Friday, March 29, 2024
Trang chủBiển nóngHọc giả Mỹ: Căn cứ Trung Quốc trên Biển Đông chỉ để......

Học giả Mỹ: Căn cứ Trung Quốc trên Biển Đông chỉ để… minh hoạ

Học giả Mỹ cho rằng các nhà hoạch định chiến lược Trung Quốc đã sớm nhận ra rằng các căn cứ mới xây tại bãi Chữ Thập trên Biển Đông “chỉ mang tính hình ảnh chứ không có giá trị quân sự”.

Phó giáo sư Lyle J. Goldstein tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc (CMSI) tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ ở Newport, Rhode Island cho hay hồi tháng Sáu, tạp chí trực thuộc Hải quân Trung Quốc “Naval and Merchant Ships” đã cho đăng một đồ họa tô màu thể hiện chính xác 3 đường băng mà Bắc Kinh xây dựng trên quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) từ năm 2014. 

Bên cạnh đồ họa, tạp chí ghi rõ thông số phạm vi hoạt động của hệ thống phòng không HQ-9 (200 km), tên lửa hành trình chống hạm YJ-62 (300 km) cùng chiến đấu cơ J-11 và JH-7 (1.500 km). 

Ngoài ra, tạp chí còn đăng hình ảnh một tàu sân bay bốc cháy sau khi bị trúng tên lửa hành trình phóng từ các khinh hạm và bệ phóng bên bờ biển của Trung Quốc. Phần chú thích cho bức họa còn viết “mỗi căn cứ trên các bãi đá có thể hỗ trợ lẫn nhau giúp chúng ta kiểm soát hiệu quả toàn khu vực Biển Đông”.

Theo tạp chí National Interest, cũng vào thời điểm tháng Sáu, Viện Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington đã cho công bố bản báo cáo cho hay Trung Quốc đang xây các nhà chứa máy bay ở cả 3 bãi đá Chữ Thập,Vành Khăn và Subi trên Biển Đông. Theo AMTI, ba khu vực này sẽ “sớm có nhà kho đủ sức chứa 24 chiếc chiến đấu cơ cùng 3 – 4 máy bay cỡ lớn hơn”. 

Sau đó, với tiêu đề “Giá trị của các máy bay quân sự tại bãi Chữ Thập”, tạp chí hải quân “Modern Ships” của Trung Quốc đã có bài đánh giá khả năng hoạt động của các chiến đấu cơ tại khu vực này dưới dạng 5 câu hỏi: Liệu các đường băng có phù hợp để hoạt động? Thiết bị định vị hoạt động ổn định hay không? Điều kiện thời tiết có ủng hộ? Thềm đế máy bay có phù hợp? Đủ nguồn lực để bảo dưỡng? 

Dù chỉ ra được một số ưu điểm của các đường băng mới nhưng bài báo cũng thừa nhận “việc triển khai quy mô lớn các chiến đấu cơ tại đây sẽ là điều không nên”. 

Xét về quy mô của đường băng trên bãi Chữ Thập, bài báo cho rằng sân bay này rộng hơn so với sân bay ở đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép). Theo bài báo, đường băng ở đảo Phú Lâm đã đón các chiến đấu cơ J-11BH hồi tháng 11/2015 vốn là một phần trong chương trình tập trận của quân đội Trung Quốc. Do đó, đường băng ở bãi Chữ Thập hoàn toàn đủ khả năng để phục vụ loại chiến đấu cơ tương tự. 

Cũng theo bài báo, Trung Quốc đang tiếp tục hoàn thiện các công trình còn dang dở tại đường băng trên bãi Chữ Thập gồm đèn chiếu sáng, radar và thiết bị định vị. Song tờ báo thừa nhận đường băng này không thể hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu. Trong khi đó, mỗi năm, quần đảo Trường Sa chứng kiến nhiều cơn bão lớn nên “đường băng trên bãi Chữ Thập sẽ không thể sử dụng thường xuyên”. Ngay cả việc sử dụng cơ sở quân sự trên bãi Chữ Thập để tập trận cũng “rất khó khăn”. 

Xét về công tác hậu cần, bài báo nhấn mạnh việc duy trì bảo dưỡng máy bay và vũ khí ở bãi Chữ Thập là rất khó bởi môi trường ở đây vô cùng khắc nghiệt với “độ mặn cao, ẩm ướt nhiều và nhiệt độ cao”. Đây là lý do Trung Quốc sẽ không đưa “hàng trăm chuyên gia ra làm nhiệm vụ bảo dưỡng cùng các phương tiện đảm bảo cuộc sống, nguồn điện và nước” ra bãi Chữ Thập. 

Với hàng loạt trở ngại trên, “bãi Chữ Thập hoàn toàn không phù hợp để duy trì hoạt động thường xuyên của các phi đội máy bay quy mô nhỏ”. Theo bài báo, căn cứ ở bãi Chữ Thập có thể phục vụ phi đội máy bay cỡ lớn hơn của Trung Quốc bao gồm các máy bay vận tải Il-76 và Y-20, cùng máy bay ném bom H-6, máy bay tiếp nhiên liệu và máy bay làm nhiệm vụ đặc biệt. Theo những tính toán về diện tích mặt bằng, bài báo cho rằng tối đa lực lượng máy bay xuất hiện ở căn cứ bãi đá Chữ Thập sẽ là 2 máy bay vận tải Il-76, 3 oanh tạc cơ H-6, 3 máy bay vận tải cỡ trung và 6 chiến đấu cơ. 

Tuy nhiên, bài báo cũng loại trừ khả năng đưa các máy bay ném bom ra bãi Chữ Thập khi cho rằng động thái này là không cần thiết và “không phù hợp với các nguyên tắc chiến đấu”. Nói cách khác, bài báo đưa ra khả năng triển khai trực thăng và máy bay không người lái tại khu vực này. Cuối cùng, bài báo kết luận bãi Chữ Thập nên đóng vai trò hỗ trợ “nhằm mở rộng phạm vi chiến đấu cho lực lượng không hải quân đóng trên đảo Hải Nam”. 

Thay vào đó, bài báo đưa ra khả năng đường băng và căn cứ tại bãi Chữ Thập có thể là nơi hoạt động của 6 chiếc UAV, 2 trực thăng, 20 chiến đấu cơ và 4 máy bay vận tải. Tuy nhiên, lực lượng này “không thể chiến đấu lâu dài” vì thực tế các căn cứ cố định tại đây “rất dễ bị tấn công”. 

Theo ông Goldstein, các nhà hoạch định chiến lược Trung Quốc cũng đã sớm nhận ra rằng các căn cứ mới xây trên Biển Đông chỉ mang tính “hình ảnh chứ không có giá trị chiến đấu”.

RELATED ARTICLES

Tin mới