Bản tin Biển Đông ngày 09/01/2017.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nêu vấn đề Biển Đông tại Pháp
Ngày 6/1, hãng NHK đưa tin:
Ngày 6/1, tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Khoa học Quân sự Pháp, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada bày tỏ mong muốn các nước Châu Âu sẽ có hành động trong vấn đề Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng hoạt động quân sự ở khu vực. Bà Inada nhấn mạnh, xung đột vũ trang có thể xảy ra nếu các nước tiếp tục theo đuổi lợi ích của mình bằng vũ lực và có những hành động không dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản bày tỏ lạc quan trước việc Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh rằng vấn đề Biển Đông có tác động trực tiếp đến khu vực Châu Âu, đồng thời cam kết sẽ đưa các đề xuất với hải quân các nước Châu Âu để thiết lập sự hiện diện ở Biển Đông.
Nhật Bản bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc gấp rút đặt tên cho các cấu trúc chìm gần các vùng biển tranh chấp
Ngày 7/1, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin:
Liên quan đến việc Cơ quan Nhà nước Trung Quốc năm 2016 đệ trình lên Tiểu ban về Tên các cấu trúc ngầm (The Sub-Committee on Undersea Feature Names – SCUFN) đơn đề nghị đặt tên cho các cấu trúc chìm gần các vùng biển tranh chấp, các quan chức Nhật Bản đã mô tả động thái này của phía Bắc Kinh là “hiếu chiến”, cáo buộc Trung Quốc đang “tìm cách kiểm soát lãnh thổ”.
Theo tờ Yomiuri đưa tin, Tiểu ban đã từ chối hầu hết các tên này bởi “việc đặt tên bằng tiếng Trung có thể sẽ gây ra nguy cơ tranh chấp với các quốc gia ven biển”. Đáng lưu ý, trong số 50 đệ trình của Trung Quốc trong năm nay, có 21 cấu trúc nằm trong “đường chín đoạn” phi lý của Trung Quốc. Theo quy định của SCUFN, việc đặt tên cho cấu trúc sẽ không tạo cho người đặt tên nó bất cứ quyền nào, bởi bất cứ quốc gia nào cũng có thể đặt tên cho một cấu trúc ở các vùng nước quốc tế. Tuy nhiên, các quy định cũng yêu cầu các quốc gia khác công nhận tên do một quốc gia có chủ quyền đặt cho một cấu trúc nếu nó nằm trong phạm vi lãnh hải của quốc gia đó. Bất chấp những quy định này cùng sự phản ứng mạnh mẽ từ phía Nhật Bản, ông Yang Suihua, một chuyên gia về biển, vẫn ngang nhiên phát biểu rằng, “việc đặt tên cho một cấu trúc sẽ chứng tỏ các quyền của Trung Quốc đối với cấu trúc đó”.
Cảnh sát Biển Nhật Bản sẽ thiết lập cơ quan thúc đẩy an ninh biển ở Đông Nam Á
Ngày 08/01, trang Japan Today đưa tin:
Các quan chức Cảnh sát Biển Nhật Bản tuyên bố đã lên kế hoạch hình thành một tổ chức nhằm giúp đỡ các nước Đông Nam Á cải thiện năng lực bảo vệ an ninh biển, một trong những nỗ lực của Nhật Bản nhằm đối phó với những hành động hiếu chiến của Trung Quốc trên biển. Nguyên nhân là vì, ngoài việc xử lý các tranh chấp với Trung Quốc, Cảnh sát biển các nước Đông Nam Á hiện đang có nhu cầu cấp thiết trong việc nâng cao năng lực nhằm đối phó với các thảm họa tự nhiên và nạn cướp biển.
Cảnh sát Biển Nhật Bản cho biết, lực lượng này đang hướng đến mục tiêu xây dựng quan hệ vững mạnh hơn với lực lượng cảnh sát biển ở khu vực nhằm bảo vệ thượng tôn pháp luật và giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Tổ chức mới này dự kiến sẽ được thành lập vào tháng 4/2017, với 7 cán bộ điều hành, sẽ mở các khóa huấn luyện và các diễn đàn quốc tế để thảo luận về vấn đề duy trì trật tự trên biển dựa trên luật pháp, qua đó góp phần giúp các nước Đông Nam Á ứng phó tốt hơn với những hành vi hung hăng và hoạt động đánh bắt cá trái phép của Trung Quốc, đồng thời tránh được việc làm gia tăng căng thẳng ở khu vực. Bên cạnh việc cung cấp các tàu tuần tra cho một số quốc gia nhất định, Cảnh sát Biển Nhật Bản cũng đã thường xuyên có mặt trong các cuộc tập trận chung và tổ chức giao lưu giữa các lực lượng cảnh sát biển các nước Đông Nam Á.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc thừa nhận tàu ngầm của nước này đã cập cảng Malaysia
Ngày 9/1, tờ Nhân dân Nhật báo đưa tin:
Ngày 7/1, Văn phòng Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã xác nhận việc tàu ngầm nước này ghé thăm Malaysia. Trong khi đó, cùng ngày, tờ Thời báo Hoàn cầu đã dẫn nguồn tin từ một chuyên gia giấu tên thản nhiên ngụy biện rằng “Trung Quốc đang đảm nhận vai trò là một lực lượng quan trọng bảo vệ an toàn trên biển của toàn thế giới, do đó, việc hải quân nước này hiện diện ở mọi ngõ ngách là điều hoàn toàn bình thường trong thời gian tới”, việc tiến hành chuyến thăm là một thực tiễn toàn cầu, có lợi cho hòa bình và ổn định của khu vực. Thậm chí, ông này còn lớn tiếng chỉ trích những thông tin này đã “đi quá sâu vào vấn đề”, và cho rằng “những chiêu trò này là không cần thiết”.
Sự kiện tàu ngầm Trung Quốc cập cảng Malaysia báo hiệu một cuộc chuyển giao quyền lực ở khu vực
Ngày 6/1, tờ Tạp chí Phố Wall đưa tin:
Liên quan đến việc tàu ngầm và một tàu hộ tống của Hải quân Trung Quốc tới Kota Kinabalu, một địa điểm thuộc căn cứ hải quân nhìn ra Biển Đông của Malaysia từ ngày 3-8/1, tác giả bài báo cho rằng đây là chuyến cập cảng chưa từng có tiền lệ nhằm phô trương sức mạnh của lực lượng ngầm, xa hơn nữa là nhằm báo hiệu một cuộc chuyển giao quyền lực ở Đông Nam Á. Một quan chức Hải quân Malaysia khẳng định đây là lần đầu tiên, một tàu ngầm của Trung Quốc ghé thăm và dừng chân tại Malaysia. Ông Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế, Viện Lowy, Sydney cho rằng, “sự kiện này đã thể hiện một nấc cao hơn trong vấn đề lòng tin ở phía nước chủ nhà, do bản chất nhạy cảm của các hoạt động ngầm, các hoạt động theo dõi lén hay các hệ thống do thám”.
Chuyến viếng thăm nói trên cho thấy các tàu ngầm Trung Quốc có thể sẽ có được sự chấp thuận của Malaysia khi tiến hành các hoạt động ở phía cực Nam ở Biển Đông, bao gồm khu vực xung quanh Trường Sa.
Tờ báo Nhà nước Trung Quốc cáo buộc Lầu Năm góc “đứng sau chính sách của Tổng thống Donald Trump ở Biển Đông”
Ngày 8/1, tờ Thời báo Hoàn cầu đăng bài viết của Ban Biên tập có tên “Lầu Năm góc sẽ “hoạch định” chính sách Biển Đông của Tổng thống Donald Trump bằng tàu USS Carl Vinson”.
Tác giả bài báo đã cố tình tạo ra “hoài nghi” đối với mục đích của tàu USS Carl Vinson, tàu sân bay thứ 3 của Hải quân Mỹ dự kiến sẽ đến Châu Á ngày 20/1, rằng tàu này có thể sẽ gây thêm căng thẳng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cho rằng đây là sự tiếp nối chiến lược Tái cân bằng Châu Á từ thời chính quyền Obama, đồng thời vô cớ cáo buộc ông Trump muốn can thiệp vào vấn đề Biển Đông và cô lập Trung Quốc, cáo buộc Mỹ có ý định tiếp tục làm phức tạp thêm vấn đề Biển Đông trong năm 2017.
Mặt khác, tác giả bài báo đã “mạnh dạn đề xuất” một vài phương án nhằm “đối phó với những áp lực từ Mỹ” chẳng hạn như xây dựng các đảo và đá, đẩy nhanh việc xây dựng các lực lượng chiến lược, tiếp tục triển khai các lực lượng quân sự ở Tây Thái Bình Dương. Không những thế, lợi dụng tuyên bố của ông Trump về kế hoạch nâng cao năng lực quân sự của Mỹ, tác giả bài báo không ngại đặt điều rằng, các lực lượng quân sự của Mỹ ở nước ngoài sẽ được tập trung ở Châu Á – Thái Bình Dương nhằm ngăn cản và chèn ép các nước liên quan. Ngoài ra, tác giả cũng lớn tiếng khẳng định, Trung Quốc “không cần phải làm rùm beng sự kiện tàu sân bay của Mỹ đến khu vực”, mà chỉ cần “tiếp tục nối lại quan hệ với các nước láng giềng để Mỹ không còn chỗ mà nhúng mũi vào các vấn đề khu vực”, hoàn chỉnh các công trình quân sự phòng thủ và nâng cao năng lực đối phó với bất cứ sự gây hấn nào”. Tuy nhiên, điểm nhấn chính của bài báo vẫn là nhằm công kích và tuyên truyền sai sự thật về chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson “đã được lên kế hoạch nhằm làm biến động hoà bình hiện có, cản trở các cuộc đàm phán sắp tới giữa Trung Quốc và các nước khác ở khu vực, gây nguy cơ xung đột Trung – Mỹ ở khu vực”.