Saturday, January 11, 2025
Trang chủĐiểm tinCẩn thận với thầu TQ khi làm thủy điện

Cẩn thận với thầu TQ khi làm thủy điện

“Cần phải chặt chẽ, thận trọng trong việc hợp tác với TQ từ vay vốn cho đến lựa chọn nhà thầu thi công”.

Thủy điện Thượng Kon Tum khổ vì nhà thầu Trung Quốc

Sai từ ban đầu

Liên quan đến việc xây dựng thủy điện Thượng Kon Tum, Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH) bị nhà thầu thi công dự án Trung Quốc gồm Viện Thiết kế Hoa Đông thuộc Tập đoàn thủy điện Trung Quốc và Công ty TNHH Cục Đường sắt số 18 kiện do chấm dứt hợp đồng.

VSH cũng đã có hồ sơ tự bảo vệ và đơn gửi VIAC đề nghị phân xử về việc nhà thầu Trung Quốc vi phạm hợp đồng. Đồng thời, có mời nhà thầu Trung Quốc họp để tìm cách tháo gỡ khó khăn, tuy nhiên, nhà thầu tiếp tục đưa ra lý do bất hợp lý, gây áp lực đối với chủ đầu tư.

Trước cách làm của VSH, trao đổi với chúng tôi, Luật sư Trần Thu Nam – trọng tài viên của Trung tâm trọng tài quốc tế Thái Bình Dương cho biết: “Nhà thầu hoàn toàn có quyền khởi kiện, có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu một trong hai bên chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Hiện nay bên VSH nói nhà thầu thi công chậm, còn nhà thầu thi công nói không có lỗi, không thống nhất được, thì họ dùng pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình.

Thực ra 2 bên đã không thương lượng, không đàm phán được, nên việc lựa chọn hình thức đưa ra Trung tâm trọng tài quốc tế VN là hợp lý.

Hiện VSH đã có đơn phản tố, thuê luật sư bảo vệ cho mình thì các bên tiếp theo sẽ giải quyết tranh chấp tại trung tâm đó. Việc phản tố vẫn đang làm theo Luật, họ có quyền phản tố, bảo vệ cho họ. Hơn nữa, trong tố tụng còn có các bước hòa giải, VSH chủ động ngồi lại với nhà thầu, đó là một cách thương lượng, nếu thương lượng được thì rút đơn trọng tài về.

Tôi thấy các bước làm của VSH rất hợp lý, làm rất chuyên nghiệp vì ngay lập tức họ có đơn phản tố, thuê đơn vị tư vấn, song song vấn đề thực hiện quyền của mình trong tài phán, họ có bước đi đối thoại, mục đích thương lượng với đối tác như vậy là chuyên nghiệp”.

Do sự phức tạp của vụ việc, Hội đồng Trọng tài quốc tế đã thống nhất thời gian bắt đầu phiên tranh tụng được lùi đến ngày 20/4/2017, dự kiến giữa năm 2017 mới có kết quả. Cũng chính vì thế, tiến độ xây dựng Thủy điện Thượng Kon Tum bị kéo dài ra thêm. Hiện VSH rơi vào thế khó việc đã rồi, vừa chịu thiệt hại do việc nhà thầu thi công chậm tiến độ và giờ là kéo dài thêm thời gian vì kiện cáo.

Trước thế khó của VSH, theo Luật sư Nam, chắc chắn công việc của VSH sẽ bị gián đoạn. Vì đưa ra phán quyết không phải các bên thi hành được ngay mà còn liên quan đến việc thi hành án, thời gian cũng mất vài tháng nữa. Mà giờ thi hành án với nhà thầu TQ cũng khó, vì nếu họ phải đền bù thật thì lại liên quan đến nguồn vốn cho vay.

Đặc biệt, các trọng tài khi gặp các trường hợp khó, sẽ cần phải nghiên cứu, xem xét, thẩm định hồ sơ, chứ còn nhận được đơn của các bên, mà không có thời gian nghiên cứu, mở phiên phán xử ngay, e rằng vội vàng.

Riêng với các công trình xây dựng còn liên quan vấn đề định giá, thẩm định, giám định, nên phải cân nhắc kỹ, xem trách nhiệm thuộc bên nào, cụ thể, hồ sơ liên quan đến cả một thủy điện cũng không hề đơn giản vì nó nhiều khâu từ thiết kế, thi công, vật liệu…cần có thời gian cho các trọng tài xem xét.

“Ngay cả một vụ kiện kinh doanh thương mại bình thường là 2 tháng, vụ việc phức tạp hơn thì chắc chắn phải kéo dài thêm, đặc biệt là có yếu tố nước ngoài. Trong lúc đợi phán quyết thì bên chủ đầu tư không thể thuê một đơn vị thi công mới, khi vụ kiện chưa chấm dứt.

Thêm nữa, vẫn phải trả lương cho công nhân trong thời gian chờ đợi, rồi trượt giá, yếu tố khác tác động, dẫn đến đội vốn lên.

Mà liên quan đến DNNN, vừa đội vốn, chậm tiến độ, lại thua kiện thì tiền ở đâu, tiền thuế của nhân dân chứ ở đâu. Nghĩa là chúng ta sai ngay từ ban đầu”, Luật sư Nam nhấn mạnh.

Sự trả giá

Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, theo Luật sư Nam, Đây cũng không phải dự án đầu tiên liên quan đến nhà thầu Trung Quốc mà bị rơi vào tình trạng chậm tiến độ, tiêu biểu như dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông cũng rơi vào thực trạng tương tự, nhưng VSH cứng rắn hơn.

Ông phân tích: “Ngay từ ban đầu ký kết các hợp đồng hoặc kêu gọi vốn đầu tư, tài trợ, vốn ODA, do VN cần thiết vốn để phát triển nên bất chấp tất cả các rủi ro.

Giả dụ như vay vốn ODA thì họ được chỉ định nhà thầu thi công, liên quan các hợp đồng cũng không có chuyên gia thẩm định chặt chẽ, khi xảy ra tranh chấp thì nó gây ra các thiệt hại ngoài sức tưởng tượng.

Với Trung Quốc cũng vậy, khi chúng ta ký các hợp đồng thi công với nhà thầu cũng không có trình độ, bất chấp tất cả những rủi ro để ký kết mà không lường trước câu chuyện sẽ bị mắc bẫy nhà thầu TQ, khi đã sai thì phải trả giá. Tóm lại trách phía Trung Quốc một thì trách chúng ta hai, chúng ta quá nóng vội, trình độ thì thấp”.

RELATED ARTICLES

Tin mới