Friday, March 29, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiLọc dầu Dung Quất vay 1,2 tỷ USD vốn nước ngoài

Lọc dầu Dung Quất vay 1,2 tỷ USD vốn nước ngoài

Để phục vụ mở rộng nhà máy đẩy sản lượng tăng 30%, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn muốn vay nước ngoài 1,2 tỷ USD.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ được nâng cấp và mở rộng

Trả lời trên Bloomberg về dự định mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Công ty Lọc Hoá dầu Bình Sơn (BSR) – đơn vị vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho biết: “Việc mở rộng sẽ giúp nhà máy lọc dầu hoạt động hiệu quả hơn giúp sản lượng tổng thể tăng khoảng 30% cũng như cắt giảm chi phí sản xuất”.

Theo ông Giang, hiện công ty cũng đang trong quá trình lựa chọn nhà tư vấn cho các khoản vay.

Theo kế hoạch này, khi hoàn thành vào năm 2021, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sau mở rộng có thể đáp ứng một nửa nhu cầu nhiên liệu của Việt Nam. Hiện công suất hiện tại của nhà máy đạt 148.000 thùng/ngày, đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu trong nước.

Năm 2015, dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được Chính phủ chấp nhận, dự kiến thực hiện trong 78 tháng, hoàn thành vào năm 2021.

Tổng kinh phí cho dự án này có thể lên tới hơn 1,8 tỷ USD nhằm tăng công suất của nhà máy từ 6,5 lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm, tương đương 192.000 thùng dầu/ngày. Sau khi hoàn thành, nhà máy sẽ chế biến được các chủng loại dầu thô thông dụng trên thế giới.

Theo cơ cấu vốn đã được phê duyệt, 30% tổng nguồn vốn của dự án là của nhà đầu tư và 70% là vốn vay, trong đó 50% là vốn vay từ nguồn quỹ tín dụng xuất khẩu, 50% còn lại là vay thương mại.

Bên cạnh đó, theo tiết lộ của ông Giang với Bloomberg, Nhà máy lọc dầu Dung Quất dự kiến sẽ bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào quý III năm sau và hiện đang trong quá trình được địnhh giá.

BSR cũng đang đàm phán với các công ty quốc tế, trong đó có một đối tác từ Trung Đông và một vài đối tác từ Đông Nam Á để bán 35% cổ phần trong đợt IPO. Tuy nhiên, danh tính các công ty này không được tiết lộ.

“Chúng tôi đang rất cố gắng để chuẩn bị cho đợt IPO vào năm sau. Thời gian và khối lượng chính xác của đợt bán này sẽ phụ thuộc vào tình hình thị trường trong năm tới”, ông Giang nói.

Trong khi đó, theo tin của Reuters, các công ty dầu khí đến từ Nga, Thái Lan và Kuwait muốn trở thành cổ đông chiến lược của Dung Quất. Tuy nhiên, việc lựa chọn cổ đông chiến lược vẫn chưa được quyết định do Dung Quất mong muốn tìm kiếm đối tác có thể đảm bảo nguồn cung dầu trong vòng từ 50 năm đến 100 năm.

Cách đây không lâu, hồi tháng 6, ông Alexander Valeryevich Dyukov – Chủ tịch tập đoàn Gazprom Neft của Nga đã tiết lộ rằng Gazprom Neft không mua 49% cổ phần của nhà máy lọc dầu Dung Quất từ tay PetroVietnam vì tập đoàn này không cảm thấy thỏa mãn với điều kiện mà phía Việt Nam đề xuất.

“Thoạt đầu, các điều kiện giả định lợi nhuận thích hợp với khoản đầu tư. Nhưng bây giờ phía Việt Nam chưa sẵn sàng cung cấp cho dự án này những ưu đãi mà chúng tôi trông đợi, tương ứng với mức sinh lợi thấp hơn. Chúng tôi không thể đi tới đầu tư có chuẩn nội bộ sinh lợi thấp hơn, người ta không hiểu chúng tôi,” hãng tin Sputniknews trích dẫn lại lời ông Dyukov.

Việc Gazprom Neft rút ý định mua 49% cổ phần của nhà máy lọc dầu Dung Quất đã khiến tình trạng khó khăn của nhà máy này đã khó lại còn khó hơn. Và gần như phương án mở rộng nhà máy cũng bị dừng lại.

Tuy nhiên, theo ông Dyukov, điều này không có nghĩa là Gazprom Neft không còn quan tâm đến dự án này trong tương lai.

“Điều đó không ngăn cản chúng ta trở lại vấn đề này trong tương lai. Chúng tôi sẵn sàng tham gia dự án này, nhưng đối với chúng tôi điều quan trọng là thành tựu phân định được các chỉ số hiệu suất.

Thời điểm hiện tại, chúng tôi thấy chưa đồng ý với những đề xuất mà phía Việt Nam đưa ra. Do đó, khi nào phía đối tác sẵn sàng cung cấp những điều kiện mà chúng tôi thấy xác đáng thì chúng ta có thể thông qua quyết định,” ông nói.

Tuy nhiên, trước chủ trương sẽ cổ phần hóa Nhà máy lọc dầu Dung Quất của VN, tập đoàn Gazprom Neft đã cho biết sẽ nghiên cứu cơ hội tham gia mua cổ phần của nhà máy trong tương lai.

RELATED ARTICLES

Tin mới