Ngày 16-12, Nhà Trắng cho biết tàu chiến của Hải quân Trung Quốc đã bắt giữ một tàu lặn tự hành (UUV) của Hải quân Mỹ ở biển Đông vào ngày 15-12 và Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc phải trả lại ngay chiếc UUV này.
Đây là lần đầu tiên xảy ra một vụ bắt giữ như vậy và vụ việc diễn ra vào ngày 15-12 tại khu vực phía tây bắc Vịnh Subic thuộc chủ quyền của Philippine. UUV bị bắt giữ thuộc tàu nghiên cứu hải dương USNS Bowditch của Hải quân Mỹ vận hành tại vùng biển cách Vịnh Subic khoảng 50 hải lý về phía Tây Bắc.
Chiếc UUV đang tiến hành một cuộc khảo sát quân sự hợp pháp tại vùng biển quốc tế ở biển Đông. Đây là loại tàu có trang thiết bị đo độ mặn và nhiệt độ nước biển của Hải quân nước này và do công ty tư nhân điều hành. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc trả lại chiếc UUV nói trên.
Tuy nhiên theo tờ Beijing Morning Post của Trung Quốc thì Tàu USNS Bowditch là một trong số 29 tàu thuộc chương trình Tàu Sứ mệnh Đặc biệt của Mỹ, được cho là nhằm giám sát “nhất cử nhất động” của Trung Quốc ở biển Đông,
Vụ việc xảy ra dường như đã đổ thêm dầu vào lửa trong mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian qua. Đặc biệt, khi Bắc Kinh đang vô cùng giận dữ với quyết định của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump khi ông điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hồi đầu tháng này. Kế đó ông Trump lại đưa ra bình luận rằng ông không thấy “phải ràng buộc bởi chính sách “Một Trung Quốc”.
Để kìm chế sự tức giận của đôi bên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 17-12 cho biết đang làm việc với Mỹ thông qua kênh liên lạc quân sự nhằm “giải quyết một cách thích hợp” vụ bắt giữ tàu lặn tự hành (UUV) của Hải quân Mỹ bị tàu chiến Hải quân Trung Quốc bắt giữ hôm 15-12 ở biển Đông.
Tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 16-12 lại khẳng định chiếc UUV bị Trung Quốc bắt giữ bất hợp pháp thuộc tàu nghiên cứu hải dương USNS Bowditch của Mỹ đang vận hành như thường lệ tại vùng biển quốc tế còn cách vịnh Subic của Philippines khoảng 50 hải lý về phía Tây Bắc.
Theo Nhà Trắng cho biết, động thái chưa từng có tiền lệ này là một hành vi nghiêm trọng, vì rõ ràng Trung Quốc đã thu giữ một tài sản của quân đội Mỹ. Thậm chí, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump còn cáo buộc rằng Trung Quốc đã “ăn cắp” UUV của Hải quân Mỹ.
Cùng ngày Mỹ lên án động thái của Trung Quốc là “sự vi phạm trắng trợn tự do trên biển”. “Sự gây hấn trơ trẽn này hoàn toàn đúng kiểu hành vi ngày càng gây bất ổn của Trung Quốc, trong đó có việc bắt nạt láng giềng và quân sự hóa biển Đông.” – ông McCain nhấn mạnh.
Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn cầu – ấn phẩm thuộc Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc – khẳng định Bắc Kinh mong muốn sẽ giải quyết êm đẹp vụ việc. Gọi chiếc UUV của Mỹ là một “thiết bị không xác định”, một nguồn tin giấu tên tiết lộ Hải quân Trung Quân đang kiểm tra nó để phòng ngừa những vấn đề an toàn hàng hải.
Những chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Hiệp hội Giải trừ quân bị và Kiểm soát vũ khí Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh đã nhận định Trung Quốc cực kỳ nhạy cảm đối với những thiết bị tự hành dưới nước bởi chúng có thể lần theo dấu vết của hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo.
Các chuyên gia cho rằng, khi UUV của USNS Bowditch bị Hải quân Trung Quốc bị phát hiện và thậm chí bị bắt giữ thì nhiều khả năng nó đã tới quá gần khu vực “cấm” mà Trung Quốc cần phải đề phòng.
Trong khi động cơ bắt giữ của Trung Quốc vẫn chưa được làm rõ thì một số nhà phân tích cho rằng đây có thể là sự đáp trả những chỉ trích nhằm vào Bắc Kinh của ông Trump trong thời gian này.
Các nhà nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích Mỹ, nhận định đây chính là sự phản pháo, thể hiện Bắc Kinh sẽ không xem nhẹ các vấn đề của ông Trump với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hay các bình luận gây bất bình gây “sốc” của Tổng thống Mỹ đắc cử về chính sách “một Trung Quốc” của Bắc Kinh.
Trong cuộc họp báo hôm 16-12, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định ông Trump hoàn toàn có thể xem xét lại chính sách “một Trung Quốc” đối với Đài Loan, song cảnh báo một sự thay đổi có thể dẫn tới các hậu quả nghiêm trọng trong quan hệ của Washington với Bắc Kinh trong thời gian này.
Không biết do vô tình hay cố ý, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenza hôm 17-12 cho biết Manila hoàn toàn không hay biết vụ bắt giữ UUV xảy ra ngay trong vùng đặc quyền kinh tế nước này. Vị bộ trưởng còn nói giới chức an ninh vẫn chưa bàn về việc phản ứng ra sao. Liệu Philippine có đứng ngoài cuộc trong cuộc chiến Trung – Mỹ.
Cùng ngày, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ hủy bỏ thỏa thuận viếng thăm các lực lượng vũ trang (VFA) giữa Mỹ và Philippines. Thỏa thuận được ký kết hồi năm 1998 này cho phép hàng ngàn lính Mỹ luân phiên đến Philippines để tập trận và tham gia các hoạt động hỗ trợ nhân đạo.
Tuyên bố cứng rắn của ông Duterte được đưa ra sau khi Mỹ quyết định tạm dừng viện trợ cho Philippines vì quan ngại sâu sắc vấn đề nhân quyền trong cuộc chiến chống ma túy khiến nửa vạn người thiệt mạng ở quốc gia này. Hiện tại, Philippines đang kẹt giữa Mỹ – Trung trong sự căng thẳng đang gia tăng này.