Friday, January 10, 2025
Trang chủNước Việt đẹpViệt Nam không việc gì phải sang Campuchia học trồng lúa

Việt Nam không việc gì phải sang Campuchia học trồng lúa

Việt Nam và Campuchia điều kiện hoàn toàn khác nhau, vì vậy nếu có đi học tập kinh nghiệm trồng lúa cũng khó áp dụng vào thực tế trong nước.

Việt Nam và Campuchia điều kiện hoàn toàn khác nhau, vì vậy nếu có đi
học tập kinh nghiệm trồng lúa cũng khó áp dụng vào thực tế trong nước.

Không cần đi học trồng lúa ở Campuchia

Mới đây tỉnh Sóc Trăng đã cử đoàn cán bộ sang Campuchia học tập kinh nghiệm trồng lúa để tìm ra lối thoát cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Đi cùng đoàn còn có GS.TS Võ Tòng Xuân, nhà nông học hàng đầu Việt Nam.

Chia sẻ với báo chí, ông Hồ Quang Cua, nguyên Phó giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng, “cha đẻ” giống lúa thơm đặc sản mang thương hiệu “ST” đánh giá cao sự đầu tư và chiến lược bài bản của Campuchia trong thời gian qua.

Là một người có nhiều năm gắn bó với nông nghiệp và cây lúa, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Dương Văn Chín,  GĐ Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) khẳng định, bản thân ông cảm thấy vô cùng lạ lùng trước quyết định trên.

“Tôi rất bực bội vì chuyến đi đó. Ai đời một đất nước như Việt Nam mà các nhà khoa học lại đi qua Campuchia để học tập kinh nghiệm trồng lúa. Không có chuyện gì phải học tập cả”, ông Chín khẳng định.

Lý giải điều này, vị chuyên gia cho rằng, điều kiện của Campuchia và Việt Nam hoàn toàn khác nhau, vì vậy dù có sang học tập thì khi về nước, việc các nhà khoa học và nông dân áp dụng vào thực tế cũng rất khó khăn.

Ông Chín phân tích: “Campuchia  hiện chỉ làm một vụ lúa trong năm. Khi nước lũ tràn đồng thì họ gieo mạ, và cấy lúa mùa. Họ chờ tới tháng 10, tháng 11 dương lịch khi ngày ngắn lúa trổ hoa và chín trong mùa nắng. Lúa mùa chín trong mùa nắng thì chất lượng gạo tốt, không bị ẩm mốc, mưa.

Mà hơn hết, người Campuchia chưa biết sử dụng phân bón, chưa biết sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Không có chuyện dư thừa thuốc BVTV, họ trồng năng suất được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Hơn nữa dân số Campuchia ít, họ ăn không hết nên các doanh nghiệp thu mua lượng gạo còn thừa để xuất khẩu. Như vậy thành công thôi chứ có gì đâu.

Đó là lúa trời cho, từ hàng ngàn đời nay có sẵn rồi. Chứ không phải nhà khoa học nào lai tạo ra cả. Chúng ta đất ít, người đông nên phải có cách làm khác.

Campuchia phải sang Việt Nam học chứ chúng ta không có gì phải sang đó học cả. Nếu có đi học Campuchia thì cũng không thể áp dụng được thì mỗi người một điều kiện khác nhau”.

Lai tạo giống lúa cao sản ngắn ngày

Từ thành công của Campuchia, PGS.TS Dương Văn Chín cho rằng Việt Nam cần phải tự thay đổi để phù hợp với điều kiện trong nước hiện nay.

Theo ông Chín, Việt Nam bây giờ không thể quay ngược lại nói không trồng lúa cao sản để chuyển sang trồng lúa mùa một năm một vụ như Campuchia, Thái với năng suất 2-3 tấn/ha.

“Nếu làm như thế thì Việt Nam sẽ đói vì dân của chúng ta rất đông. Không phải như Thái Lan hay Campuchia, dân họ ít, đất rộng, các điều kiện đều hết sức thuận lợi.

Người Việt Nam phải đi theo hướng lai tạo chọn lọc ra giống lúa cao sản ngắn ngày, thời gian sinh trưởng khoảng 3 tháng nhưng năng suất cao, chất lượng cao. Hiện nay tập đoàn Lộc Trời đã có 1 số giống lúa tốt như: Lộc Trời số 1 đạt giải 3 ngon nhất thế giới hay như  giống Lộc Trời số 18 sắp được công nhận. Giống này ngang với lúa cao sản, trồng được 3 vụ/năm nhưng độ trắng hơn, amylose khoảng 16%, ăn ngon, không thua kém gì lúa mùa địa phương của Thái Lan và Campuchia”, ông Chín khẳng định.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng cho rằng, các nhà khoa học phải ngồi lại với nhau để bàn bạc, thống nhất chọn ra khoảng 2-3 giống gạo ngon nhất rồi sau đó trồng đại trà trên diện tích lớn, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật để nâng cao chất lượng gạo cũng như năng suất.

Phải thay đổi chính sách

Để làm được điều này, PGS.TS Dương Văn Chín cho rằng, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần phải có sự thay đổi. Đặc biệt, Hội cần nghĩ đến quyền lợi của người dân nhiều hơn cũng như tìm cách nâng cao thu nhập cho nông dân khi trồng lúa và giá trị xuất khẩu gạo.

“Hội phải động viên những doanh nghiệp trong hiệp hội của mình đi xuống ký kết với nông dân lập thành những vùng nguyên liệu rộng lớn. Với những doanh nghiệp có năng lực vừa phải thì xuống ký chừng 2000-3000 ha. Những doanh nghiệp có điều kiện hơn thì ký từ 10.000 – 15.000 ha vùng nguyên liệu. Những doanh nghiệp thật sự mạnh thì ký 50.000 – 70.000 ha. Như vậy mỗi một doanh nghiệp có một vùng nguyên liệu.

Cần phải để người nông dân cùng đồng hành với doanh nghiệp, sản xuất ra lúa gạo mới. Nếu cứ tiếp tục như hiện nay không thay đổi tôi cho rằng người nông dân sẽ bỏ ruộng đi, không trồng nữa. Khi đó đương nhiên lương thực sẽ sụt giảm và giảm đến một mức nào đó chúng ta không có lúa gạo để đảm bảo cho 90 triệu dân của Việt Nam đủ ăn”, ông Chín nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Chín còn đề nghị, Bộ NN-PTNT có những định hướng rõ ràng, cụ thể hơn đối với ngành nông nghiệp nói chung và việc phát triển lúa gạo nói riêng.

“Bộ cần đề nghị với Nhà nước thay đổi Luật đất đai. Tức là sửa đổi Luật đất đai, cho phép buôn bán đất một cách tự do chứ không hạn điền 3 ha như hiện nay. Khi đó người nông dân có tiền sẽ mua đất, tích tụ lại thành 50-70 ha, hàng trăm ha.

Trong điều kiện sở hữu diện tích rộng lớn thì người nông dân mới đầu tư, cơ giới hóa, sản xuất với quy trình hiện đại, giảm giá thành, bán ra mới cạnh tranh được với quá trình mà hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa.

Nếu chúng ta cho phép mua bán đất tự do thì Nhà nước có thể thu được số tiền rất lớn để tăng ngân sách nhà nước”, ông Chín nêu quan điểm.

RELATED ARTICLES

Tin mới