Saturday, November 16, 2024
Trang chủĐiểm tinTQ "giăng lưới" săn tàu ngầm ở Thái Bình Dương

TQ “giăng lưới” săn tàu ngầm ở Thái Bình Dương

Chương trình nâng cấp mạng lưới cảm biến và công nghệ truyền thông dưới lòng biển Tây Thái Bình Dương không chỉ giúp tăng khả năng liên lạc giữa các tàu ngầm hạt nhân của nước này khi hoạt động ở xa căn cứ mà còn theo dõi cả tàu thuyền nước ngoài.

Việc nâng cấp các thiết bị cảm biến và công nghệ truyền thông dưới lòng biển ở Tây
Thái Bình Dương sẽ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc. 

Mặc dù chính phủ Bắc Kinh tuyên bố việc nâng cấp mạng lưới cảm biến và công nghệ truyền thông dưới lòng biển Tây Thái Bình Dương là nhằm phục vụ mục đích dân sự nhưng quân đội Trung Quốc vẫn hoàn toàn có thể tận dụng công nghệ này để hỗ trợ hoạt động của tàu ngầm và lực lượng hải quân. 

Tân Hoa Xã đưa tin các phao tín hiệu gắn thiết bị cảm biến được thả xuống lòng biển tại khu vực Tây Thái Bình Dương sẽ được tiến hành nâng cấp trong năm nay. Kể từ năm 2014, Trung Quốc đã triển khai hàng trăm phao tín hiệu trong đó gần 20 chiếc nằm ở độ sâu 500 m so với mặt nước biển ở Tây Thái Bình Dương. 

Trong thời gian qua, những thiết bị cảm biến này đã giúp cho các nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu sự thay đổi của khí hậu và sóng đại dương. Đặc biệt, một khi được nâng cấp công nghệ, cảm biến trên các phao tín hiệu có thể truyền dữ liệu trực tiếp về các căn cứ của Trung Quốc thông qua hệ thống vệ tinh.

Ông Wang Fan, phó giám đốc Viện Hải dương học tại Viện Khoa học Trung Quốc ở thành phố Thanh Đảo cho hay hiện tại, hoạt động thu thập dữ liệu nằm trong các ổ cứng của phao tín hiệu vẫn do con người đảm nhiệm với tần suất 1 năm/lần bởi các sóng radio trên cảm biến không thể truyền tín hiệu qua nước biển. 

Do đó, hoạt động nâng cấp công nghệ sẽ giúp các phao tín hiệu nằm dưới sâu lòng biển truyền dữ liệu lên các phao ở phía trên bề mặt thông qua cáp hoặc sóng âm thanh không cần dây nối. Tiếp đó, các phao tín hiệu trên bề mặt biển truyền dữ liệu về căn cứ thông qua hệ thống vệ tinh truyền thông. 

Điều đáng nói, mạng lưới cảm biến dưới lòng biển lại hoạt động ở độ sâu tương đồng với phần lớn tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc. Nói cách khác, quân đội Trung Quốc có thể tận dụng mạng lưới cảm biến này để phục vụ hoạt động truyền thông giữa các tàu ngầm từ đó hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của Hải quân Trung Quốc. Những thông tin về tốc độ di chuyển của dòng nước, nhiệt độ, độ mặn do thiết bị cảm biến thu thập cũng sẽ giúp các tàu ngầm của Trung Quốc tránh được những khu vực nguy hiểm trong quá trình hoạt động. 

Ngoài ra, những phao tín hiệu này còn ghi lại và kiểm soát hoạt động di chuyển từ lực lượng tàu ngầm của các quốc gia khác bởi khu vực Tây Thái Bình Dương giáp với nhiều quốc gia đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc như Nhật Bản và Philippines. 

Hiện tại, Trung Quốc cũng đang đặc biệt quan ngại trước việc Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở Tây Thái Bình Dương trong bối cảnh Bắc Kinh mở rộng chương trình quân sự hóa và khẳng định chủ quyền đơn phương trên Biển Đông. 

Trong khi đó, Lockheed Martin cho hay cách đây 6 năm, tập đoàn này cũng đã phát triển một công nghệ tương tự phục vụ lực lượng tàu ngầm của Mỹ. Theo Lockheed Martin, các tàu ngầm hạt nhân có thể nhận tín hiệu nhưng không thể trao đổi với nhau khi ở dưới lòng biển. Còn hoạt động truyền thông tin lên phía trên bề mặt biển sẽ làm tăng nguy cơ bị phát hiện và tấn công. 

Do đó, giải pháp được công ty này đưa ra và đang trong quá trình phát triển là thiết lập một đường nối giữa tàu ngầm và vệ tinh. Hệ thống mới này được đặt tên là “phương pháp truyền thông hai chiều đầu tiên cho các tàu ngầm hoạt động dưới lòng biển”. Theo đó, các phao tín hiệu có thể được thả xuống biển từ máy bay hoặc phóng từ bộ phận xử lý chất thải của tàu ngầm. 

Giáo sư Li Xiaodong, Giám đốc phòng nghiên cứu âm học tại Viện Khoa học Trung Quốc cho rằng công nghệ này sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức. Theo ông Li, ở dưới lòng biển yên tĩnh, hoạt động truyền thông không dây có thể truyền ở khoảng cách hơn 10.000 m. Tuy nhiên, tốc độ đường truyền sẽ bị giảm do tiếng ồn từ động cơ tàu thuyền và âm thanh của cá voi.

RELATED ARTICLES

Tin mới