Những hành vi cướp hoa, chặt phá cây là sự khủng hoảng của tư tưởng, biểu hiện của trào lưu thương mại, lợi ích cá nhân.
Hành động tùy tiện
Ngày 2/2, sau khi đường hoa Nguyễn Huệ (TPHCM) được tuyên bố đóng cửa, thì rất nhiều người dân đi tham quan chụp hình trên con đường tranh nhau lấy các giỏ hoa mang về nhà. Bảo vệ được tăng cường để ngăn cản nhưng từng nhóm người vẫn xông vào lấy hoa. Đến khi công nhân thu gom lại, một nhóm khác vượt hàng rào, lao vào bê hoa ra mang về.
Thực ra hình tượng này cũng không còn quá xa lạ với người Việt, mới đây ngày 30 Tết, sau khi buôn cành đào từ rừng núi Tây Bắc về Hải Phòng bán nhưng do sương nên hoa không nở, nhiều người sẵn sàng cho vào thành đống để đốt. Hay một thanh niên cầm dao chặt nát những cây quất còn ế không bán được chứ không chấp nhận bán rẻ cho người mua vì trả giá quá bèo, không đủ công chăm sóc, mà bán rẻ năm sau lại bị ép giá.
Trước các sự việc trên, chia sẻ với Đất Việt, GS.TS Hoàng Chương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cho biết: “Thực ra chuyện này thì ai cũng hiểu. Từ vượt rào, bẻ lá, lấy cây, lấy hoa tất cả đều là các hành vi vô văn hóa, diễn ra rất nhiều năm, chứ không riêng gì năm nay. Đáng nói là nó diễn ra liên tục nhưng chúng ta không có một giải pháp gì ngăn chặn, giải pháp không phải rào tường, xử phạt mà phải là giáo dục.
Bởi vì, với những con người kém văn hóa thì phải giáo dục họ thành người có hành vi ứng xử văn hóa. Như các tuyến phố hoa đẹp như ở Nguyễn Huệ hay Hồ Gươm, họ làm đẹp cho đời, họ trang trí đẹp cho thành phố, nhưng nhiều người sống vô văn hóa nên mới cướp hoa, ăn trộm hoa…
Còn trường hợp những nhà buôn không bán được hoa đem đi đốt, chặt phá, dập vùi cái đẹp bằng sự tức giận, theo tôi cũng là hành vi thiếu văn hóa, thể hiện sự ích kỷ. Thường thì hoa các ngày giáp Tết là rất dễ bị ép giá rẻ, nên họ không muốn bán, nhưng cũng phải nhìn lại ban đầu cũng do họ thấy người dân mến mộ hoa nên nâng giá vượt lên tất cả sự thật, thực chất của hoa, nên không ai mua, dẫn đến hoa vẫn ế.
Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào, hoa vẫn là một biểu trưng của cái đẹp, cái đẹp của cuộc sống, con người, nên phải ứng xử với hoa ra sao để có văn hóa”.
Khẳng định thêm, theo ông Chương, truyền thống của người Việt Nam ngày xưa là ứng xử mềm mỏng, nhẹ nhàng và tình cảm, ứng xử với nhau rất đẹp, ngay cả cảnh đi mua hoa Tết cũng rất đẹp, không có chuyện đạp hoa, vứt hoa, thà vứt đi, đập phá không cho ai. Đó không phải truyền thống văn hóa Việt Nam, để thấy con người chúng ta đang khủng hoảng về văn hóa kể cả người mua lẫn người bán.
Đường hoa Nguyễn Huệ biểu trưng cho cái đẹp của TPHCM, giờ người dân cướp hoa, giật hoa thì bạn bè, du khách nhìn vào hành động đó ra sao, đó là hành động tùy tiện.
“Đây là sự khủng hoảng, dường như hiện nay đang nặng về chủ nghĩa thương mại, chủ nghĩa lợi ích cá nhân, nên có hành vi như vậy. Đó không phải truyền thống văn hóa Việt Nam, mà do tác động cơ chế thị trường. Đồng tiền đang tác động vào cuộc sống, phụ thuộc lợi ích cá nhân quá nhiều nên mới có hành vi như vậy”, ông Chương nhấn mạnh.
Nói rõ hơn, theo GS.TS Hoàng Chương, điều đáng nói, những người đi cướp hoa không phải người nghèo không có tiền mua hoa. Khi mà đi hái trộm hoa, hôi hoa mà mua không mua đó là thể hiện tính tham lam, không thích chi tiền cho cái đẹp.
“Lòng tham của con người hiện nay đang quá lớn, nó quá nghiêm trọng nên không thể dùng biện pháp hành chính mà phải giáo dục. Con người hám lộc, hám tiền, tưởng những cái lộc đó đem lại cho mình lợi ích ghê gớm, cướp cho được cái lộc đó”- vị GS ngao ngán.
Tâm lý đám đông, a dua
Cũng đưa ra quan điểm của mình, PGS.TS Ngô Văn Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á cho hay: “Câu chuyện này cũng giống như chuyện người ta vào đền, vào chùa có một lễ vật nào đó, họ xé mẩu chiếu mang về, cướp bông với ý nghĩa linh thiêng, không cứ gì người Việt mà nhiều dân tộc khác cũng có tình trạng tương tự.
Người Việt có tâm lý mang lộc của lễ hội đem về nhà, nhưng từ tâm lý đó mà biến thái hành động, phá tan đi truyền thống thì chắc chắn không còn phù hợp. Ví dụ như làm đường hoa cho cả thành phố mà phá rào lấy hoa đem về là hành động không đẹp, thiếu văn hóa, đặc biệt trong xã hội hiện đại.
Nếu tuyên truyền giáo dục cho mọi người thì không xảy ra hiện tượng đó, đi như thế cũng giống đi đình, chùa, tâm lý muốn lấy lộc về. Đáng lẽ phải có cơ chế tuyên truyền, có biện pháp bảo vệ, sau 1-2 năm liên tục thì người dân sẽ quen.
Nhiều khi tâm lý đám đông trong 10 người đi, 100 người đi mà 99 người không lấy, 1 người lấy thôi là lại khác, tất cả hùa theo.
Chợ hoa, phố hoa cũng giống như họ đi lấy lộc ở chùa, về mặt ý nghĩa nó gần giống nhau, có nhiều người họ không nghĩ sẽ lấy, sẽ cướp nhưng thấy người khác làm thì làm theo, nghĩ là không sao, ai chả vậy”.
Theo PGS.TS Ngô Văn Doanh, trong các dịp lễ hội phải có cách bảo vệ, hình thành thói quen cho người dân, để họ có thể hiểu được ý nghĩa của sự kiện. Quan trọng nhất là xóa bỏ được tâm lý đám đông. Như Đà Lạt tổ chức hội hoa nhưng không hề có ai phá hoại gì, đơn giản vì họ tuyên truyền để người dân hiểu được và yêu quý hoa, người Đà Lạt họ yêu hoa lắm.