Trung Quốc đã nhiều lần đề nghị Singapore tổ chức tập trận ở đảo Hải Nam thay vì Đài Loan, nhưng quốc đảo Sư tử đã từ chối thẳng thừng.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen lên tiếng về vụ 9 xe bọc
thép bị bắt giữ tại Hồng Kông. Ảnh: Mark Cheong / The Straits Times.
South China Morning Post ngày 30/11 đưa tin, một nhà quan sát quân sự Macau tiết lộ với báo này, Trung Quốc đã nhiều lần đề nghị Singapore tổ chức tập trận ở đảo Hải Nam thay vì Đài Loan, nhưng quốc đảo Sư tử đã từ chối thẳng thừng.
Vụ Bắc Kinh bắt giữ 9 xe bọc thép Singapore khi quá cảnh Hồng Kông có thể xuất phát từ sự thất vọng trước những thất bại trong nỗ lực buộc Singapore cắt đứt quan hệ quân sự với Đài Loan.
Chuyên gia quân sự Antony Wong Dong cho hay, Bắc Kinh đã nhiều lần đề nghị Singapore sử dụng các thao trường ở đảo Hải Nam để diễn tập thay vì Đài Loan, nhưng dưới áp lực của Hoa Kỳ, Singapore đều từ chối.
Lầu Năm Góc lo ngại, bí mật quân sự của Washington có thể bị rò rỉ nếu Singapore sử dụng hệ thống vũ khí của Mỹ diễn tập trên lãnh thổ Trung Quốc.
Năm 1974, ông Lý Quang Diệu và ông Tưởng Kinh Quốc đã ký kết Dự án Starlight tại Đài Loan, hàng năm Singapore điều gần 20 ngàn binh sĩ tới Đài Loan để huấn luyện.
Việc này vẫn tiếp tục được duy trì ngay cả khi Singapore thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc năm 1990. Singapore cũng là quốc gia duy nhất điều quân sang Đài Loan để huấn luyện.
Ban đầu chương trình này diễn ra bí mật, nhưng năm 2007 truyền thông biết đến nó khi 2 lính Singapore thiệt mạng, 9 người khác bị thương trong vụ tai nạn máy bay huấn luyện ở Đài Loan.
Từ đó đến nay Trung Quốc nhiều lần gây sức ép với Singapore hủy Dự án Starlight và chuyển sang huấn luyện ở đảo Hải Nam, nhưng không có kết quả.
Những năm gần đây, Singapore đã giảm dần số lượng binh sĩ điều sang Đài Loan huấn luyện xuống còn 3000 quân. Ít nhất vẫn có 3 căn cứ quân sự của Đài Loan được Singaproe sử dụng.
Mặc dù có những cuộc tập trận quân sự và hợp tác thường xuyên giữa quân đội Singapore với quân đội Trung Quốc, nhưng tần suất và mức độ thấp hơn nhiều so với Dự án Starlight.
Oh Ei-sun, một thành viên cao cấp Trường Nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam, Singapore cho biết, Bắc Kinh đã ngày càng khó chấp nhận quan hệ hợp tác giữa quốc gia khác với Đài Loan dưới thời Tiến sĩ Thái Anh Văn ,vì bà “mơ hồ” trong vấn đề “nhận thức chung 1992” về nguyên tắc “một Trung Quốc”.
Lee Chih-hong, một nhà nghiên cứu từ Viện Chiến lược phát triển Longus, Singapore cho rằng, vụ 9 xe bọc thép bị tạm giữ tất yếu sẽ leo thang khi hai bên mắc kẹt vào quan điểm của riêng mình.
The Straits Times ngày 30/11 cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen hôm qua khẳng định, việc sử dụng các hãng vận tải hàng hải uy tín để vận chuyển xe quân sự, thiết bị quân sự ra nước ngoài là phương án an toàn, hiệu quả và phổ biến trong nhiều thập kỷ.
“Chỉ có các háng tàu thương mại lớn mới có các kết nối cần thiết với các hải cảng và có khả năng vận chuyển các xe quân sự hạng nặng trên toàn cầu”, ông Ng Eng Hen cho hay.
Nhiều hãng tàu thủy đã vận chuyển các thiết bị quân sự khác nhau quá cảnh tại Hồng Kông nên không có gì bất thường khi APL cho tàu chở 9 xe bọc thép Singapore quá cảnh tại đây.
APL đã nhiều lần dừng tại Hồng Kông như một điểm trung chuyển mà không gặp sự cố nào.
Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen kêu gọi truyền thông không nên “suy đoán” về lý do tại sao 9 xe bọc thép Singapore bị tạm giữ tại Hồng Kông trong lúc chờ kết luận chính thức.
Còn Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh thừa biết về Dự án Starlight trong suốt một thời gian dài và Singapore luôn tuân thủ chính sách “một Trung Quốc”.
Wang Kung-yi, một giáo sư về quan hệ quốc tế và nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang ở Đài Loan, cho biết: “Rõ ràng đây là một chiến thuật để ép Tiến sĩ Thái Anh Văn chấp nhận “nhận thức chung 1992”.
Bắc Kinh chưa từng công khai chất vấn Singapore về Dự án Starlight khi ông Mã Anh Cửu nắm quyền, suốt từ năm 2008 đến tháng 5/2016, vì ông ủng hộ “nhận thức chung 1992” về “nguyên tắc một Trung Quốc”.