và hai siêu cường cũng như thế giới sẽ bị cuốn vào cuộc chiến tranh hạt nhân với hậu quả khôn lường.

Đến ngày 27/10/1962, một máy bay do thám U-2 do thiếu tá phi công Mỹ Rudolf Anderson điều khiển bị bắn hạ trên bầu trời Cuba khiến tình hình càng trở nên cực kỳ nguy hiểm. Quân đội Mỹ đã tập kết tại Florida sẵn sàng cho một cuộc xâm lược Cuba.

Cuộc khủng hoảng leo thang và dường như vượt xa dự kiến ban đầu của Khrushchev. Washington đã cho thấy quyết tâm lớn trong việc loại bỏ mối đe dọa từ tên lửa ở Cuba. Vận mệnh đất nước Cuba bị đặt vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

May mắn cho Cuba cũng như thế giới, trong tình thế suýt nổ ra chiến tranh hạt nhân, Tổng thống Mỹ John F . Kennedy đã có những quyết sách tỉnh táo và khôn ngoan để tránh cho nước Mỹ và Liên Xô sa lầy vào khủng hoảng.

Kennedy yêu cầu Liên Xô rút toàn bộ tên lửa và thiết bị quân sự khỏi Cuba, đổi lại, Washington cam kết không xâm lược Cuba. Ban đầu Khrushchev không đồng ý với điều kiện của Mỹ và ra điều kiện ngược lại, Liên Xô sẽ rút tên lửa nếu Mỹ cũng rút tên lửa Jupiter ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Về mặt ngoại giao chính thống, Moscow và Washington đều không đồng ý điều kiện của nhau nhưng hai bên đã mở kênh ngoại giao bí mật để giải quyết khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng lớn nhất Chiến tranh Lạnh kết thúc sau 13 ngày cân não.

Mỹ cam kết không xâm lược Cuba nhưng điều đó không ngăn cản Washington thực hiện hàng loạt hoạt động chống phá nhà nước Cuba và cấm vận kinh tế kéo dài hơn nửa thế kỷ.

RELATED ARTICLES

Tin mới