Khi ông Donald Trump chưa sử dụng nước cờ ASEAN, mà đi nước cờ Đài Loan thì âm mưu của Trung Quốc không cần chống, tự nó tan và nó không còn ý nghĩa gì nữa.
Liên quan đến Biển Đông, Mỹ sẽ ngăn chặn Trung Quốc “lãnh thổ hóa” Biển Đông sau khi Trung Quốc bàn với Philippines về vai trò Chủ tịch ASEAN và “món quà 15 tỉ USD”
Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết một số cảm nhận thực sự của ông về chiến lược tái cân bằng sang châu Á – Thái Bình Dương của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama.
Theo Hun Sen các chính sách của Tổng thống Obama với châu Á, châu Á – Thái Bình Dương đã gây ra những rắc rối, phiền phức cho khu vực này. Hun Sen rất bất bình khi phải chỉ trích chính sách quay trở lại châu Á của Mỹ và hết sức ca ngợi chính sách của tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen còn cảm thấy bị tổn thương đặc biệt vì Campuchia bị rất nhiều chỉ trích do lập trường của mình về Biển Đông. Theo ông: “Cuộc xung đột này đã có sự can thiệp từ bên ngoài. Nếu chúng ta để cho các nước tham gia thảo luận tôi nghĩ sẽ tốt hơn. Tôi nói như vậy là với mục đích bảo vệ hợp tác giữa ASEAN với Trung Quốc, với mối quan hệ thương mại rất lớn và lợi ích cho tất cả các bên tham gia”.
Quan hệ Mỹ – Trung Quốc – Campuchia
Campuchia có thể không còn quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ thời Donald Trump. Cả Tổng thống Donald Trump lẫn Ngoại trưởng đề cử Rex Tillerson đều quan tâm đến Biển Đông. Hai ông có những phát biểu mạnh mẽ lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.
Thậm chí ông Rex Tillerson còn đề xuất, phải ngăn chặn Trung Quốc truy cập các đảo nhân tạo mà họ bồi lấp bất hợp pháp trên 7 rặng san hô, bãi đá tranh chấp.
Trump tuyên bố sẽ không loại trừ khả năng xem lại nguyên tắc “một nước Trung Quốc”, áp đặt các biện pháp bảo hộ thương mại với hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu về Đông Nam Á từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ bình luận, sự thay đổi trong chính sách của ông Donald Trump với khu vực Đông Nam Á và Biển Đông có thể mang đến cho Campuchia một lợi thế.
Đó là Mỹ có khả năng sẽ rút lại những chính sách thúc đẩy nhân quyền và dân chủ ở nước ngoài, một điều từ lâu vẫn là “cái gai trong mắt” đối với ông Hun Sen. Về Biển Đông, các nhà bình luận: Nếu các quốc gia Đông Nam Á khác như Philippines không phản đối quá nhiều về căng thẳng Trung – Mỹ ở Biển Đông, ông Hun Sen sẽ dễ thở hơn.
Việt Nam sẽ thúc đẩy vấn đề Biển Đông, vì vậy ông Hun Sen có thể phải đối mặt với một số tình huống khó khăn. Các nhà lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ quan tâm đến lợi ích của Hun Sen.
Thủ tướng Hun Sen và Tân Tổng thống Donald Trump
Bối cảnh chính trị năm 2012 khi Campuchia làm Chủ tịch luân phiên ASEAN, các nước trong khu vực chứng kiến một xu hướng “ngả sang Trung Quốc” ngày một nhanh hơn.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đảo ngược chính sách đối ngoại của Philippines. Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã tán tỉnh Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam cũng vừa thăm Trung Quốc để tìm kiếm một sự đảm bảo kiềm chế trên Biển Đông.
Campuchia sẽ cảm thấy rằng, việc họ công khai chỉ trích Hoa Kỳ quyết đoán là mối đe dọa cho ổn định của khu vực là quyết định đúng. Chính sách đối ngoại của chính quyền Donald Trump sẽ không ưu tiên khu vực Đông Nam Á.
Nhiều khả năng Mỹ tập trung nhiều hơn vào việc đánh bại các nhóm khủng bố IS, cải thiện quan hệ với Nga và đàm phán lại các điều khoản thương mại, định giá tiền tệ với Trung Quốc.
Đài Loan chứ không phải Đông Nam Á, sẽ là đòn bẩy cho chính sách với Trung Quốc của Trump trong tương lai. Trump là một người thực dụng khi đánh giá quan hệ sức mạnh, Campuchia có vẻ như không nằm trong luồng suy nghĩ của ông ấy.
Hiện tại, Campuchia vẫn muốn duy trì quan hệ với Mỹ, vì nước này là thị trường hàng đầu chiếm 80% hàng xuất khẩu giày dép, may mặc của đất nước Chùa Tháp.
Nhưng một khi căng thẳng Trung – Mỹ leo thang buộc Phnom Penh phải chọn bên, nhiều khả năng Thủ tướng Hun Sen sẽ chọn Trung Quốc để đảm bảo vị thế của mình ở trong nước.
Trung Quốc sẽ cung cấp viện trợ kinh tế và quân sự nhiều hơn cho Campuchia. Để đáp lại, Phnom Penh sẽ hỗ trợ tối đa Bắc Kinh trong các diễn đàn quốc tế, thậm chí mở cửa căn cứ hải quân ở Kampong Sam cho Trung Quốc.
Tổng thống Duterte “thân Trung xa Mỹ”?
Ai cũng biết, chính sách xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương của cựu Tổng thống Barack Obama có thể khó tồn tại dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Cách tiếp cận ông Trump của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ cho thấy những dấu hiệu rõ ràng ban đầu về khả năng, liệu Mỹ có loại bỏ chính sách này hay tiếp tục nó một cách rộng rãi.
Theo Philippines, hai nước đang tận dụng các kênh liên lạc được cải thiện, cách tiếp cận thực dụng về nhân quyền và mối quan hệ cá nhân giữa Trump và Duterte để chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Duterte với Obama.
Từ khi nhậm chức, ông Duterte đã liên tục chỉ trích Tổng thống Obama, nhiều lần tuyên bố “chia tay” Washington và khởi động các chương trình hợp tác với Trung Quốc và Nga.
Tuy nhiên, ngay sau khi Donald Trump đắc cử Tổng thống, ông Duterte đã lập tức điều chỉnh ngoại giao: “Tôi không muốn đối đầu với nước Mỹ lúc này, khi Trump đang ở đó. Tôi xin chúc mừng Tổng thống Trump. Ngài Donald Trump và tôi có nhiều điểm giống nhau…”
Vì thế, ông Duterte luôn bày tỏ mong muốn làm thế nào phục hồi quan hệ Philippines – Hoa Kỳ dưới thời Trump.
Ông hy vọng tân tân Tổng thống Mỹ tiếp cận thực dụng hơn vấn đề quyền con người, tranh cãi cơ bản giữa chính quyền Philippines với chính quyền Obama.
Trong thực tế, nhà lãnh đạo Philippines đã có cuộc điện đàm ngắn nhưng “ấm áp” với Trump, trong đó vị tỉ phủ đắc cử Tổng thống ủng hộ chiến dịch chống ma túy gây tranh cãi của ông Duterte.
Bất đắc dĩ phải thách thức Trung Quốc ở Biển Đông, ông Duterte tỏ vẻ hoan nghênh một cách lặng lẽ cam kết ban đầu của Trump yêu cầu Trung Quốc tôn trọng tự do hàng hải ở khu vực.
Tổng thống Philippines đã công khai nói rằng, ông có thể đảo ngược chính sách của Manila hiện nay, tăng gấp đôi quy mô, mức độ, tần suất hoạt động hợp tác quân sự với Mỹ, kể cả trong vùng biển tranh chấp, nếu Trung Quốc leo thang và đơn phương khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Philippines.
Tiếp theo, ông Duterte quyết định bổ nhiệm chủ sở hữu tòa tháp Trump tại Manila, Jose Antonio làm Đại sứ tại Washington. Động thái này dường như nhằm mục đích kết hợp các mối quan hệ kinh doanh sẵn có giữa Antonio với gia đình Trump và công việc ngoại giao.
Malaysia mong muốn Donald Trump duy trì hiện diện ở khu vực
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia luôn nói các tranh chấp phức tạp ở Biển Đông chỉ có thể được giải quyết qua con đường ngoại giao và thông qua các tổ chức đa phương như ASEAN, ông nói: đơn giản rằng hòa bình là giá trị tốt đẹp phổ quát chứ không phải trò chơi có tổng bằng không. Chính Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia bình luận: “Chúng tôi dường như đang buộc phải lựa chọn giữa phương Đông hay phương Tây, giữa Trung Quốc hay Hoa Kỳ, giữa chủ nghĩa tự do hay chủ nghĩa dân túy” hay “Tổng thống Donald Trump đã một số lần nhấn mạnh khả năng sẽ giảm các cam kết nhất định của Hoa Kỳ ở nước ngoài.
Trong khi chúng tôi hy vọng rằng ông sẽ xem xét lại điều đó, giá trị cốt lõi của châu Á – Thái Bình Dương đối với an ninh và nền kinh tế Mỹ, có lẽ đã đến lúc ASEAN cần thay đổi, lấp đầy khoảng trống là hệ quả của những thay đổi chính sách có liên quan đến các siêu cường”.
Chính sách của tân Tổng thống Mỹ với Biển Đông dần hé lộ
Thời gian vừa qua xu hướng chính sách của tân chính phủ Hoa Kỳ thời Tổng thống Donald Trump đang sáng rõ dần.
Nếu nhìn qua sự việc ở Campuchia, một mặt có thể thấy rõ tính “thực tế” mang đậm tố chất doanh nhân của con người Trump, mặt khác củng cố thêm nhận định về vai trò quan trọng của nước cờ Đài Loan mà ông sẽ đi trên bàn cờ Biển Đông để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc.
Nước cờ này sẽ hóa giải thái độ “thao túng ASEAN” từ Bắc Kinh, thông qua một hoặc một số nước được xem là cánh tay nối dài của họ trong cộng đồng các nước Đông Nam Á.
Đặc biệt là khi Philippines làm Chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay, Trung Quốc sẽ vừa dụ dỗ bằng “món quà 15 tỉ USD” viện trợ – đầu tư, vừa gây sức ép về mặt chính trị để hạn chế sự can thiệp của Hoa Kỳ.
Nhưng khi ông Donald Trump không đi nước cờ ASEAN, mà đi nước cờ Đài Loan thì âm mưu của Trung Quốc không cần chống, tự nó tan và khó mang lại giá trị.
Nói thêm, nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò, cục diện và bối cảnh thực tế của ASEAN để không đưa ra những đòi hỏi phi thực tế với tổ chức này. Vai trò duy trì hòa bình, ổn định khu vực của ASEAN dựa trên lập trường trung lập và nguyên tắc đồng thuận.
Nhưng trình độ phát triển, thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa, sắc tộc…của 10 nước thành viên không giống nhau, quyền lợi mỗi nước khác nhau nên khó đòi hỏi ASEAN có thể làm nhiều hơn những gì đã làm hiện nay.
Philippines đã thắng gần như tuyệt đối vụ kiện trọng tài Biển Đông, nêu hay không nêu Phán quyết Trọng tài tại các phiên họp của ASEAN và các diễn đàn do ASEAN tổ chức không ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của nó.
Trong khi cục diện Biển Đông là cuộc chơi của 2 siêu cường Hoa Kỳ – Trung Quốc, vì vậy ASEAN chỉ cần duy trì được thực trạng hiện nay, nếu tốt hơn nữa thì đàm phán xong COC với Trung Quốc là được.
Dư luận các bên liên quan, đặc biệt là Việt Nam không nên đặt kỳ vọng cao quá thực tế vào ASEAN và Chủ tịch luân phiên của khối. Chúng ta nên phối hợp với Philippines thay vì trách cứ họ như một số quan điểm đã từng nêu.