Sunday, January 5, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnVì sao tổng thống Putin chưa muốn gặp Trump?

Vì sao tổng thống Putin chưa muốn gặp Trump?

Không theo dõi buổi lễ nhậm chức, thay vì sốt sắng gặp như trước thì phía Nga yêu cầu cần vài tháng cho cuộc gặp với Donald Trump.

Tổng thống Putin vẫn chờ chính sách cụ thể của Donald Trump

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin BBC, phát ngôn viên Dmitry Peskov của Điện Kremlin cho biết Moscow cần hàng tháng thay vài tuần để sắp xếp cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng cấp Nga Vladimir Putin.

“Thời điểm cuộc gặp sẽ không thể xác định trong thời gian tính theo tuần. Chúng tôi hy vọng hai nhà lãnh đạo có thể gặp nhau trong vài tháng tới”, ông Peskov cho biết.

Ông Peskov nói thêm rằng Moscow và Washington chưa tổ chức cuộc đàm phán nào về cuộc gặp chính thức giữa Trump và Putin, nhưng điều này có thể sẽ thay đổi khi hai nhà lãnh đạo có cuộc điện đàm với nhau trong tương lai gần.

“Tổng thống Nga Putin sẽ gọi điện cho đồng cấp Mỹ Trump sau lễ nhậm chức để chúc mừng ông. Đây là một nghi thức ngoại giao cần được thực hiện. Chúng tôi hy vọng họ có thể thảo luận về một cuộc gặp trong tương lai”, ông Peskov nói.

Thế nhưng, thực tế, ngày 20/1, đúng ngày ông Trump nhậm chức, chính ông Peskov cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin không xem truyền hình trực tiếp buổi lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, đồng thời bác bỏ ý tưởng ông Trump là người của Moscow tại Washington.

Trả lời báo giới, ông Peskov nói: “Tôi không nghĩ rằng ông ấy (Putin) có dự định xem trực tiếp nhưng tất nhiên ông sẽ theo dõi tin tức, thậm chí có thể coi đây là sự kiện chính.”

Ông Peskov cũng nói với kênh Rossiya 24 rằng sẽ là một sai lầm nghiêm trọng đối với các nhà quan sát nước ngoài và trong nước nếu coi Trump là người của Putin tại Washington. Ông khẳng định Donald Trump “không phải là người của chúng tôi, ông ta là người Mỹ, là Tổng thống Mỹ.”

Thực tế, trước đó cũng có nhiều nhà chỉ trích Tổng thống Trump lo ngại về khả năng ông sẽ thay đổi chính sách thận trọng đối vói Nga được áp dụng dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Một số người thậm chí còn cáo buộc ông Trump có ý định móc ngoặc với Điện Kremlin.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, ông Trump tuyên bố Washington sẽ hợp tác với Moscow để giải quyết các vấn đề toàn cầu như nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.

Tổng thống Nga Putin cho biết ông hy vọng quan hệ Mỹ-Nga sẽ ấm lên, nhưng sẽ chờ ông Trump thực hiện các chính sách cụ thể. Để thấy, rõ ràng thay vì mong đợi sắp xếp nhanh chóng được gặp Tân Tổng thống Mỹ như trước đây, ông Putin muốn kéo dài thêm thời gian để trông đợi chính sách của Mỹ với Nga.

Quan điểm này thể hiện rõ, ngày 17/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có ý kiến về một tập hồ sơ cáo buộc Nga hợp tác với ông Donald Trump trong cuộc đua vào ghế tổng thống Mỹ.

“Cơn sốt truyền thông xung quanh Trump đã nói lên sự suy thoái của giới tinh hoa chính trị Mỹ,” ông cho biết, nói thêm rằng mình “không quen Trump” nên “không có lý do để bảo vệ hay công kích ông”.

Điểm mấu chốt Syria

Điều này cũng không lạ, khi thực tế quan hệ Nga – Mỹ vốn đang ngày càng xấu đi vì cuộc chiến tại Syria. Đỉnh điểm căng thẳng, Tổng thống Obama ra lệnh trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga vì cáo buộc gián điệp, đồng thời đóng cửa hai cơ sở Nga trên lãnh thổ Mỹ vào ngày 29/12. 35 nhà ngoại giao Nga được cho 72 giờ để rời khỏi Mỹ.

Trong khi đó, tân Tổng thống Donald Trump được cho là muốn cải thiện quan hệ với Moscow khi từng nhiều lần tỏ ý ca ngợi Tổng thống Putin. Tuy nhiên, người phát ngôn Peskov nói sẽ là “sai lầm lớn” nếu nghĩ quan hệ Nga – Mỹ “sẽ không còn mâu thuẫn và tranh chấp” trong nhiệm kỳ của ông Trump.

“Thực tế chúng tôi là 2 nước lớn nhất trên thế giới. Và chúng tôi không thể tồn tại mà không có căng thẳng hay mâu thuẫn lợi ích”, ông Peskov cho biết.

Những đánh giá tỉnh táo của ông Peskov hoàn toàn trái ngược với tâm lý sôi sục hào hứng trong chính trường và giới doanh nhân Nga khi họ hy vọng Nga-Mỹ sẽ nhanh chóng cải thiện quan hệ. Một vài câu lạc bộ, quán bar nắm bắt được tâm lý hào hứng của người dân còn bán vé tổ chức tiệc tùng để mừng ngày ông Donald Trump nhậm chức.

Từ khi vận động tranh cử đến khi đắc cử, ông Donald Trump luôn hứa hẹn sẽ cải thiện quan hệ với Moscow vốn bế tắc vì khủng hoảng Ukraine, cuộc chiến tại Syria và những cáo buộc Nga tấn công mạng làm ảnh hưởng tới bầu cử Mỹ và gián tiếp giúp ông Trump chiến thắng.

Tuy nhiên, theo ông Peskov, giữa Nga-Mỹ còn tồn tại nhiều thách thức như sự phức tạp trong kiểm soát vũ khí hạt nhân, tình hình Syria và các vấn đề khác.

Ông Peskov lưu ý, sự khác nhau trong lực lượng hạt nhân của Nga và Mỹ là những điều cần cân nhắc kỹ trong quá trình đàm phán.

Về việc ông Trump bình luận rằng, sẽ chấm dứt các lệnh trừng phạt với Nga về vấn đề Crimea, đổi lại, Nga phải cắt giảm vũ khí hạt nhân trong cuộc phỏng vấn với Time of London, ông Peskov cho biết, hai vấn đề này quá khác biệt có để liên kết với nhau. Nhưng, ông nhấn mạnh vai trò của Mỹ trong việc giải quyết cuộc xung đột gần 6 năm tại Syria mà ông Trump yêu cầu hợp tác với Nga trong việc chống lại các nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.

“Rõ ràng rằng, rất khó để giải quyết vấn đề Syria một cách xây dựng mà không có sự tham gia của Mỹ”, người phát ngôn của Tổng thống Nga nhận định.

Bà Theresa May – Thủ tướng Anh sẽ “xông đất” Nhà Trắng

Theo tờ The Guardian, nhà lãnh đạo Anh đã đánh bại các vị đồng nhiệm ở những châu lục khác để trở thành nguyên thủ nước ngoài đầu tiên “xông đất” Nhà Trắng dưới thời ông Trump.

Được biết, Tổng thống Trump đã ra lệnh cho các trợ lý nhanh chóng thông qua chuyến thăm của bà May nhằm thắt chặt “mối quan hệ đặc biệt” giữa hai nước.

Còn tờ The Sun dẫn một nguồn thạo tin cho hay tổng thống Mỹ muốn chứng tỏ ông hết sức nghiêm túc về khoản làm ăn kinh doanh, và hy vọng Anh sẽ là đối tác thích hợp.

Dù thương mại chiếm vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự, các vấn đề khác cũng sẽ được thảo luận trong cuộc gặp Trump – May bao gồm chống khủng bố, chiến tranh tại Syria, quan hệ với Nga và bơm ngân sách cho NATO.

Dự kiến bà May sẽ bay đến Washington vào ngày 2/2 và gặp ông Trump vào ngày 3/2, trước các nhà lãnh đạo khác như Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Và việc ông Trump quyết định gặp bà May trước hết cho thấy nước Mỹ dưới quyền tổng thống mới muốn nối lại quan hệ dưới thời Reagan – Thatcher, vì hiện Nhà Trắng đang được chủ trì bởi một nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy, còn tòa nhà ở Số 10 Đường Downing (London) lại xuất hiện một “bà đầm thép” thứ hai.

RELATED ARTICLES

Tin mới