Friday, April 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiSau vụ điện đàm với Đài Loan, Mỹ còn dành cho TQ...

Sau vụ điện đàm với Đài Loan, Mỹ còn dành cho TQ những bất ngờ nào?

Dường như vụ điện đàm giữa Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn chưa phải là “bất ngờ” duy nhất mà Mỹ dành cho Trung Quốc.

(Ảnh minh họa: CNN)

Trang StrategyPage (Mỹ) hôm 4/12 cho hay, lực lượng quân sự Mỹ và Nhật Bản vừa qua đã tiến hành cuộc tập trận đổ bộ chung lần thứ 3, với những diễn biến làm Bắc Kinh đứng ngồi không yên.

Cuộc tập trận được tổ chức trên đảo Tinian ở Thái Bình Dương, với kịch bản là bối cảnh sau năm 2018, khi Nhật Bản xây dựng được một lực lượng tác chiến mới tương tự như Thủy quân lục chiến Mỹ.

Cho đến năm 2015, việc mua sắm các khí tài như chiến đấu cơ hay các loại xe lưỡng cư để chuyển đổi lực lượng trên bộ của Nhật sang tác chiến trên biển vấp phải nhiều trở ngại về chính trị.

Thời điểm đó, giới lãnh đạo của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) cho rằng việc xây dựng sức mạnh tàu ngầm mới và khả năng chống ngầm quan trọng hơn là hình thành một lực lượng kiểu lính thủy đánh bộ Mỹ.

Quan điểm này thay đổi nhanh chóng khi từ năm 2015, Trung Quốc trở nên quyết liệt hơn trong các hoạt động khẳng định chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai nước tranh chấp, khiến Bộ quốc phòng Nhật phải tái xem xét kế hoạch được xác định từ năm 2013.

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 7/12 cho biết, Thủy quân lục chiến Mỹ vẫn liên tục duy trì cơ chế hỗ trợ và bồi dưỡng nhân sự để giúp Nhật hình thành lực lượng mới này, với quân số dự kiến vào khoảng 2.000-3.000 người.

Quân đội Mỹ cũng gấp rút chuyển giao các kỹ thuật, chiến thuật tác chiến đổ bộ cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF). Mục tiêu cuối cùng của liên minh Mỹ-Nhật là đội quân mới sẽ đủ khả năng chống lại mối đe dọa từ Bắc Kinh.

StrategyPage cho hay, trong tương lai JSDF sẽ mua trực thăng chở quân V-22 Osprey của Mỹ, các loại trực thăng vận tải hạng nặng, trực thăng vũ trang và xe lưỡng cư để phục vụ kế hoạch mới.

Tokyo rất lưu tâm đến việc người láng giềng Hàn Quốc đã thành lập lực lượng lính thủy đánh bộ của riêng mình ngay từ thập niên 1950, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự hiện diện ấn tượng của Thủy quân lục chiến Mỹ tại đây trong Chiến tranh Triều Tiên.

Hoàn Cầu chỉ ra, trong lịch sử Nhật Bản chưa từng có lực lượng lính thủy đánh bộ theo đúng bản chất.

Lực lượng mới mà quân đội Mỹ đang hỗ trợ Tokyo xây dựng được kỳ vọng mang lại hiệu quả chiến đấu cao hơn Lực lượng phòng vệ trên bộ (JGSDF) hiện tại, thậm chí đóng vai trò quyết định trong xung đột với Trung Quốc ở các vùng đảo tranh chấp.

Diễn biến này cho thấy mối quan hệ hợp tác về quân sự giữa Mỹ và Nhật Bản dường như không bị ảnh hưởng bởi một số “lùm xùm” sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.

Thông tin Mỹ “trợ trận” để Nhật xây dựng lực lượng mới chống lại Bắc Kinh là cú đánh mạnh vào hàng loạt nhận định đầy hào hứng của giới học giả và các tướng lĩnh “diều hâu” Trung Quốc thời gian qua, khi họ cho rằng chính quyền Trump sắp bỏ rơi Tokyo.

Trong giai đoạn tranh cử, Trump tuyên bố muốn các đồng minh như Nhật, Hàn Quốc chi trả thêm kinh phí cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở các nước này. Cả Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Bộ trưởng quốc phòng Tomomi Inada đều không sẵn sàng đáp ứng yêu cầu này.

RELATED ARTICLES

Tin mới