Việc ông Rex Tillerson được đề cử chức vụ Ngoại trưởng Mỹ gặp nhiều nghi ngại từ những người phản đối Tân Tổng thống Hoa Kỳ, nhưng những tuyên bố của vị này đã chỉ ra sự giả tạo của xu hướng chính trị Mỹ.
Ngoại trưởng tương lai Mỹ Rex Tillerson
Thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov mới đây đưa ra nhận định, tuyên bố của ứng cử viên cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ, ông Rex Tillerson, đã phản ánh vị thế của hướng đi chính của nền chính trị Mỹ, nó chứng tỏ “bản chất giả tạo của những kẻ cuồng loạn” thuộc về những người phản đối Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Trong lần phát biểu đầu tiên tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ với tư cách là ứng cử viên cho chức vụ Ngoại trưởng Hoa Kỳ, cựu lãnh đạo tập đoàn Exxon Mobil, ông Rex Tillerson đã nhiều lần trả lời câu hỏi liên quan đến Nga và quan hệ Nga-Mỹ. Ông ủng hộ việc duy trì các biện pháp trừng phạt chống Nga, và vị thế của Mỹ trên bán đảo Crimea. Tuy nhiên cũng cho rằng dù giữa hai bên có nhiều khác biệt trong một số lĩnh vực, nhưng vẫn cần thiết phải phát triển việc hợp tác song phương. Ông Tillerson cũng không chấp nhận những hành động của Nga ở Syria, tuy nhiên lại phản đối việc cho rằng đó là “tội ác chiến tranh”.
Thượng nghị sĩ Pushkov đã viết tại tiểu blog của mình trên trang Twitter: “Tại phiên điều trần, ông Tillerson đã công khai xu hướng chính của nền chính trị Mỹ. Điều đó một lần nữa chứng tỏ bản chất giả tạo của những người cuồng loạn phản đối ông Trump”.
Các chính trị gia Hoa Kỳ và phương tiện truyền thông nước này đã rất quan tâm đến mối quan hệ của ông Tillerson với Nga. Cuối những năm 90, ông đã điều hành dự án của Exxon Mobil tại Liên bang Nga, năm 2011 với tư cách là người đứng đầu công ty ông đã ký một thỏa thuận về khai thác ở Bắc Cực với tập đoàn dầu khí Rosneft.
Cựu Chủ tịch ExxonMobil cũng từng nhiều lần tổ chức đàm phán với Tổng thống Vladimir Putin, và năm 2013 ông được Nga trao tặng Huân chương Hữu nghị.Với tư cách là nhà lãnh đạo của ExxonMobil, ông đã phản đối các lệnh trừng phạt chống Nga, lý do khiến công ty Mỹ này buộc phải dừng tất cả các dự án với Rosneft.
Ngày 11/1 vừa qua, ông Tillerson đã có một phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ. Đây là thủ tục đầu tiên trước khi cựu Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn Exxon Mobil có thể được Thượng viện Mỹ phê chuẩn vào vị trí Ngoại trưởng theo như chỉ định của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Ông Tillerson đã có phiên điều trần “trắc trở” trước các Thượng nghị sỹ còn theo đuổi lập trường “thận trọng” về quyết định bổ nhiệm chức vụ Ngoại trưởng của nhà lãnh đạo mới của Hoa Kỳ.
Một loạt các vấn đề từ biến đổi khí hậu, quan hệ với Cuba, Ả rập Xê út, quan hệ với Trung Quốc, tình hình Ukraine, thỏa thuận hạt nhân Iran… đã được ông Tillerson đề cập tới. Tuy nhiên, nội dung đáng chú ý nhất trong phiên điều trần ngày 11/1 là quan điểm của ứng cử viên Ngoại trưởng Mỹ về mối quan hệ với Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).