Wednesday, January 15, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnXuất linh kiện xe buýt sang Nga: Vật cản TQ

Xuất linh kiện xe buýt sang Nga: Vật cản TQ

Việc xuất khẩu linh kiện xe buýt sang Nga chỉ là bước đầu. Chúng ta phải hoàn thiện rất nhiều và đặc biệt phải cạnh tranh khốc liệt với Trung Quốc.

Khó cạnh tranh với Trung Quốc

Tiếp tục chia sẻ quan điểm về thông tin Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) đã xuất khẩu được các bộ phận ô tô đi các nước như bộ phận cản xe, dây điện, áo ghế, nhíp, linh kiện cơ khí và đặc biệt là linh kiện xe buýt sang Nga trong tháng 11 vừa qua, TS Trịnh Minh Hoàng – Giảng viên bộ môn ô tô – Khoa Động  lực – Trường Đại học bách khoa Hà Nội cho rằng đây là những cố gắng lớn của các doanh nghiệp trong nước.

Theo TS Hoàng, bản thân anh không hề ngạc nhiên trước việc Thaco xuất khẩu linh kiện sang Nga. Tuy nhiên đây chỉ là những bước đi đầu tiên, để nhận được sự đồng ý từ phía Nga cũng như các đối tác nước ngoài ngành công nghiệp sản xuất linh kiện ô tô của Việt Nam (VN) phải hoàn thiện hơn rất nhiều.

“Chúng ta chưa có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài. Chỉ có 1 số đơn vị  như cao su Sao Vàng xuất khẩu xăm lốp ôtô, nhà máy Z198 làm 1 số phần mềm. Hơn nữa quy mô sản xuất của chúng ta còn nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước.

Trường hợp của Thaco, việc xuất khẩu được 1 số linh kiện xe buýt sang thị trường Nga cũng rất đáng mừng. Tuy nhiên doanh nghiệp này mới chủ yếu mang sản phẩm sang để giới thiệu, việc có được chấp nhận không thì còn phải chờ thêm. Đây chỉ là những bước đầu thôi, chưa là gì mà chúng ta phải tung hoa, ca ngợi cả. Nếu đều đặn hàng năm với số lượng lớn thì sẽ tốt hơn”, TS Hoàng khẳng định.

Phân tích kỹ hơn các linh kiện Thaco xuất khẩu sang phía Nga, giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng đây là những chi tiết đơn giản, độ phức tạp chưa cao và phù hợp với năng lực, trình độ của đội ngũ lao động tại VN.

“Cũng giống như ngành công nghiệp may mặc và da giày xuất khẩu, việc xuất khẩu linh kiện xe buýt của VN độ khó chưa cao. Chẳng hạn như làm ghế.  Ở đây chúng ta chủ yếu làm ghế của hành khách thôi, còn ghế dành cho lái xe thì kết cấu phức tạp hơn. Những chi tiết yêu cầu không cao lắm như táp lô, các phần nhựa như móc đồ, rắc để đồ chúng ta hoàn toàn có thể làm được với trình độ tay nghề của kỹ sư, công nhân hiện nay”, TS Hoàng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, một vấn đề khác được vị chuyên gia nhắc đến đó là khả năng cạnh tranh của các thiết bị xe buýt do Việt Nam sản xuất với các nước, trong đó đáng chú ý hơn cả là Trung Quốc.

“Chúng ta có thể xuất khẩu sang Nga hay 1 số nước trình độ thấp hơn thì có thể được. Nhưng muốn thâm nhập nhị trườnng của Nhật hay Mỹ thì khó hơn vì đòi hỏi rất cao.

Ngoài ra chúng ta còn thêm trở ngại khi phải cạnh tranh với Trung Quốc. Việc này đối với VN hiện nay cũng rất khó. Trung Quốc phát triển công nghiệp ô tô từ lâu và họ có hàng chục nghìn doanh nghiệp. Thị trường rộng lớn, công nghiệp phụ trợ phát triển nên họ có thể bao giá ở các mức độ khác nhau.

Còn VN thì hạn chế hơn rất nhiều. Thực tế ra được sản phẩm là chuyện bình thường còn sản phẩm đó được thị trường đón nhận và phát triển ra sao là một loạt các bài toán khác, không phải đơn giản”, TS Hoàng đặt vấn đề.

Chưa làm được chi tiết phức tạp

Lý giải những khó khăn ngành ô tô VN đang gặp phải, TS Trịnh Minh Hoàng cho rằng thời gian vừa qua, chúng ta chưa có sự chú trọng đầu tư đứng mức đối với công nghiệp phụ trợ nên các doanh nghiệp trong nước chỉ có thể lắp ráp hay sản xuất những linh kiện đơn giản. Những chi tiết phức tạp hay phần chính của xe ô tô, VN  chưa thể đáp ứng được yêu cầu từ các đối tác nước ngoài.

“Chúng ta chưa thể làm được những sản phẩm phức tạp vì thực tế việc này phải xuất phát từ quy luật cung – cầu.

Hiện nay do chính sách hạn chế xe ô tô bằng cách đánh thuế nhập khẩu cao, cơ sở hạ tầng đường giao thông chưa đáp ứng được nên số người sở hữu xe ôtô ở VN rất ít. Khi thị trường trong nước chưa có nhu cầu thì chúng ta chưa thể sản xuất được các chi tiết chính.

Trong trường hợp người dân có nhu cầu thật sự, nếu được trang bị kỹ thuật tiên tiến thì ngay lập tức VN cũng chưa thể sản xuất được những chi tiết phức tạp. Chúng ta cần phải có thêm thời gian để đầu tư, học hỏi kinh nghiệm”, TS Hoàng phân tích.

Theo TS Hoàng, từ việc Thaco xuất khẩu linh kiện xe buýt sang Nga, có thể mở ra thêm cơ hội mới cho ngành công nghiệp ô tô của VN. Tuy nhiên để tỷ lệ nội địa hóa cao hơn hay thị phần xuất khẩu sang các nước nhiều hơn thì phải có sự đầu tư một cách bài bản, chiến lược.

“Về mặt con người, về kỹ năng, về khả năng sáng tạo, người VN không kém. Tuy nhiên công nghiệp sản xuất phụ trợ của chúng ta còn yếu. Để khắc phục điều này VN hoàn toàn có thể cử người đi học với sự đầu tư nhất định. 

Hơn nữa để xuất khẩu sang Nga hay bất cứ thị trường nào, chúng ta phải cử người đi học tập tại chính quốc gia đó, kể cả về kỹ thuật cũng như tác phong làm việc để đảm bảo chất lượng. Chúng ta phải tìm hiểu các đối tác khác của họ để tìm cách cạnh tranh với các nước khác. Đồng thời cũng phải xác định được nhu cầu của đất nước họ, sản lượng bao nhiêu, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật thế nào?

Tiếp theo về chính sách xuất nhập khẩu, chúng ta cũng cần đẩy mạnh, thông thoáng hơn. Ngân hàng cũng cần hỗ trợ về các mặt kinh tế, chính  sách cho các đơn vị, tập đoàn.

Cùng với đó, các doanh nghiệp khác cũng cần có chiến lược để phát triển, sáng tạo hơn nữa”, TS Hoàng nêu giải pháp.

RELATED ARTICLES

Tin mới