Saturday, January 11, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiBài học từ ông Donald Trump với các nhà lãnh đạo TQ

Bài học từ ông Donald Trump với các nhà lãnh đạo TQ

Ông Chúc Hoa Tân nhận thấy, ảnh hưởng của “những ý kiến thầm lặng trên mạng” là không thể xem thường đối với xu hướng chính trị, các vấn đề chính trị.

Ông Chúc Hoa Tân, Tổng biên tập Tạp chí Giám sát dư luận trực tuyến thuộc tờ Nhân Dân nhật báo, ảnh: ifeng.com.

South China Morning Post ngày 22/12 đưa tin, một nghiên cứu chính thức ở Trung Quốc được thực hiện bởi cơ quan trực thuộc tờ Nhân Dân nhật báo gần đây kết luận, chiến thắng của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump đã mang lại cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc một bài học:

Cần lắng nghe “ý kiến đa số thầm lặng” của người dân trên internet.

Hôm qua 21/12, ông Chúc Hoa Tân, Giám đốc Dự án Nghiên cứu truyền thông Trung Quốc, Tổng biên tập Tạp chí Giám sát dư luận trực tuyến thuộc Nhân Dân nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, công bố một báo cáo nghiên cứu nhận định:

“Phần lớn người sử dụng internet (Trung Quốc) đã rời khỏi các diễn đàn trực tuyến của các phương tiện truyền thông (gọi chung là Weibo, ví dụ: Sina Weibo, QQ Weibo…).

Họ thay đổi phương tiện thể hiện ý kiến và quan điểm của mình về những vấn đề nóng mình quan tâm thông qua các nhóm trao đổi tin nhắn riêng tư trên internet.

Kết quả bầu cử với thắng lợi của ông Donald Trump đã nói lên điều gì đó, về cách thức những luồng dư luận thầm lặng chiếm đa số có thể ảnh hưởng quyết định đến xu hướng chính trị. 

Chúng ta nên nghiên cứu nhu cầu của các nhóm xã hội khác nhau thông qua các câu chuyện của người sử dụng internet.

Chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump trong cuộc đua vào ghế Tổng thống Mỹ năm nay cho thấy sự suy yếu ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông, cũng như sự quan tâm đến chính trị ở một số cộng đồng “bị bỏ quên”.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, ảnh hưởng của các “thủ lĩnh mạng (Weibo)” có lượng người theo dõi đông đã suy yếu đáng kể, trong khi số lượng người trẻ sử dụng internet ủng hộ chính phủ (Trung Quốc) có xu hướng chi phối các cuộc thảo luận trực tuyến trên mạng xã hội (Weibo).

Vì vậy các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần khoan dung hơn với những quan điểm trái chiều trên internet, thể hiện sự quan tâm của họ về các vấn đề nóng cần xác định và giải quyết.”

South China Morning Post cho biết, hiện tại Weibo là mạng xã hội phổ biến nhất tại Trung Quốc, giống như Facebook hoặc Twitter.

Weibo ra mắt vào năm 2010 và đã tạo ra hàng trăm “thủ lĩnh mạng” phát biểu quan điểm cá nhân trái chiều với chính phủ.

Trung Quốc đã nhanh chóng “hãm phanh” các cuộc thảo luận trực tuyến trên Weibo về các vấn đề nóng từ năm 2013.  

Trong khi đó quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan hay Biển Đông lại phổ biến ở những người sử dụng Weibo.

Tóm lại, Weibo hiện nay bị chi phối bởi quan điểm của những người ủng hộ chính phủ, khiến nhiều người sử dụng internet tại Trung Quốc quay sang trò chuyện theo nhóm về các vấn đề nóng họ cùng quan tâm, thông qua các ứng dụng tin nhắn trực tuyến.

Qua cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Chúc Hoa Tân nhận thấy, ảnh hưởng của “những ý kiến thầm lặng trên mạng” là không thể xem thường đối với xu hướng chính trị, các vấn đề chính trị của một quốc gia mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần tham khảo. 

RELATED ARTICLES

Tin mới