Saturday, April 27, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTrừng phạt mới chống Nga lại thành món quà cho Donald Trump?

Trừng phạt mới chống Nga lại thành món quà cho Donald Trump?

Việc đưa ra biện pháp trừng phạt Nga của ông Obama vào dịp cuối năm có lẽ sẽ phản tác dụng, nếu tân Tổng thống Trump xem việc gỡ bỏ chúng là bước đầu trong kế hoạch bình thường hóa quan hệ Nga-Mỹ của mình.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump

Hôm thứ Ba vừa qua (3/1) trả lời phỏng vấn trên tờ RIA Novosti, người đứng đầu diễn đàn Đối tác Thái Bình Dương Mỹ-Nga (RAPP) ông Derek Norberg cho biết, những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Moscow chính là “món quà Giáng sinh” mà Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama dành cho người kế nhiệm của mình là Tân Tổng thống Donald Trump.

Ông Norberg nhận xét: “Theo tôi, ông Obama đã tận dụng cơ hội cuối cùng để gây áp lực lên Tổng thống Vladimir Putin cũng như lên nước Nga. Còn đối với ông Trump, có lẽ việc đưa ra các biện pháp trừng phạt mới là món quà Giáng sinh mà ông Obama gửi tới người kế nhiệm mình”.

Vị chuyên gia này cũng nhắc lại rằng, Tổng thống đắc cử Mỹ thường xuyên nhắc tới mong muốn bình thường hóa quan hệ hoặc có một mối quan hệ thân thiện hơn với điện Kremlin. Tuy nhiên, ông cho biết “chưa từng có một chế tài cụ thể nào để tân Tổng thống có thể hủy bỏ các biện pháp trừng phạt bổ sung mà không gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ Thượng viện và Quốc hội”.

Người đứng đầu RAPP nhận định, giờ đây nhà lãnh đạo tương lai của Mỹ đã có một cơ hội để làm được điều này. Bên cạnh đó, ông bày tỏ tin tưởng rằng lệnh trừng phạt mới sẽ được hủy bỏ đơn giản hơn so với các lệnh trừng phạt có liên quan đến tình hình Ukraine. Chuyên gia này dự đoán: “Sau lễ nhậm chức của mình, ông Trump có thể bãi bỏ các lệnh trừng phạt này như là bước đầu tiên trong tiến trình hòa giải với Nga”.

Ông Norberg nhận định, để làm điều đó còn phụ thuộc nhiều vào các bằng chứng của cơ quan tình báo Mỹ về “tin tặc Nga”. Ông thừa nhận, Moscow có thể có những hành động chống lại Hoa Kỳ trong không gian mạng, nhưng chắc chắn nước này không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến quá trình bầu cử Tổng thống.

Chuyên gia cho biết thêm: “Chẳng có ai ngạc nhiên nếu tất cả các nước có thể thu thập thông tin tình báo trong không gian mạng làm điều này. Tôi sẽ rất bất ngờ nếu Nga với khả năng máy tính mạnh như vậy lại không thu thập thông tin liên quan đến Hoa Kỳ”.

Ông Norberg cho rằng, những áp lực tiềm năng từ Moscow nếu có sẽ không phải là một trong những yếu tố quyết định chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử. Ông nhận định “đã có những yếu tố quan trọng khác, trong đó bao gồm cả việc các cử tri không ủng hộ cao đối với ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ Hillary Clinton”.

Trước đó, một số cơ quan trong tổng số 17 cơ quan là thành viên của cộng đồng tình báo Mỹ đã tin vào cáo buộc, rằng tin tặc Nga tấn công trong thời gian chiến dịch tranh cử của các tổ chức chính trị tiềm lực trong nước để giúp ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng.

Tuy nhiên, Giám đốc FBI James Comey không đồng tình với ý kiến này. Chính phủ Mỹ chưa bao giờ đưa ra được bằng chứng về sự tham gia của Nga trong các vụ tấn công tin tặc nhằm gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ.

Đề cập đến quyết định của chính quyền Mỹ về việc đóng cửa các địa điểm vui chơi ở Tiểu bang Maryland của Đại sứ quán Nga tại Hoa Kỳ, ông Norberg cho rằng từ năm 1950 khu vực này thuộc sở hữu của Liên Xô trước đây, và hiện nay là Nga. Ông nói: “Sẽ rất hợp lý để hủy bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm tránh quá trình kiện tụng từ phía Đại sứ quán Nga”.

Như đã đưa tin, cuối năm ngoái chính quyền Obama đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 9 cơ quan, công ty và cá nhân Nga, trong đó có cả cơ quan Tình báo quân đội Nga (GRU) và cơ quan An ninh Liên bang (FSB) do liên quan đến việc “can thiệp vào cuộc bầu cử” và “gây áp lực lên các nhà ngoại giao Mỹ” làm việc tại Nga.

Hoa Kỳ đã cấm các nhà ngoại giao Nga ra vào hai khu dân cư thường được gọi là “nhà nghỉ ngoại ô” của cơ quan thường trực Nga tại New York và Đại sứ quán tại Washington, vốn thuộc sở hữu của cơ quan ngoại giao Nga.

Tổng thống Putin thông báo rằng Moscow sẽ không áp dụng các biện pháp tương tự như Washington đối với các nhà ngoại giao Mỹ. Đồng thời, người đứng đầu nhà nước Nga nhấn mạnh rằng Moscow luôn lấy các biện pháp theo luật quốc tế làm căn cứ đưa ra những phản ứng phù hợp.

Ông cho biết, Moscow có quyền trả đũa nhưng sẽ không hạ thấp mình xuống tận “căn bếp của các nhà ngoại giao”. Tổng thống Putin mô tả bước đi thiếu thiện chí của chính quyền Obama là “một sự khiêu khích nhằm mục đích phá hoại thêm quan hệ Nga-Mỹ”.

RELATED ARTICLES

Tin mới