Sự xuất hiện của tàu chiến Nga ở Philippines cho thấy khả năng Moscow và Manila sẽ thiết lập đồng minh quân sự trong tương lai. Trái lại, quan hệ đồng minh lâu đời giữa Mỹ và Philippines đang có dấu hiệu rạn nứt dưới thời lãnh đạo của ông Duterte.
Tàu khu trục Đô đốc Tributs là một trong hai tàu chiến được Hải quân Nga điều động tới Philippines.
Hôm 3/1, Hải quân Nga đã điều động hai tàu chiến tới Philippines. Theo Chuẩn Đô đốc Eduard Mikhailov, Phó Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, hoạt động lần này của Hải quân Nga là nhằm phô diễn năng lực và công nghệ trước Hải quân Philippines đồng thời tạo tiền đề cho việc tổ chức các cuộc tập trận chung giữa hai nước trong tương lai.
Ngoài ra, sự xuất hiện của 2 tàu chiến Nga ở Manila một lần nữa minh chứng cho tuyên bố của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về việc tăng cường các mối quan hệ an ninh với Moscow.
Chia sẻ trên tạp chí The Diplomat, Tiến sĩ triết học tại Đại học Oxford, ông Samuel Ramani nhận định mặc dù điện Kremlin dường như chưa có ý định thiết lập quan hệ đồng minh quân sự với Philippines song mối quan hệ giữa Moscow – Manila chắc chắn sẽ được cải thiện đáng kể trong năm 2017.
Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của lời kinh tế Philippines trong những năm gần đây cũng đã khiến giới lãnh đạo kinh tế Nga bắt đầu nhìn thấy cơ hội mở rộng hợp tác với Manila.
Ngoài ra, phong cách lãnh đạo có nhiều điểm tương đồng giữa Tổng thống Duterte và Tổng thống Vladimir Putin cùng với việc Nga sẵn sàng xuất khẩu thiết bị quân sự hiện đại sang Philippines, sẽ tạo cơ hội thúc đẩy quan hệ đối tác an ninh giữa Moscow và Manila.
Hợp tác kinh tế
Trong quá khứ, quan hệ đối tác thương mại Nga – Philippines vẫn còn nhiều hạn chế nhưng gần đây, các nhà hoạch định chính sách Nga đã bắt đầu nhìn thấy triển vọng hợp tác cùng Philippines nhằm tiến vào thị trường kinh tế khối ASEAN.
Trong năm 2016, nền kinh tế Philippines cũng đã ghi nhận mức tăng trưởng 6,7%. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Mặc dù các cuộc thảo luận thương mại giữa giới chức ngoại giao Nga và Philippines trải dài trên nhiều lĩnh vực nhưng các nhà đầu tư Nga hiện đang chú trọng tới ngành nông nghiệp của Philippines.
Cụ thể, trong cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo ASEAN ở Lima hồi tháng 11/2016, Nga đã đồng thuận tăng sản lượng nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp của Philippines từ mức 46 triệu USD lên 2,5 tỷ USD/năm.
Bộ trưởng Thương mại Philippines Ramon Lopez từng nhận định giá trị thương mại của quốc gia này sẽ gia tăng nhờ hoạt động tăng cường thu mua chuối và xoài từ Nga.
Đổi lại, giới chức Philippines cũng hy vọng Nga sẽ đẩy mạnh xuất khẩu các loại thịt không biến đổi gen, một mặt hàng đang khan hiếm ở Philippines.
Ngoài ra, chính quyền Manila cũng đang tìm kiếm cơ hội thu hút du khách Nga tới thăm quan và nghỉ dưỡng ở Philippines.
Một số nhà phân tích Nga cho rằng Philippines có thể trở thành trọng tâm trong tham vọng của Nga nhằm thúc đẩy một thỏa thuận thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á – Âu (EEU) với ASEAN. Trong bối cảnh Thái Lan và Campuchia cũng đang mở rộng quan hệ với Nga trong những năm gần đây, sự ủng hộ của Philippines đối với hiệp ước thương mại EEU – ASEAN sẽ giúp Moscow mở rộng tầm ảnh hưởng ở Đông Nam Á.
Trong khi đó, các nhà phân tích phương Tây lại cho rằng việc Tổng thống Duterte thúc đẩy quan hệ với Nga là nhằm thay đổi mối quan hệ đồng minh lâu đời giữa Washington và Manila. Trong hàng thập niên qua, các chính trị gia Philippines đã luôn coi Moscow là một đồng minh tiềm năng.
Đây là lý do vào năm 1976, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô cũ.
Còn hiện tại, giới chuyên gia nhận định việc xích lại gần Moscow sẽ khiến chính sách đối ngoại của Philippines chịu tác động không nhỏ bởi 2 lý do.
Thứ nhất, theo cựu đại sứ Philippines tại Nga, ông Jaime Bautista, Tổng thống Duterte rất ngưỡng mộ khả năng lãnh đạo của Tổng thống Putin trong bối cảnh Nga đối mặt với liên tiếp sức ép kinh tế và chính trị.
Thậm chí, ông Duterte còn công khai ca ngợi Tổng thống Putin về việc dám thách thức trật tự luật pháp quốc tế vốn do phương Tây thống trị.
Điển hình, hồi tháng 11/2016, ông Duterte đã gọi Toà trọng tài quốc tế (ICC) là “vô dụng” và nhấn mạnh Philippines có thể nối gót theo Nga rút khỏi ICC nếu như phương Tây tiếp tục chỉ trích chiến dịch chống ma túy do chính Tổng thống Philippines phát động.
Ngay cả Liên minh châu Âu (EU) cũng bị Tổng thống Duterte chỉ trích.
Thứ hai, việc Mỹ quyết định hủy thương vụ bán 26.000 khẩu súng trường tấn công cho Philippines cũng đã khiến Manila xoay hướng tìm kiếm nhà cung cấp mới trong đó có Nga. Hiện tại, quân đội Philippines đang đặc biệt quan tâm tới các chiến đấu cơ Su-25 và Yak-130 do Nga sản xuất.
Hợp tác quân sự
Mới đây, nhà báo Rakesh Simha cho biết Nga có thể cung cấp cho Hải quân Philippines các tàu trang bị tên lửa tầm ngắn. Những con tàu này đã chứng minh hiệu quả hoạt động khi được quân đội Nga sử dụng tại Syria.
Do đó, khi nắm trong tay, quân đội Philippines có thể bảo vệ các khu vực bờ biển rộng lớn của quốc gia này.
Ngoài ra, nếu ngân sách quốc phòng của Philippines tăng thêm 14% như Tổng thống Duterte đề xuất, các nhà thầu quốc phòng của Nga sẽ có thể tăng doanh số nhờ bán tàu thuyền cho Manila khi mà công nghệ hải quân của Nga có giá thành thấp hơn nhưng chất lượng lại tương đương so với Mỹ.
Tuy nhiên, theo ông Ramani, mối quan hệ thân thiết giữa Nga và Mỹ có thể sẽ làm phức tạp thêm quan hệ Washington – Manila dưới thời lãnh đạo của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Kết quả có thể Mỹ sẽ phải nới lỏng các quy định hạn chế hoạt động bán vũ khí cho chính quyền của Tổng thống Duterte.
Song không loại trừ khả năng, chính sách đối ngoại độc lập của Tổng thống Duterte sẽ cho phép Manila duy trì mối quan hệ đối tác an ninh với cả Moscow và Washington trong thời gian tới.
Cũng theo ông Ramani, dù Philippines vẫn duy trì quan hệ với Mỹ đồng thời tăng cường quan hệ với Trung Quốc nhưng Nga lại nắm trong tay cơ hội đặc biệt để thúc đẩy quan hệ bền vững trên lĩnh vực kinh tế và an ninh với Philippines.
Ngoài ra, quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Manila còn giúp Tổng thống Putin mở rộng tầm ảnh hưởng trong khối ASEAN và trên Biển Đông trong tương lai.