Friday, April 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTừ lộng quyền đến tham nhũng

Từ lộng quyền đến tham nhũng

“Năm qua là một năm khởi sắc trong việc chống tham nhũng, mũi đột phá Trịnh Xuân Thanh cho thấy chống tham nhũng đã đánh có trọng tâm, trọng điểm, dứt khoát”.

Ông Vũ Mão 

Còn nhiều sơ hở để cán bộ lộng quyền dẫn đến tham nhũng nghiêm trọng

Đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng trong năm 2016, ông Vũ Mão cho rằng: “Tham nhũng là vấn đề rất nặng nề, thực trạng ấy làm cho nhân dân rất lo lắng. Tình trạng này đã kéo dài và là nguy cơ nghiêm trọng trong nhiều năm qua.

Đầu năm 2016, Đảng ta tiến hành Đại hội lần thứ XII với những nội dung quan trọng.

Suốt một năm qua, Nghị quyết Đại hội Đảng đã đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả bước đầu.

Vấn đề chống tham nhũng rất được quan tâm và đang được triển khai xử lý một số vụ nghiêm trọng.

Vì thế, tôi cho rằng năm 2016 là năm khởi sắc, nhất là trong việc chống tham nhũng”.

Bàn luận về cách triển khai công tác phòng chống tham nhũng, theo ông Vũ Mão thì trong nhiều vụ việc đang xử lý, việc đi vào mũi đột phá liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh là hợp lý.

“Thực ra, còn có nhiều đối tượng khác, nhiều sự việc khác nhưng chúng ta đi sâu vào đối tượng cụ thể là Trịnh Xuân Thanh thì đó là một điểm nhấn.

Sự kiện Trịnh Xuân Thanh và những câu hỏi lớn

Cách làm như vậy mang đến hiệu quả tốt, cho ta kinh nghiệm về cách chỉ đạo chống tham nhũng có trọng tâm, trọng điểm, có mũi đột phá.

Qua vụ việc Trịnh Xuân Thanh, chúng ta có thể thấy, tham nhũng nó đã ăn sâu vào trong bộ máy nhà nước và lan tràn trong xã hội.

Đây là một nguy cơ rất lớn.

Tham nhũng đã phá phách về mặt đạo đức xã hội, làm hao hụt lớn về tài sản và ngân sách nhà nước, đã huỷ hoại ghê gớm lợi ích của đất nước”.

Phân tích sâu hơn về những mũi tấn công tham nhũng vào vụ việc Trinh Xuân Thanh, ông Vũ Mão cho rằng:

“Về vụ việc Trịnh Xuân Thanh là vụ việc tham nhũng chúng ta phát hiện và đang xử lý.

Khi càng đi sâu vào vụ Trịnh Xuân Thanh thì càng thấy sự nguy hại của nó, đồng thời thấy rằng việc điều tra và xử lý không dễ dàng một chút nào!

Vụ Trịnh Xuân Thanh có liên quan đến công tác nhân sự, trong đó có việc luân chuyển cán bộ, đến việc sử dụng ngân sách nhà nước, cũng như liên quan đến trách nhiệm của những cán bộ cấp trên.

Qua vụ việc này, cho thấy đang có quá nhiều sơ hở trong công tác quản lý.

Theo dõi vụ việc có thể thấy, lúc ban đầu người ta đã cố tình bao biện khi cho rằng đã làm “đúng quy trình”.

Điều này cho thấy rằng, việc vận dụng quy trình một cách méo mó với động cơ không trong sáng.

Mặt khác, chúng ta cũng nhận thấy quy trình hiện đang có nhiều vấn đề chưa ổn. Vì thế cần phải rà soát lại, hoàn thiện văn bản pháp luật đang vận hành”.

Ngoài vụ việc Trinh Xuân Thanh, việc xử lý ông Vũ Huy Hoàng cũng được ông Vũ Mão đánh giá rất cao.

Theo lập luận của ông Vũ Mão: “qua vấn đề xử lý ông Vũ Huy Hoàng, cho thấy rằng việc kiểm soát, giám sát quyền lực hiện nay chưa tốt.

Tức là để người có quyền lực đã sử dụng quyền lực tuỳ tiện, không tôn trọng những nguyên tắc của Đảng và Nhà nước.

Ông Vũ Huy Hoàng là Bộ trưởng thì trách nhiệm kiểm soát quyền lực rõ ràng là thuộc về các cơ quan của Đảng và Nhà nước ở Trung ương.

Qua đây, theo tôi cần có tổng kết, xem xét trách nhiệm cụ thể và rút ra các bài học cần thiết”.

Kỳ vọng năm 2017 chống tham nhũng sẽ đi vào chiều sâu

Ngoài những điểm nhấn nổi bật trên, ông Vũ Mão còn nhận thấy việc chống tham nhũng còn những mặt tồn tại cần khắc phục.

 Trong đó vấn đề về kê khai tài sản cá nhân và thu hồi tiền tham nhũng trong các đại án khiến ông rất trăn trở.

Theo ông Vũ Mão, liên quan đến kê khai tài sản tôi đã đề cập tới từ lâu rằng:

“Việc kê khai tài sản chỉ được quy định chung chung, mang tính hình thức trong các văn bản pháp luật, trước hết trong Luật Phòng chống tham nhũng.

Mãi gần đây, vấn đề mới được nhận thức và nêu ra để chỉ đạo việc sửa đổi và bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng.

Điều quan trọng hiện nay là nội dung này sẽ được quy định như thế nào trong Luật. Theo tôi phải làm rõ mấy vấn đề sau:

Thứ nhất là phải kê khai đầy đủ những tài sản đang có, bao gồm tài sản đương sự đứng tên và các tài sản mà những người trong gia đình đứng tên.

Gần 1 triệu bản kê khai, chưa phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực

Đây là việc rất khó vì đương sự rất khôn khéo để lách. Thực ra không ít người có khối tài sản rất lớn. Vì thế cần yêu cầu họ làm rõ về nguồn gốc số tài sản đó.

Thứ hai là hàng năm phải kê khai số tài sản tăng lên. Làm minh bạch vấn đề này sẽ tìm ra được số tài sản bất minh mà họ tham nhũng.

Thứ ba là, trong luật phải quy định rõ về cơ quan có trách nhiệm điều tra việc kê khai tài sản, quyết không để lọt lưới như vừa qua.

Thứ tư là, trong Luật phải quy định rõ việc thu hồi tài sản khi Toà án đã tuyên, tránh để tình trạng thất thoát như vừa qua.

Thứ năm là, trong Luật cần quy định rõ đối với những vụ việc liên quan đến các quan chức đã nghỉ hưu mà có vi phạm tham nhũng trong thời gian đương chức.

Đây là một việc rất cần thiết cho những người tư duy nhiệm kỳ, tranh thủ vơ vét trước khi nghỉ hưu.

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng là vô cùng khó khăn, nhưng vẫn có thể làm tốt nếu chúng ta xây dựng Luật phòng chống tham nhũng có chất lượng và quyết tâm tổ chức thực hiện tốt.

Điều quan trọng không kém là cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới mà gần ta nhất là Singapore.

Các văn bản của họ quy định chặt chẽ ,công khai minh bạch”.

Riêng việc thu hồi tiền tham nhũng  không đạt kết quả như kỳ vọng. Tiền tham nhũng thì nhiều nhưng đến khi bị thu hồi thì hiệu quả rất thấp.

Ông Vũ Mão đã chỉ ra một số bất cập liên quan đến công tác này. Cụ thể, qua các vụ án cho ta thấy, quy định trong các văn bản pháp luật còn sơ hở.

Ví dụ như vụ án Phạm Công Danh gây thất thoát lên tới 9000 tỉ hay những vụ khác lên đến 2000 tỉ, 3000 tỉ nhưng cuối cùng thì thu hồi không được bao nhiêu.

Hàng chục nghìn tỷ đồng biến mất, không thể thu hồi?

Các cơ quan tư pháp thường phàn nàn, bị lúng túng khi thực thi pháp luật vì quy định trong các văn bản pháp luật chưa đầy đủ, chưa rõ ràng.

Đây là một vấn đề phải nhận thức ngay để sửa chữa, bổ sung hoàn thiện văn bản pháp luật, tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp thực thi nhiệm vụ.

Trước những điểm nhấn cũng như điểm bất cập trong công tác phòng chống tham nhũng một năm qua, ông Vũ Mão đóng góp một số giải phải sau để công tác phòng chống tham nhũng đạt được hiệu quả cao trong năm tới.

Theo ông Vũ Mão: “Trước mắt chúng ta cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật phòng chống tham nhũng để đưa ra Quốc hội thông qua.

Rồi những vấn đề về cơ chế quản lý, kiểm soát, giám sát quyền lực hiện vẫn nhiều cái còn sơ hở.

Do đó, các quy định pháp luật chưa đầy đủ thì trong năm 2017 cần thiết phải làm ngay.

Một vấn đề nữa mà Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt là, trước bức xúc của doanh nghiệp về các quy định của văn bản pháp luật vẫn còn chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Vì thế, cần phải rà soát lại các văn bản pháp luật, các thông tư, nghị định, các quy định không hợp lý để sửa đổi bổ sung kịp thời.

Tóm lại, nếu năm 2016 là năm khởi sắc trong phòng chống tham nhũng thì  năm 2017 phải là năm hành động quyết liệt để việc chống tham nhũng có hiệu quả, lấy lại niềm tin của nhân dân”.

Qua trao đổi với ông Vũ Mão có thể thấy, trước mắt còn bộn bề công việc, nhiều kỳ vọng nhưng cũng lắm thách thức trong cuộc chiến chống lại “thứ giặc nội xâm” này.

RELATED ARTICLES

Tin mới