Tạp chí “Lợi ích quốc gia” của Mỹ bình luận rằng, sau khi ông Trump bước vào Nhà Trắng, rất có thể chiến tranh Trung-Mỹ sẽ bùng phát trên Biển Đông.
Liệu có xảy ra chiến tranh Trung-Mỹ trên Biển Đông? (Ảnh minh họa).
Trung Quốc lo lắng về quan điểm đối ngoại của Trump
Ông Donald Trump đang chuẩn bị những gì cho chính sách ngoại giao Mỹ sau khi đắc cử tổng thống? Nhiều quốc gia đang rất quan tâm vấn đề này, trong đó dĩ nhiên là có Nhật Bản, một đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Á.
Tạp chí “Lợi ích quốc gia” (National Interest-NI) của Mỹ cho biết, Thủ tướng Nhật Bản ông Shinzo Abe đã bay qua Thái Bình Dương để có cuộc diện kiến sớm nhất với tân tổng thống Mỹ Donald Trump, sau khi ông này đắc cử.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy trong chính sách ngoại giao của mình, ông Trump sẽ thúc đẩy tăng cường quan hệ Mỹ-Nga, tạo nên mối quan hệ hợp tác có tính xây dựng giữa Washington và Mascow.
Đối với vấn đề này ông Trump tỏ ra chân thành và có phần táo bạo. Ý kiến mà ông ta đưa ra là sự mới mẻ và rất cần thiết cho cả hai phía Nga và Mỹ, nó có ảnh hưởng to lớn đến cục diện tình hình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Một vấn đề đang được giới phân tích thế giới hết sức quan tâm đó là chính sách của ông Trump đối với Trung Quốc.
Một số người cho rằng tân tổng thống Mỹ sẽ có thái độ công khai rõ ràng hơn đối với Bắc Kinh, nhưng hiện ông Trump mới công bố là tập trung cho phát triển kinh tế Mỹ và kiểm soát chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Thế nhưng cũng có những ý kiến khác cho rằng, chính sách của ông Trump đối với Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng bởi các nhân vật thuộc phái cứng rắn. Có nghĩa là cần phải có thái độ cứng rắn hơn nữa đối với các sự việc mà Mỹ quan tâm tại châu Á, thông qua đó để kiềm chế Bắc Kinh và họ cho rằng có thể sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh trên Biển Đông vào bất cứ lúc nào.
Nhiều quan chức thuộc phái cứng rắn của Nhà Trắng từ lâu đã bày tỏ sự lo ngại của mình. Họ cho rằng Biển Đông mới chỉ là “món khai vị” trong chiến lược mở rộng sự ảnh hưởng của Bắc Kinh trên thế giới.
Nhiều nhân vật cánh hữu và cả cánh tả Mỹ đều cho rằng sáng kiến “Một vành đai – một con đường” của Trung Quốc sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với trật tự thế giới và phương thức thống trị theo kiểu phương Tây trong thế kỷ 21.
Trung Quốc hy vọng về “Con đường tơ lụa trên biển”
Các học giả và chuyên gia quân sự Trung Quốc đã có nhiều bài viết về “Con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc. Từ những bài viết này có thể phân tích quan điểm của phái cứng rắng Mỹ và ý đồ quân sự toàn cầu của Trung Quốc trong tương lai.
Trên tạp chí “Văn trích quân sự” có bài viết khá sắc bén đánh giá về sáng kiến “Một vành đai – một con đường” của Trung Quốc. Tuy không phải là một tạp chí quân sự có tiếng tăm nhất Trung Quốc, nhưng người viết bài này lại là một chuyên gia khá nổi tiếng, đó là ông Lý Kiệt, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu quân sự hải quân Trung Quốc.
Lý Kiệt là người đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển hải quân của nước này. Cho nên, bài viết này của Lý Kiệt được xem như là tiêu biểu cho cách nhìn nhận thẳng thắn của hải quân Trung Quốc đối với chiến lược “Con đường tơ lụa trên biển”.
Trong bài viết ông Lý Kiệt còn chỉ rõ, nhìn từ bên ngoài, mục đích thực hiện chiến lược “Con đường tơ lụa trên biển” là Bắc Kinh muốn phá vỡ sự phong tỏa của Mỹ trên các tuyến đường hàng hải viễn dương.
Do Mỹ vẫn tiếp tục áp đặt không gian chiến lược trên biển đối với Trung Quốc, nên sẽ rất nguy hiểm cho hàng hóa vận tải qua tuyến đường thuộc biển Đông và biển Hoa Đông. Ngoài ra, Lý Kiệt còn cho rằng Ấn Độ cũng là mối đe dọa tiềm ẩn đối với các tuyến vận tải đường biển của nước này.
“Con đường tơ lụa trên biển” đóng một vai trò rất quan trọng đối với kinh tế Trung Quốc. Lý Kiệt cho rằng, Trung Quốc đã xuất hiện các vấn đề như khủng hoảng thừa hàng hóa, quá tải tiền tệ và quá tải tiền vốn.
Do đó, các ngành công nghiệp như xi măng và sắt thép của Trung Quốc cần phải xuất khẩu nhiều hơn nữa thì mới giải quyết được vấn đề khủng hoảng thừa này, và việc xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển” sẽ là sự hỗ trợ rất đắc lực.
Lý Kiệt đã bày tỏ sự ủng hộ của mình với quan điểm này và cho rằng nó sẽ là nhân tố làm suy yếu vị thế lưu trữ tiền tệ của đồng đô la Mỹ.
Trung Quốc hy vọng Trump sẽ hợp tác vì lợi ích kinh tế?
Trong bài viết của Lý Kiệt đã nhiều lần nhắc đến từ “phong tỏa”, ngay điều này đã một phần phản ánh quan điểm ủng hộ chiến lược “Con đường tơ lụa trên biển” của ông ta.
Thế nhưng Lý Kiệt cũng hiểu rất rõ chiến lược này sẽ phải chịu sự ảnh hưởng và đe dọa rất lớn từ các nhân tố phi truyền thống.
Chẳng hạn như việc lục quân và không quân khó có thể thực hiện được các nhiệm vụ quân sự phục vụ chiến lược này ở tầm xa, mà chỉ có hải quân mới có thể làm được, vì con đường tơ lụa trên biển thuộc khu vực biển quốc tế, không hạn chế sự hiện diện của hải quân.
Lý Kiệt đưa ra đề xuất, cùng với việc tăng cường các dự án sản xuất tàu sân bay cỡ vừa và lớn, Trung Quốc cần phải chế tạo được các trang bị hoạt động được ở tầm xa, ví dụ như các tàu đổ bộ lưỡng thê cỡ lớn, phạm vi hành trình xa và các tàu bảo đảm hậu cần viễn dương.
Tất nhiên Bắc Kinh luôn mong muốn Mỹ sẽ đối xử thân thiện hơn đối với chiến lược “Con đường tơ lụa trên biển” của mình, và muốn vậy thì phải nhìn nhận nó ở góc độ mang tính xây dựng, bao dung và vì sự trong sạch môi trường, đồng thời phải giảm bớt tính chất quân sự hóa từ nó.
Bắc Kinh hy vọng rằng, tổng thống Mỹ mới đắc cử sẽ đưa ra các chính sách giảm bớt sự đối đầu giữa hai nước, giảm thù địch đối với Trung Quốc. Từng là một nhà kinh doanh lớn, hy vọng ông Trump có thể hướng người Mỹ tìm đến cơ hội kinh doanh từ dự án xây dựng lớn nhất thế kỷ 21.