Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThủy điện Việt khổ vì nhà thầu TQ: Bẫy kép

Thủy điện Việt khổ vì nhà thầu TQ: Bẫy kép

“Phía nhà thầu Trung Quốc đã tính hết các đường đi nước bước để đẩy VSH vào thế bị động, không thể lùi thêm”.

Đó là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Hồng Nga, Phó trưởng khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) với Đất Việt trước câu chuyện Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH) bị nhà thầu thi công kiện ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam.

Nhà thầu đặt chủ đầu tư vào thế khó xử

PV:- Liên quan đến việc xây dựng thủy điện Thượng Kon Tum, Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH) bị nhà thầu thi công dự án Trung Quốc gồm Viện Thiết kế Hoa Đông thuộc Tập đoàn thủy điện Trung Quốc và Công ty TNHH Cục Đường sắt số 18 kiện do chấm dứt hợp đồng. Sau khi nhà thầu TQ gửi đơn kiện lên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), đề nghị phân xử các nội dung liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng. VSH cũng đã có hồ sơ tự bảo vệ và đơn gửi VIAC đề nghị phân xử về việc nhà thầu Trung Quốc vi phạm hợp đồng.

Để tham gia vụ kiện, Công ty VSH đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn pháp lý với các công ty tư vấn luật của Việt Nam và quốc tế là: Công ty YKVN Singapore (chi nhánh tại Việt Nam) và Công ty EPLEGAL Việt Nam, Công ty Drew & Napierllc Singapore. Hiện hai bên đã thống nhất hoàn thành đơn phản tố và đơn khởi kiện lại nhà thầu.

Trước đó, VSH có mời nhà thầu Trung Quốc họp để tìm cách tháo gỡ khó khăn, tuy nhiên, nhà thầu tiếp tục đưa ra lý do bất hợp lý, gây áp lực đối với chủ đầu tư. Ông đánh giá như thế nào về cách xử lý của VSH đối với sự việc này?

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga:- Tranh chấp hợp đồng thương mại là chuyện thường xảy ra. Điều này gọi là xung đột lợi ích giữa các bên gia gia ký kết hợp đồng.

Xung đột trong hợp đồng thương mại xảy ra khi một hay một số các bên tham gia ký kết hợp đồng không thực hiện đúng và đủ các nghĩa vụ đã qui định rõ trong hợp đồng.

Vì hai bên không tìm được tiếng nói chung nên việc nhà thầu trung Quốc đưa chủ đầu tư VSH ra tòa là điều không tránh khỏi và việc VSH đề nghị phân xử về việc nhà thầu Trung Quốc vi phạm hợp đồng để tránh những rắc rối liên lụy sau này cũng rất hợp lý.

PV:- Do sự phức tạp của vụ việc, Hội đồng Trọng tài quốc tế đã thống nhất thời gian bắt đầu phiên tranh tụng được lùi đến ngày 20/ 4/2017, dự kiến giữa năm 2017 mới có kết quả. Cũng chính vì thế, tiến độ xây dựng Thủy điện Thượng Kon Tum bị kéo dài ra thêm. Hiện VSH rơi vào thế khó việc đã rồi, vừa chịu thiệt hại do việc nhà thầu thi công chậm tiến độ và giờ là kéo dài thêm thời gian vì kiện cáo.

Việc bị kiện lại như vậy, theo ông bên VSH sẽ phải chịu những thiệt thòi như thế nào? Xin ông phân tích cụ thể?

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga:- Đứng trên góc độ kinh tế của một người nghiên cứu kinh tế thì việc kiện tụng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và làm gia tăng chi phí cho dự án. Trong sự việc này có lẽ nhà thầu Trung Quốc muốn kèo dài thời gian để: một là, ép VSH trong đối thoại; hai là, để có thời gian nghiên cứu thêm các vấn đề của vụ kiện; ba là, để đặt VSH vào thế khó xử khi sự việc có thể làm tổn thất đến lợi ích của VSH.

Do vậy có thể đây là việc bài binh bố trận của phía Trung Quốc, biến VSH từ nguyên đơn thành bị cáo và có khả năng thế cờ sẽ lập ngược nghiêng về phía nhà thầu Trung Quốc.

Thuy dien Viet kho vi nha thau Trung Quoc: Bay kep

Toàn bộ công việc thi công đang được dừng lại

Hơn nữa VSH là công ty cổ phần nhưng nhà nước vẫn nắm chủ yếu vốn, cho nên phía Trung Quốc biết DNNN có thể là ”cha chung không ai khóc” nên tìm cách trì hoãn để gây ra ức chế cho phía VN, đồng thời có thể thông qua con đường khác gây sức ép cho phía VSH.

Theo quan điểm cá nhân thì phía TQ họ đã tính hết các đường đi nước bước để đẩy VSH vào thế bị động, không thể lùi thêm.

“Phía nhà thầu Trung Quốc đã tính hết các đường đi nước bước để đẩy VSH vào thế bị động, không thể lùi thêm”.

Luật “đi đêm” và hiểu biết “luật chơi”

PV:- Đây cũng không phải dự án đầu tiên liên quan đến nhà thầu Trung Quốc mà bị rơi vào tình trạng chậm tiến độ, tiêu biểu như dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông cũng rơi vào thực trạng tương tự, nhưng VSH cứng rắn hơn. Qua các dự án chúng ta có thể thấy rõ chiêu bài của nhà thầu TQ như thế nào? Nếu muốn tránh tái diễn lại các trường hợp như vậy thì chúng ta cần làm gì? Vì sao?

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga:- Chiêu bài của các nhà thầu Trung Quốc đã rõ bởi họ đã nghiên cứu luật pháp của VN để lách luật mà khả năng kiện không cao.

Rõ ràng nếu với dự án Cát Linh – Hà Đông mà chúng ta mạnh tay làm thì sẽ không có những vụ tiếp theo. Dĩ nhiên ở đây có một vài điểm liên quan đến mối quan hệ giữa 2 nước và nhà thầu Trung Quốc có thể đã “đi đêm” để trúng thầu vì hiểu biết “luật chơi” của chúng ta. Trong khi các nhà thầu phương Tây họ không đi cửa sau và làm ăn lấy chữ tín hàng đầu.

Hiện nay các nhà thầu TQ bị lên án nhiều trên thế giới, đành rằng chúng ta không thể dùng mệnh lệnh hành chính cấm đoán nhà thầu TQ tham gia đấu thầu ở VN, nhưng ít nhất về ngắn hạn chúng ta có thể làm gì đó để hạn chế sự tham gia của các nhà thầu TQ.

Muốn tránh các trường hợp như trên thì theo quan điểm cá nhân tôi chúng ta cần làm ngay là:

Thứ nhất, điều chỉnh pháp luật hợp đồng, nhất là hợp đồng quốc tế để việc chậm chễ khó diễn ra và nếu xảy ra thì phải đền bù thỏa đáng.

Thứ hai, thuê luật sư nước ngoài để ký kết các hợp đồng thương mại quốc tế lớn. Tiền thuê vài chục ngàn đô la sẽ không cao nếu lợi ích của việc thuê lớn hơn chi phí gây rắc rối của các nhà thầu nước ngoài.

Thứ ba, đưa ra các rào cản về kỹ thuật để loại bớt các nhà thầu Trung Quốc.

Thứ tư, cần tổ chức đấu thầu cạnh tranh tầm quốc tế và thuê chuyên gia nước ngoài thẩm định các dự án đấu thầu.

Thứ năm, xử lý nghiêm minh mang tính răn đe với những người đưa ra quyết định có lợi cho nhà thầu Trung Quốc.

– Xin cảm ơn PGS.TS đã chia sẻ với Đất Việt!

RELATED ARTICLES

Tin mới