Sunday, November 17, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiLiệu TQ có sai lầm khi chê Trump là "tân binh ngoại...

Liệu TQ có sai lầm khi chê Trump là “tân binh ngoại giao”?

Binh pháp Trung Hoa cổ đại vốn chuộng chiêu “hư hư, thực thực”, không ngờ lại bị chính Donald Trump vận dụng một cách đầy sáng tạo, đầy ma lực.

Ông Tập Cận Bình và Thống đốc bang Iowa Terry Branstad trong một lần hội ngộ, ảnh: Getty Images.

Bloomberg ngày 7/12 đưa tin, Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump đã chỉ định Thống đốc bang Iowa và là “bạn cũ” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Terry Branstad, làm Đại sứ mới của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Terry Branstad đã đến tòa tháp Trump ở New York vào chiều thứ Ba cùng vợ mình và thư ký riêng.

Một nhóm cố vấn hàng đầu của Donald Trump đã cùng tiếp Terry Branstad với Tổng thống đắc cử, bao gồm “tham mưu trưởng” Reince Priebus, chiến lược gia Steva Bannon và con rể của Trump – Jared Kushner.

Một giờ sau cuộc họp, Terry Branstad cho biết, ông không bình luận gì về việc được Trump lựa chọn.

Ứng viên Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Terry Branstad phát biểu: “Tôi thực sự vui mừng về chất lượng đội ngũ cộng sự mà ông đang thu hút vào Nội các. Tôi rất tự hào vì được hỗ trợ Donald Trump khi ông giữ cương vị Tổng thống.”

Tình bạn giữa Terry Branstad với ông Tập Cận Bình có thể là một trong những lý do Trump chọn ông làm Đại sứ mới tại Trung Quốc. 

2 ngày trước khi diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ hôm 8/11, Trump phát biểu tại Sioux trong một cuộc vận động tranh cử, Terry Branstad là ứng viên lý tưởng để làm việc với Trung Quốc:

“Ông sẽ là ứng cử viên của chúng tôi để chăm sóc Trung Quốc”, Trump nói với Terry Branstad ngay trên khán đài.

Terry Branstad gặp Tập Cận Bình khi nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Iowa lần đầu tiên năm 1985, khi còn là một quan chức trẻ ngành nông nghiệp của tỉnh Hà Bắc.

Hai ông đã kết nối lại quan hệ nhiều lần kể từ đó.

Mặc dù có sự khác biệt về văn hóa, Terry Branstad và Tập Cận Bình vẫn giữ liên hệ chặt chẽ và sử dụng mối quan tâm chung, tình yêu với nông nghiệp, để thu hẹp khoảng cách giữa 2 quốc gia về nhân quyền, kinh tế và những căng thẳng khác.

Năm 2002, Thống đốc Terry Branstad đã tiếp ông Tập Cận Bình sang thăm trên cương vị Phó Chủ tịch nước Trung Quốc với một bữa yến thịnh soạn tại Iowa Capitol ở Des Moines.

Ngay sau khi Trump đắc cử Tổng thống, Terry Branstad bắt đầu chuyến công du chính thức lần thứ 4 đến Trung Quốc trong 7 năm qua cùng một phái đoàn thương mại theo kế hoạch định trước.

Terry Branstad là người ủng hộ nhiệt tình Donald Trump, ngay cả khi tỉ phú bất động sản gặp khó khăn trong chiến dịch tranh cử. Con trai cả của Terry Branstad từng đóng vai trò trưởng ban vận động tranh cử cho Trump tại Iowa.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của bang Iowa, chỉ sau Canada. Số liệu từ Hội đồng kinh doanh Mỹ – Trung cho thấy, Iowa đã xuất khẩu hàng hóa tổng trị giá 2,3 tỉ USD và dịch vụ tổng trị giá 270 triệu USD sang Trung Quốc năm ngoái.

“Tân binh ngoại giao” hay chính khách đáng gờm?

Trong một động thái có liên quan đến quan hệ Trung – Mỹ, South China Morning Post ngày 7/12 cho biết, tờ China Daily đã cảnh báo Donald Trump cần phải “trung hòa” hành vi của mình nếu không muốn gây rắc rối cho nước Mỹ.

Tờ báo nhà nước Trung Quốc này gọi Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ là một “tân binh ngoại giao” và dọa ông:

“Là một Tổng thống đắc cử, Donald Trump có thể hy vọng được tha thứ, bỏ qua ngay cả khi bắn lén. Nhưng mọi chuyện sẽ khác khi ông trở thành Tổng thống”.

Phiên bản quốc tế của Nhân Dân nhật báo bình luận:

“Kích động va chạm và làm rối tung quan hệ Trung – Mỹ sẽ chẳng giúp gì cho mục tiêu biến nước Mỹ mạnh mẽ trở lại.”

Thời báo Hoàn Cầu thì công kích Trump “không biết giữ mồm giữ miệng” và chỉ trích ông là “khiêu khích và sai lầm”.

Donald Trump đã viết trên Twitter của mình hôm Chủ nhật hai thông điệp, một là Trung Quốc phá giá đồng tiền của mình, đánh thuế cao các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ. Hai là quân sự hóa Biển Đông.

Những động thái này diễn ra sau khi Donald Trump có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan, Tiến sĩ Thái Anh Văn, khiến Trung Quốc tức giận.

Bắc Kinh tương đối kiềm chế đối với Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ, mà chỉ tập trung công kích nhà lãnh đạo đảo Đài Loan.

Tuy nhiên Financial Times ngày 6/12 đã đặt câu hỏi, cuộc điện đàm với bà Thái Anh Văn phải chăng là một trong những “nghệ thuật đàm phán” của Trump với Bắc Kinh?

Michael Pillsbury, một cựu quan chức Lầu Năm Góc nằm trong đội ngũ cố vấn của Trump nói với CNN hôm thứ Hai: 

“Trump muốn thương lượng một thỏa thuận mới với Trung Quốc. Rõ ràng ông không nói mình sẽ làm gì trong cuộc điện đàm này. Ông ấy muốn đánh động Trung Quốc”.

Fox News ngày 3/12 cho biết, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc John Bolton bình luận, Donald Trump nên “rung chuyển” mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc. Nhận xét về cuộc điện đàm, John Bolton cho hay:

“Thành thật mà nói, tôi nghĩ chúng ta nên đánh động mối quan hệ này. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã leo thang thúc đẩy yêu sách hiếu chiến ở Biển Đông.

Không ai ở Bắc Kinh có quyền ra lệnh cho chúng ta được nói chuyện với ai. Nói rằng cuộc điện đàm này làm rối loạn bất cứ điều gì của thập kỷ qua là chuyện hoàn toàn vô lý”.

Trước đó cũng chính cựu Đại sứ John Bolton nhận định, vấn đề Đài Loan sẽ là một công cụ hiệu quả để Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ ngăn Trung Quốc bành trướng Biển Đông.

Cá nhân người viết cho rằng, việc một số tờ báo hàng đầu ở Trung Quốc chê bai, công kích Donald Trump là “tân binh ngoại giao” chỉ cho thấy, Bắc Kinh thực sự đang lúng túng không biết phải đối phó với người mà báo của họ gọi là “tân binh” như thế nào.

Rõ ràng cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo đảo Đài Loan Thái Anh Văn có kịch bản từ trước, được đội ngũ chuyển giao của Trump chuẩn bị kỹ càng. Nó không phải một “phát súng vu vơ”, mà rõ ràng là một sự đánh động.

Còn thỏa thuận mới với Trung Quốc mà Trump sẽ tìm kiếm bằng cách sử dụng cuộc điện đàm này làm đòn bẩy là gì, như phát biểu của ông Michael Pillsbury, cần có thêm thời gian và dữ kiện.

Binh pháp Trung Hoa cổ đại vốn chuộng chiêu “hư hư, thực thực”, không ngờ lại bị chính Donald Trump vận dụng một cách đầy sáng tạo, đầy ma lực để đối phó với tham vọng của Bắc Kinh.

Có những quan điểm lo ngại về một cuộc chiến tranh Trung – Mỹ có thể nổ ra dưới thời đại Donald Trump – Tập Cận Bình bởi tính cách cá nhân của hai nhà lãnh đạo.

Tuy nhiên người viết cho rằng, là một doanh nhân hàng đầu thế giới trước khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, Donald Trump biết cách làm thế nào để bảo vệ tài sản của mình và nước Mỹ.

Chiến tranh không phải lựa chọn, nhưng một cây gậy đủ mạnh sẽ là điều cần thiết cho Trump và cộng sự bảo vệ vị thế nước Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương, duy trì trật tự khu vực Biển Đông dựa trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật.

Trung Quốc đã tìm cách hóa giải, “bẻ khóa” chiến lược tái cân bằng của Barack Obama ở châu Á – Thái Bình Dương chỉ vì nó quá rõ ràng và lộ liễu. Cũng vì “nắm được thóp” của lãnh đạo Hoa Kỳ, Trung Quốc mới liều quân sự hóa Biển Đông bằng 7 đảo nhân tạo.

Nhưng với chiêu “hư hư, thực thực” của Donald Trump, giấc mộng độc chiếm Biển Đông biến thành ao nhà của Trung Quốc có lẽ khó có thể trở thành hiện thực.

RELATED ARTICLES

Tin mới