Monday, November 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ thu giữ UUV của Mỹ nhằm mục đích gì?

TQ thu giữ UUV của Mỹ nhằm mục đích gì?

Tạp chí Diplomat (Nhật Bản) phân tích “tín hiệu” về biển Đông của TQ khi thu giữ UUV của Mỹ.

Ảnh minh họa.

Có cơ chế cũng như không

Mới đây, Trung Quốc đã thu giữ trái phép thiết bị lặn không người lái (UUV) của Mỹ tại vùng biển quốc tế tại biển Đông. Sự việc bộc lộ những bất ổn trong quá trình áp dụng thỏa thuận về tự do hàng hải và quy tắc ứng xử trên biển giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, thiết bị này đã bị thu giữ ở phạm vi 50 hải lý về hướng Tây Bắc ngoài khơi vịnh Subic – bên ngoài khu vực mà Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền trái phép trên biển Đông.

Nhìn lại những sự cố từng xảy ra giữa hai bên, các nhà phân tích băn khoăn trước hàng loạt khả năng đằng sau hành động bất ngờ của Bắc Kinh. Sự việc lần này khiến người ta liên tưởng tới vụ đụng độ trên không khu vực đảo Hải Nam năm 2001 và vụ tàu USS Impeccable năm 2009.

Không sự kiện nào diễn ra trong thời điểm lãnh đạo Mỹ chuyển giao quyền lực nhưng đều ở gần thời điểm nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ. Nhiều nhà phân tích cho rằng đó là cách để Trung Quốc đánh giá phản ứng của chính quyền mới ở Washington về vấn đề an ninh.

Hãy thử xét lại vụ việc năm 2009.

Ngày 8/3/2009, một số tàu của Trung Quốc đã quấy rối tàu do thám của Hải quân Mỹ, đồng thời tìm cách cắt và đánh cắp hệ thống sonar của tàu nhưng thất bại. Tới tháng 6/2009, tàu ngầm Trung Quốc lại “tình cờ” va chạm với hệ thống sonar gần vịnh Subic.

Vụ đụng độ hồi tháng 3 xảy ra bên trong khu vực đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, còn vụ tháng 6 được ghi nhận ở “ngoài khơi bờ biển Philippines”.

Sau vụ việc này, Mỹ tiếp tục ghi nhận nhiều vụ va chạm khác mà Washington đánh giá là không chuyên nghiệp. Nhận thức được mức độ nguy hiểm từ những sự cố như vậy nên Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí thiết lập các cơ chế đa phương và song phương nhằm tăng cường trao đổi trên biển và ngăn chặn các cuộc đụng độ không an toàn.

Kể từ khi đạt thỏa thuận năm 2014, cả hai bên đã hoàn thiện những quy tắc song phương. Như vậy, không thể nói là giữa hai nước không tồn tại cơ chế để giảm thiểu khả năng va chạm. Vụ việc vừa xảy ra đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nguyên tắc hiện có giữa lực lượng hải quân của Mỹ và Trung Quốc trên biển Đông.

“Dằn mặt” Trump hay thử thách giới hạn?

“Mổ xẻ” ý định của Bắc Kinh từ hành động thu giữ ở thời điểm này chỉ đơn thuần là suy đoán, nhưng không thể tránh được ý nghĩ rằng: Bắc Kinh, dù công nhận phong cách ngoại giao lạ đời của Trump, đang thử xem đâu là giới hạn cho những phát ngôn mạnh miệng của ông này trước khi nhậm chức.

Có thể Bắc Kinh quan tâm tới việc Trump sẽ tweet những gì trên mạng xã hội liên quan tới vụ việc này.

Dù vậy, không nên quá chú tâm vào quan điểm của Trump. Không phải Trung Quốc đang muốn đặt cược, thách thức Trump tại châu Á.

Ngoài Trump, việc Trung Quốc triển khai các thiết bị phòng không trên đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép trên biển Đông bị lộ, cùng tuyên bố không để Trung Quốc phong tỏa biển Đông của Chỉ huy các lực lượng Mỹ thuộc khu vực Thái Bình Dương có thể là nguyên do cho hành động của Trung Quốc.

Nếu đây là tín hiệu Bắc Kinh muốn truyền tải tới chính quyền sắp tới của Trump thì điều đó có nghĩa là: Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy những yêu sách của mình trên biển Đông.

Đánh cắp công nghệ?

Năm 2001, một trong những lý do khiến sự cố Hải Nam liên quan tới máy bay EP-3 của Mỹ trở thành một cơn ác mộng là bởi (phía Mỹ cho rằng) Trung Quốc có thể khảo sát công nghệ của Mỹ, tiến đến cải thiện, phát triển công nghệ do thám trên không của mình.

Ở thời điểm đó, chiếc EP-3 của Mỹ đã buộc phải hạ cánh khẩn cấp trên đảo Hải Nam sau khi va chạm trên không với J-8D của Trung Quốc. Sau khi 24 thành viên phi hành đoàn của Mỹ được trả tự do thì Bắc Kinh vẫn tiếp tục giữ EP-3 lại và không cho phép Mỹ sửa chữa để “bay về”. Chiếc EP-3 sau này đã được tháo rời để chuyển về Mỹ.

Tuy nhiên, lần này thứ Bắc Kinh thu giữ là một chiếc UUV nên khả năng xảy ra một vụ đánh cắp công nghệ nghiêm trọng không cao. Theo đánh giá của cây viết Ankit Panda, Trung Quốc đã có những bước tiến ấn tượng trong công nghệ thiết bị không người lái dưới nước.

Theo Cơ quan Hải dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ, các thiết bị có thể được trang bị nhiều cảm biến khác nhau để theo dõi nhiệt độ, nồng độ muối, dòng nước và các yếu tố khác. Chuyên gia Sam LaGrone của Viện Hàng hải Mỹ cho biết, đa phần những biện pháp mà thiết bị này sử dụng để thu thập dữ liệu không phải là bí mật.

Dù vậy, dữ liệu hải dương học cũng có thể phục vụ cho công tác do thám chiến tranh chống ngầm – một lĩnh vực mà Hải quân Trung Quốc đã đầu tư nhiều nguồn lực nhưng vẫn chưa đuổi kịp Mỹ.

Vụ việc này vẫn cần được theo dõi thêm và có khả năng sẽ nảy sinh nhiều diễn biến mới. Nhưng nhìn chung, tín hiệu mà Bắc Kinh đưa ra thì không thể đánh giá nhầm. Ý định của Trung Quốc với biển Đông vẫn không thay đổi và quân đội nước này sẽ tiếp tục duy trì yêu sách bành trướng bất hợp pháp của mình, đồng thời đưa ra những chiến thuật trơ tráo khi cần.

RELATED ARTICLES

Tin mới