Monday, November 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ giật mình lo Philippines đổi ý

TQ giật mình lo Philippines đổi ý

Trước ông Duterte, các Tổng thống Philippines cũng từng rầm rộ thăm Trung Quốc nhưng lại thay đổi thái độ sau khi có được các thỏa thuận hàng tỷ USD.

Tổng thống Philippines (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 20/10/2016

Bài học lịch sử

Dư luận Trung Quốc nhận định chuyến thăm của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tới nước này hồi tháng 10/2016 là hành động “phá băng”, qua đó hai bên đều được lợi. Philippines có được khoản tiền lớn hàng chục tỷ USD, còn Trung Quốc tạo bước đột phá trong vòng vây của Mỹ.

Ông Duterte đã được các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc như Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Nhân đại (Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc- Quốc hội) Trương Đức Giang và Phó Thủ tướng thường trực Trương Cao Lệ đón tiếp mà theo như dư luận Trung Quốc là “trọng thị thái quá”.

Hai bên đã ký kết 13 thỏa thuận hợp tác với tổng trị giá 13,5 tỷ USD. Trung Quốc xóa bỏ cảnh báo du lịch nhằm vào Philippines, khôi phục nhập khẩu hoa quả của Philippines…

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng việc cải thiện quan hệ với Philippines có ý nghĩa thiết thực khi trong năm 2017, Philippines giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN.

Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc đã sử dụng từ “đáng tiếc” để nói về việc ông Duterte sau khi về nước đã giải thích rõ tuyên bố “chia tay với Mỹ” do chính ông đưa ra tại Bắc Kinh chỉ bó hẹp trong lĩnh vực ngoại giao, tức Philippines không còn đi theo sau Mỹ, chứ không có nghĩa cắt đứt quan hệ với Mỹ.

Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng không nên lạc quan thái quá vào mối quan hệ với Philippines hiện nay bởi đã có những bài học lịch sử chứng minh.

Theo báo chí Trung Quốc, chỉ 5 năm trước, cựu Tổng thống Philippines Aquino III rầm rộ thăm Trung Quốc, cũng có được thỏa luận lớn, nhưng sau đó quan hệ giữa hai nước không được như Trung Quốc kỳ vọng.

Năm 2011 ông Aquino dẫn đầu đoàn đại biểu khổng lồ với 200 người, trong đó gồm 13 quan chức chính phủ, thăm Trung Quốc. Theo báo chí Trung Quốc, ông Aquino còn đến tận quê mẹ là Phúc Kiến để tìm cội nguồn, làm nổi bật huyết thống người Hoa của mình.

Nhưng sau khi có được thỏa thuận hợp tác trị giá 7 tỷ USD đem về nước, ông Aquino đã lập tức tuyên bố tăng cường bố trí sức mạnh quân sự tại Biển Đông.

Một năm sau, các tàu của Philippines không ngần ngại đối đầu tàu cảnh sát biển Trung Quốc tại vùng biển bãi cạn Scarborough. Năm 2013, Philippines đã kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài có trụ sở tại La Hay (Hà Lan).

Trước Aquino III, nữ Tổng thống Gloria Arroyo được nhìn nhận là nhà lãnh đạo Philippines hữu hảo nhất với Trung Quốc.

Trong khoảng thời gian từ năm 2001-2009, Gloria Arroyo đã thăm Trung Quốc tổng cộng 15 lần. Trong nhiệm của Tổng thống Gloria Arroyo, Philippines và Trung Quốc đã ký kết 65 thỏa thuận song phương, nhận thức chung giữa Trung Quốc và Philippines về thông qua đàm phán song phương giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Nhưng sau đó, bê bối tham nhũng tại Philippines đã khiến “dự án hợp tác” giữa Philippines với Trung Quốc về Biển Đông gặp phải “tai nạn”.

Từ đó có thể thấy quan hệ Trung Quốc-Philippines vừa chịu ảnh hưởng bởi tình hình chính trị của Philippines, cũng chịu tác động bởi môi trường quốc tế, hoàn toàn không có nghĩa chỉ một chuyến thăm Trung Quốc và những thỏa thuận hợp tác có giá trị hàng chục tỷ USD là có thể cải thiện triệt để.

Trung Quốc bi quan

Giới phân tích Trung Quốc cho rằng hành động và phát ngôn “xa Mỹ thân Trung Quốc” của Tổng thống Philippines Duterte cần phải thông qua hiện tượng để xem bản chất.

Những năm gần đây, phát triển kinh tế của Philippines tuy nhanh nhưng đang gặp phải nút thắt thiếu vốn. GDP bình quân đầu người của Philippines đạt 2.800 USD/năm, nhưng vẫn đứng ở vị trí ngoài vòng 100 nước đứng đầu thế giới.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng chấn hưng kinh tế và cải thiện cơ sở hạ tầng là điểm mấu chốt sau khi ông Duterte lên nắm quyền.

Các nước Mỹ và Nhật Bản mặc dù “chống lưng” cho Philippines trong vấn đề Biển Đông, sẵn sàng cung cấp viện trợ quân sự, nhưng trên phương diện kinh tế lại không thể giúp gì được Philippines.

Giới chuyên gia Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh việc Mỹ phê phán biện pháp mạnh tay chống tội phạm ma túy của Tổng thống Duterte là vi phạm nhân quyền.

Những yếu tố trên được người Trung Quốc nhìn nhận là nguyên nhân khiến Tổng thống Duterte chuyển sang đề nghị Trung Quốc giúp đỡ.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng cần thận trọng quan sát động thái của Philippines từ nay về sau, nhất là sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chính thức bước vào Nhà Trắng.

Trên thực tế, sức ảnh hưởng hàng trăm năm của Mỹ tại Philippines cũng không thể đánh giá thấp. Hiện nay, có tới 3 triệu kiều dân Philippines đang sinh sống tại Mỹ, khoản kiều hối gửi về nước mỗi năm luôn đứng đầu lượng kiều hối kiều dân Philippines trên khắp thế giới gửi về, mà kiều hối luôn chiếm khoảng 10% GDP của Philippines.

Trước khi Tổng thống Duterte thăm Trung Quốc, kết quả một cuộc điều tra tại Philippines cho thấy Mỹ vẫn là nước được người dân Philippines tin cậy nhất, còn Trung Quốc là nước mà người dân Philippines không tin cậy nhất.

Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng bên cạnh việc đồn trú quân đội tại Philippines, Mỹ có ảnh hưởng vô cùng sâu rộng đối với quân đội Philippines.

Tại Philippines hiện vẫn chưa xuất hiện một nguyên thủ chống Mỹ, trái lại từng có thông tin Philippines xảy ra chính biến khi ông Duterte muốn cắt đứt quan hệ với Mỹ.

Ngoài Mỹ, ảnh hưởng của các nước xung quanh đối với xu hướng phát triển quan hệ Trung Quốc-Philippines cũng không thể xem nhẹ. Sau chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Philippines tiếp tục có chuyến thăm tới Nhật Bản. Điều khiến giới phân tích Trung Quốc quan tâm là Nhật Bản hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Philippines.

Theo giới phân tích Trung Quốc, trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Duterte, Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã áp dụng thái độ “mềm-rắn” kết hợp.

Ngoài ra, các nước đóng vai trò quan trọng trong vấn đề Biển Đông cũng sẽ không thể ngồi im trước sự thay đổi của quan hệ Trung Quốc-Philippines.

Trung Quốc cân nhắc…

Giới phân tích Trung Quốc bày tỏ hoài nghi liệu Philippines có thực sự thay đổi, chia tay với đồng minh lâu đời của mình là Mỹ hay không?

Các luận cứ được các nhà phân tích Trung Quốc đưa ra là sau khi nhận được “phần quà hậu hĩnh” từ Trung Quốc, khi trở về Philippines, Tổng thống Duterte đã vội vàng đính chính rằng ý tứ trong cách nói chia tay với Mỹ của ông là về chính sách ngoại giao không còn từng bước đi theo Mỹ, hoàn toàn không phải là cắt đứt quan hệ với Mỹ.

Ông Duterte còn tuyên bố hiện có rất nhiều kiều dân Philippines đang sinh sống ở Mỹ, duy trì quan hệ với Mỹ phù hợp lợi ích quốc gia của Philippines.

Theo giới phân tích Trung Quốc, ông Duterte đưa ra những tuyên bố “xa rời Mỹ” khi nước Mỹ đang trong giai đoạn bầu cử tổng thống, chưa biết ai sẽ lên nắm quyền, nên về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến quan hệ Philippines-Mỹ trong tương lai.

Suy cho cùng Philippines cần có sự bảo hộ quân sự từ Mỹ, quan hệ đồng minh giữa hai nước suốt 75 năm qua không thể nói là cắt đứt. Ngay cả khi Tổng thống Duterte thực sự mong muốn, phía quân đội Philippines cũng sẽ không để Tổng thống ông Duterte làm như vậy.

Đánh giá về tuyên bố thực thi chính sách ngoại giao độc lập hơn của Tổng thống Duterte, giới phân tích Trung Quốc cho rằng đây là tính toán đi trên dây giữa Mỹ và Trung Quốc, một mặt mong muốn có được “sức mạnh” của Mỹ làm ô bảo hộ an ninh quốc gia của Philippines, mặt khác tranh thủ tiền của Trung Quốc để cải thiện kinh tế, dân sinh.

Giới phân tích Trung Quốc cho rằng sách lược của Tổng thống Duterte là thuận theo thời thế. Hơn thế, nhấn mạnh quan hệ với Trung Quốc còn tạo ra lợi thế để ông Duterte mặc cả trong quan hệ với Mỹ, tạo thuận lợi trong “giao dịch” với Tổng thống mới của Mỹ.

Phía Mỹ cho biết cho đến nay nước này vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản yêu cầu nào từ phía Chính phủ Philippines liên quan đến việc kết thúc quan hệ an ninh và kinh tế giữa hai nước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby từng bày tỏ, Mỹ vẫn tin tưởng và tuân thủ hiệp ước đã ký với Philippines. Mỹ không chỉ có quan hệ chặt chẽ với chính phủ mà còn với cả nhân dân Philippines. Mỹ hy vọng quan hệ này sẽ tiếp tục được duy trì.

RELATED ARTICLES

Tin mới