Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiĐiều hành thị trường tiền tệ trong bối cảnh "rung lắc mạnh"

Điều hành thị trường tiền tệ trong bối cảnh “rung lắc mạnh”

Trong bối cảnh thị trường quốc tế có nhiều biến động, rung lắc mạnh, chúng ta đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, không làm thị trường biến động mạnh. Đồng Việt Nam mất giá chỉ khoảng 1%, thanh khoản được đảm bảo.

Trong năm 2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giữ ổn định trong môi trường “rung lắc mạnh”, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô thì Bộ Tài Chính cũng đã thu ngân sách vượt chỉ tiêu. Đó là những kết quả được Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo trong Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các tỉnh thành diễn ra sáng nay 29/12.

Thanh khoản đảm bảo

Là Bộ trưởng trẻ nhất trong Chính phủ hiện nay, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác điều hành trong thời gian qua, đặc biệt là cách xử lý tình huống của Thống đốc trước tin đồn thất thiệt đổi tiền.

Theo đó, báo cáo tham luận tại hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, nhờ có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành: KHĐT, Tài chính, NHNN; điều hành lạm phát, điều hành giá;… góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Trong năm 2017, cả mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay được quản lý ổn định,… góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức độ hợp lý.

“Trong bối cảnh thị trường quốc tế có nhiều biến động, rung lắc mạnh, chúng ta đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, không làm thị trường biến động mạnh. Đồng Việt Nam mất giá chỉ khoảng 1%, thanh khoản được đảm bảo. Về tăng trưởng tín dụng, năm 2016 đạt khoảng 18,5% đảm bảo mục tiêu đề ra. Tăng trưởng dàn đều trong các tháng, cơ cấu tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Chất lượng tín dụng được nâng lên. Rủi ro được nhận diện và có biện pháp bảo đảm an toàn…” – Thống đốc Lê Minh Hưng nói.

Vị thống đốc NHNN cũng chỉ ra một số khó khăn trong thời gian tới: đó là vấn đề xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới; chính sách tiền tệ của một số nước lớn… đặt ra nhiều thách thức trong điều hành tiền tệ, tỷ giá trong năm 2017.

Do đó, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết “dự kiến, năm 2017 phải điều hành lãi suất linh hoạt, bám sát các cân đối vĩ mô, tiền tệ; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất trung, dài hạn; kiểm soát quy mô tín dụng hợp lý bảo đảm an toàn, hiệu quả, tạo thuận lợi cho DN tiếp cận vốn; tập trung tín dụng cho những lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ…

Cụ thể, NHNN tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát; trong điều hành vĩ mô hết sức hạn chế trong sử dụng công cụ tiền tệ; triển khai gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao; phát hành trái phiếu Chính phủ; tăng cường công tác thông tin truyền thông trong lĩnh vực tiền tệ, ngăn chặn tin đồn thất thiệt… để ổn định thị trường.

Thu hồi 42.000 tỷ đồng nợ đọng thuế

Cũng trong buổi làm việc sáng nay,  Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thu ngân sách đến thời điểm này đạt 100,7% dự toán, riêng ngân sách địa phương vượt 15%, dự tính đến hết năm vượt khoảng 70.000 tỷ đồng.

Đối với việc thu hồi nợ đọng thuế, trong năm, Bộ Tài chính đã  thực hiện nhiều biện pháp như phong tỏa tài khoản, công khai DN nợ thuế, tăng cường kiểm tra với gần 82.000 DN kiến nghị tăng thu 14.500 tỷ đồng, đến nay thu được 9.200 tỷ; phạt 607 tỷ DN có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế; tăng thu khoảng 2.000 tỷ đồng; thu 6.600 tỷ đồng theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước…

“Đến hết tháng 11/2016, thu hồi 42.000 tỷ đồng nợ đọng thuế và số còn nợ đọng thấp hơn thời điểm năm 2015. Số nợ thuế hải quan chỉ còn 1%. Tuy nhiên số nợ đọng thuế còn lớn, còn tình trạng thất thu. Hiện tại, Bộ Tài chính đang đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử”- Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết đã rà soát, bãi bỏ 92 thủ tục hành chính; triển khai khai thuế điện tử đến 100% chi cục thuế. Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức 36/283 thủ tục hành chính của 10/14 bộ và mục tiêu đến năm 2020 cơ bản phải kết nối hết các thủ tục hành chính. Thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu giảm 35 giờ, nhập khẩu giảm 32 giờ, theo tính toán của WB là tiết kiệm khoảng 600 triệu USD.

“Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong thời gian thông quan thì thủ tục của hải quan chiếm 28%, kiểm tra chuyên ngành chiếm 72%. Vì vậy khâu đột phá là kiểm tra chuyên ngành. Hiện việc kiểm tra chuyên ngành đang thực hiện theo 22 luật, 253 thông tư, quy định của các bộ. Để rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành chúng ta phải sửa đổi, bổ sung 87 văn bản nhưng mới làm được 24 văn bản. Nếu không sửa đổi quy định về kiểm tra chuyên ngành sẽ rất khó giảm thời gian thông quan hàng hóa” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo mạnh mẽ cho công tác kiểm tra chuyên ngành.

RELATED ARTICLES

Tin mới