Quốc hội Hàn Quốc ngày 7/12 tiếp tục phiên điều trần thứ hai liên quan đến vụ bê bối chính trị thao túng quyền lực, gây rúng động nước này.
Tuy nhiên, trong số 27 đối tượng bị triệu tập tới Quốc hội, có 14 người, bao gồm cả người bạn thân của Tổng thống Park Geun-hye, bà Choi Soon-sil, nhân vật trung tâm của vụ bê bối đã không xuất hiện tại phiên điều trần sáng 7/12.
Quốc hội Hàn Quốc tiếp tục ban hành lệnh triệu tập bà Choi Soon-sil cùng 10 người khác phải có mặt tại phiên điều trần lúc 14h chiều 7/12. Tại phiên điều trần buổi sáng, các cựu trợ lý của Tổng thống Park Geun-hye, phải làm rõ những nghi ngờ về việc bà Choi Soon-sil và các nhân vật thân tín của bà đã can thiệp vào công việc nội bộ của chính phủ.
Phiên điều trần cũng tập trung xét hỏi cựu Chánh Văn phòng Tổng thống, ông Kim Ki-choon, người có ảnh hưởng to lớn trong chính quyền Tổng thống Park Geun-hye.
Ông Kim Ki-choon đã bày tỏ sự ăn năn, hối cải về vụ bê bối: “Thật đáng xấu hổ và tôi xin lỗi vì những gì đã xảy ra do không thực hiện đầy đủ phận sự và trách nhiệm hỗ trợ Tổng thống điều hành các công việc nhà nước”.
Cũng tại phiên điều trần này, đạo diễn nổi tiếng Cha Eun Taek – người bị cáo buộc sử dụng mối quan hệ với bà Choi Soon-sil để tư lợi cá nhân cho biết có tham gia vào một cuộc họp kín theo yêu cầu của bà này, song chỉ đơn giản là chào hỏi xã giao.
Tuy nhiên, đạo diễn Cha Eun Taek cũng thừa nhận một phần trong những cáo buộc, bao gồm việc sử dụng vị thế của mình trong vấn đề nhân sự, các dự án quảng cáo của KT Corp- một hãng điện thoại di động trong nước.
Còn cựu Thứ trưởng Văn hóa Kim Chong đã phủ nhận cáo buộc nhằm vào vị quan chức này rằng, cựu Chánh Văn phòng phủ Tổng thống Kim Ki-choon yêu cầu ông ủng hộ con gái bà Choi Soon-sil.
Hôm qua, lần đầu tiên trong 28 năm qua, lãnh đạo 8 tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc bao gồm Samsung, Hyundai Motor, SK, LG, Lotte, Hanwha, Hanjin và CJ bị triệu tập đến phiên điều trần của Quốc hội. Những lãnh đạo này tỏ ra hối hận khi dính vào 2 quỹ phúc lợi đáng ngờ của bà Choi Soon-sil nhưng phủ nhận dùng tiền để đổi lấy các đặc quyền trong kinh doanh.
Các phiên điều trần này diễn ra trước khi quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu luận tội Tổng thống vào ngày 9/12 tới. Chính Tổng thống Park Geun-hye ngày 6/12 lên tiếng khẳng định sẽ chấp nhận kết quả của cuộc bỏ phiếu luận tội bà, nhưng khẳng định sẽ không từ chức ngay bây giờ theo yêu cầu của các đảng đối lập. Nhà lãnh đạo này hiện đang đối diện với sức ép lớn khi những nỗ lực để luận tội bà đang nhận được sự ủng hộ từ chính những người trong đảng của bà.
Một nhóm các nghị sĩ đảng Saenuri phản đối Tổng thống Park Geun-hye và ủng hộ việc phế truất nhà lãnh đạo này tuyên bố họ đã hoàn tất mọi bước chuẩn bị để luận tội bà, nhấn mạnh kịch bản bà tự nguyện từ chức vào tháng 4/2017 không còn là một lựa chọn của họ.
Ngoài ra, theo kết quả cuộc thăm dò dư luận công bố hôm qua, tới 80% số người Hàn Quốc được hỏi muốn bà Pắc từ chức ngay lập tức hoặc bị luận tội. Theo một cuộc thăm dò trên mạng được thực hiện với 1.000 người ở độ tuổi từ 15-69 sống tại thủ đô Seoul và các thành phố khác của Hàn Quốc, 62,4% trong số đó đồng tình với quan điểm Tổng thống Pắc Cưn Hê phải từ chức ngay lập tức.
Đa số người được hỏi đều kêu gọi nữ chính khách này tự nguyện từ chức, hơn là tiến hành luận tội, bởi tiến trình này sẽ mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, 14,4% trong số những người tham gia cuộc khảo sát cho biết, Tổng thống Park Geun-hye nên bị luận tội thông qua Quốc Hội và tòa án Hiến pháp.
Chỉ 13,1% số người được hỏi muốn nhà lãnh đạo này tự nguyện từ chức vào tháng 4 năm tới để tiến hành bầu cử Tổng thống sớm hai tháng sau đó. Trong khi đó, 76,7% số người tham gia khảo sát cho rằng, Tổng thống Park Geun-hye phải chịu trách nhiệm nhiều nhất cho vụ bê bối gây rúng động chính trường Hàn Quốc liên quan tới người bạn thân Choi Xun Xin và những trợ lý của bà.
Tổng thống Park Geun-hye đang tại nhiệm năm thứ tư trong nhiệm kỳ 5 năm. Cuộc khủng hoảng chính trị này được cho rằng, sẽ làm phức tạp thêm quá trình hoạch định chính sách của bà Park Geun-hye trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ, đe dọa số phận chính trị của nữ chính khách này, gây xáo trộn chính trường Hàn Quốc trước năm bầu cử 2017.
Theo nhiều nhà quan sát, nhiều khả năng, Hàn Quốc sẽ lần đầu tiên chứng kiến một Tổng thống do dân bầu phải kết thúc nhiệm kỳ trước thời hạn