Friday, July 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiPutin-Donald Trump với tuần trăng mật ngọt ngào

Putin-Donald Trump với tuần trăng mật ngọt ngào

Song song với những lời đường mật mà ông Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin dành cho nhau, giới quan sát nêu ra nhiều sóng gió.

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Reuters mới đây dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin khi trả lời phỏng vấn với đài truyền hình NTV TV đã nói về Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump với những lời có cánh.

Theo đó, nhà lãnh đạo Nga nói: “Ông Trump là một doanh nhân. Đồng thời ông cũng là một chính khách, người đứng đầu Hoa Kỳ – một trong những cường quốc đứng đầu thế giới.

Vì ông ấy đã đạt được thành công trong kinh doanh nên chắc hẳn ông ấy phải là người thông minh. Và vì là một người thông minh, ông Trump ắt hẳn sẽ hiểu được những trách nhiệm mới của mình”.

Từ trước tới nay, những lời Tổng thống Nga dành cho người trong tương lai sẽ là lãnh đạo của bên đối trọng luôn là những lời hoa mỹ.

Trước khi khen ông Donald Trump thông minh, hồi cuối năm ngoái, ông Putin từng nói về ông Trump với truyền thông:  “Ông ấy là một người hào hoa, tài năng, không thể nghi ngờ gì về điều đó. Ông ấy là người dẫn đầu tuyệt đối trong cuộc tranh cử tổng thống, như chúng ta thấy hôm nay”.

Còn vị tỷ phú Mỹ lần đầu bước chân vào chính trường cũng ca ngợi hết lời nhà lãnh đạo Nga. Tháng 9 vừa rồi, ông Donald Trump khen ông Putin “rất ra dáng nhà lãnh đạo”, thậm chí, vượt xa Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Nhà lãnh đạo Nga đã nhiều lần bày tỏ hy vọng, với những gì mà ông Donald Trump đã tuyên bố khi tranh cử, quan hệ của Nga-Mỹ sẽ ngày càng xích lại gần nhau hơn. Hệ thống nhân sự sắp tới của ông Donald Trump cũng có nhiều nhân tố cho thấy sự ủng hộ mối quan hệ gần gũi hơn với Nga.

Mới đây, tướng về hưu Mike Flynn đã chính thức trở thành Cố vấn An ninh quốc gia của ông Trump. Ông Flynn được cho là có xu hướng ủng hộ quan hệ gần gũi hơn với Nga. Ông là người ủng hộ nhiệt thành cho việc tăng cường quan hệ với Nga và thường tự hào vì đã có dịp tiếp xúc và đàm đạo với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

 Một chính khách có “quan điểm rất thân Nga” khác rất có thể sẽ được ông Trump lựa chọn vào cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ. Người này là ông Dana Rohrabacher Hạ nghị sĩ của bang California.Ông Rohrabacher là người rất mến mộ Tổng thống Nga và chấp thuận quan điểm của Nga về Crimea, Donbass. Ông cũng nhiều lần phản bác những chính sách thù địch của Mỹ ở Hạ viện Hoa Kỳ, thậm chí được mệnh danh là “Người bảo vệ Nga trong quốc hội Mỹ”.

Kỳ trăng mật không hoàn hảo

Song theo giới quan sát ở Mỹ và phương Tây, những lời có cánh sẽ nhanh chóng tan biến ngay khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ. Hiện nay, hệ thống nhân sự trong chính quyền mới của ông Donald Trump đã dần được lấp đầy và phần đông cho thấy sự trung hòa các lợi ích với Nga.

Nhưng mâu thuẫn ở chỗ, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump lại mới công khai rằng sẽ chọn tướng James Mattis- người có biệt danh là “Chó điên” (Mad Dog) cho vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Cũng như biệt danh của mình, tướng Mattis được coi là một chiến lược gia nghiêm túc và được tôn trọng không chỉ ở Lầu Năm Góc,  ông còn được đánh giá cao cả về mặt trí tuệ và khả năng đưa ra những đánh giá thẳng thắn về các chính sách của Nhà Trắng. Ông Mattis được cho là “có ý định gây hấn” trong quan hệ với Liên bang Nga.

Trang thông tin Vox cho rằng, việc lựa chọn “Chó Điên” có thể sẽ khiến chính quyền mới của ông Trump có những mâu thuẫn bất đồng và không thể hiện được quan điểm chính trị cũng như phát huy thế mạnh của chính các vị chính khách này.

Bên cạnh mâu thuẫn trong việc sắp xếp nhân sự, vị chuyên gia  về Nga Taras Kuzi thuộc Đại học Alberta (Canada) còn đưa ra 7 thách thức đối với mối quan hệ tỏ ra gần gũi này giữa hai vị quyền lực.

Thứ nhất, hành động của Nga và phương Tây cũng như Mỹ ở Syria và Ukraine là sự bất đồng rất lớn và một cách cơ bản. Rất khó có khả năng hai phe sẽ gỡ bỏ các rào cản đầy mâu thuẫn này.

Thứ hai, những nỗ lực tái thiết quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua không thành công do quan điểm khác nhau bởi ai cũng muốn bên còn lại là người xuống nước trước.

Thứ ba, tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các cơ quan tình báo phương Tây gần đây ngày càng chú trọng đến mối đe dọa từ Nga, cho rằng, Nga đã sử dụng tổng lực sức mạnh và triển khai chính sách đối ngoại một cách hung hăng thông qua tuyên truyền, lật đổ, gián điệp và tấn công mạng.

Thứ tư, dù nói muốn cải thiện quan hệ với Mỹ nhưng ông Putin đang gặp khó khăn. “Điện Kremlin cần Donald Trump, nhưng với tư cách là một người thua cuộc chứ không phải là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua”, tờ Guardian nhận định.

Thứ năm, ông Putin đã gọi Mỹ đứng đầu thế giới song cũng rất tức giận khi ông Obama gọi Nga là một cường quốc khu vực. Một tổng thống theo chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ như ông Trump có rất ít khả năng sẽ công nhận vị thế cường quốc thế giới và tôn trọng Nga hơn ông Obama.

Thứ sáu, ông Trump cũng sẽ phải làm việc với nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa có lập trường cứng rắn với Nga ở cả hai viện Quốc hội Mỹ, điển hình như Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan từng gọi ông Putin là “lãnh đạo hiếu chiến không có chung quan điểm” hay “lãnh đạo nhỏ nhen và thích bắt nạt người khác”.

Thứ bảy, ông Trump không thể đơn phương bãi bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow do sự ràng buộc của luật pháp Mỹ. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện và Thượng viện sẽ phản đối việc gỡ bỏ này.

“Nếu ông Trump cố gắng cải thiện quan hệ với Nga, ông thậm chí sẽ có ít cơ hội thành công hơn hai người tiền nhiệm”, ông Kuzi nhận định.

RELATED ARTICLES

Tin mới