Thursday, January 2, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiĐề xuất "lạ" của VEC có chống được ùn tắc hay nhằm...

Đề xuất “lạ” của VEC có chống được ùn tắc hay nhằm tận thu?

Theo các chuyên gia giao thông và chuyên gia kinh tế, cần thận trọng đề xuất tăng gấp 2 lần phí cao tốc giờ cao tốc giờ cao điểm tránh những phản ứng tiêu cực.

Bộ Giao thông vận tải vừa nhận được đề xuất của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) điều chỉnh tăng mức cước phí cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây gấp 2 lần vào giờ cao điểm, ngày nghỉ lễ, Tết so với mức phí hiện tại qua trạm thu phí Long Phước.

Đề xuất của VEC đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi nếu mức phí bị tăng lên gấp 2 lần sẽ khó tránh khỏi các dịch vụ vận tải cũng sẽ tăng giá vào các dịp lễ, Tết.

Ông Mai Tuấn Anh -Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho lý giải, đề xuất điều chỉnh tăng mức cước phí cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây gấp 2 lần vào giờ cao điểm so với mức phí hiện tại qua trạm thu phí Long Phước chỉ áp dụng vào các ngày nghỉ lễ, Tết.

Mục tiêu của VEC khi đề xuất giải pháp này nhằm hạn chế ùn tắc giao thông tại nút giao An Phú, chống ùn tắc và điều tiết giao thông cho cả khu vực cửa ngõ của TP.Hồ Chí Minh.

Khó giảm ùn tắc giao thông

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, đề xuất của VEC xuất phát từ mong muốn giảm ùn tắc giao thông ngày lễ, Tết. Tuy nhiên, việc tăng mức phí cao tốc lúc này cần thận trọng, do có tác động đến nhiều người dân, nhiều doanh nghiệp vận tải.

“Tăng mức phí trên cao tốc giờ cao điểm và giảm mức phí giờ thấp không phải là biện pháp hay để giảm lượng phương tiện qua đó giảm ùn tắc giao thông”, ông Thanh cho biết.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phân tích, ùn tắc giao thông giờ cao điểm xuất phát từ nhu cầu đi lại của người dân. Nếu tăng mức phí nhưng vì yếu tố công việc người dân vẫn phải đi cuối cùng vấn đề ùn tắc giao thông vẫn không được giải quyết còn người dân lại thêm gánh nặng.

Riêng đối với doanh nghiệp vận tải, ông Thanh cho rằng, dù tăng mức phí nhưng doanh nghiệp vận tải hành khách, vận tải du lịch vẫn phải đi vì dựa vào lốt vận tải được cấp. Tóm lại, không giảm được ùn tắc giao thông.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề xuất của VEC khó làm giảm ùn tắc giao thông – ảnh nguồn Báo Tiền Phong.

“Doanh nghiệp vận tải hành khách được cấp lốt ban ngày vào khung giờ đó thì dù tăng phí bao nhiêu doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận, tương tự vận tải du lịch để ngắm cảnh không thể đi ban đêm vì phí rẻ hơn.

Tăng mức phí sẽ tăng chi phí doanh nghiệp, chi phí ấy sẽ bổ lên đầu hành khách, nói cách khác cuối cùng người dân phải chịu”, ông Thanh phân tích.

Mặt khác, theo ông Thanh cho rằng, đề xuất của VEC sẽ giảm phí vào giờ thấp điểm tức ban đêm thì chỉ có số ít doanh nghiệp vận tải hàng hóa mới có thể điều tiết được thời gian chạy. 

Tuy nhiên, nếu giảm phí giờ thấp điểm, ông Thanh lo ngại việc số lượng xe lưu thông vào ban đêm gia tăng có thể làm tăng tai nạn giao thông, tăng tiêu cực trong kiểm tra kiểm soát quá khổ, quá tải và các nguy cơ về an ninh khác.

Bên cạnh đó, ông Thanh cho biết, nếu đề xuất tăng mức phí cần phải tính toán tăng bao nhiêu. Đề xuất nói tăng gấp đôi mức phí giờ cao điểm và giảm mức phí giờ thấp điểm, nhưng tăng bao nhiêu và giảm bao nhiêu cần thận trọng tránh phản ứng dư luận.

Thí dụ mức phí hiện hay là 100, tăng gấp đôi giờ cao điểm, tức thu 200 nhưng nếu chỉ giảm 50 giờ thấp điểm có nghĩa anh vẫn thu lợi 50. Như vậy là lộ rõ mục đích tận thu phí và sẽ gây phản ứng bức xúc trong dư luận.

“Việc tăng mức thu phí cũng liên quan đến việc tính toán thời gian thu phí hoàn vốn đầu tư.

Thí dụ thu mức phí 100 phải thu trong 20 năm nhưng nếu tăng lên thì phải tính toán lại để giảm thời gian thu phí. Tóm lại việc điều chỉnh mức thu phí phải hết sức thận trọng vì có thể gây ra phản ứng mạnh trong dư luận xã hội”, ông Thanh nhấn mạnh.

Ảnh hưởng lớn doanh nghiệp vận tải và người dân

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, doanh nghiệp vận tải hiện nay đang rất khó khăn doanh nghiệp ngoài nộp phí bảo trì đường bộ, lại phải nộp thêm phí ở các trạm thu phí BOT.

Do phải nộp quá nhiều loại phí cho cùng một mục tiêu làm gia tăng chi phí doanh nghiệp vận tải dẫn đến tăng giá thành sản phẩm.

“Nghịch lý ngành vận tải hiện nay chi phí nhiên liệu rẻ hơn phí đường, điều này lý giải tại sao một loạt đường BOT cao tốc xây dựng xong không phát huy được vai trò như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng dù xây dựng xong nhưng do phí cao không thu hút lượng phương tiện, các phương tiện vẫn di chuyển bằng đường Quốc lộ 5”, ông Thanh cho biết.

Ở góc độ kinh tế, theo chuyên gia kinh tế – PGS.TS Phạm Quý Thọ, thời gian qua doanh nghiệp người dân đã phải “oằn mình” chịu đủ mức phí.

PGS. Thọ dẫn thí dụ, với ô tô hiện nay khi đăng kiểm người dân phải nộp phí bảo trì đường bộ, tức đóng phí thường kỳ liên tục khi đăng kiểm; trong khi lưu thông trên đường BOT lại tiếp tục đóng phí tiếp.

Nếu tăng phí trên cao tốc nhằm giảm ùn tắc như đề xuất của VEC theo ông Thọ không mang lại hiệu quả cho việc giảm ùn tắc giao thông, ngược lại người dân lại phải gánh thêm khoản phí tăng.

Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ từ cuối năm 2015, đầu năm 2016 vấn đề phí BOT, tăng phí trạm BOT trên tuyến đường được đầu tư theo hình thức BOT được dư luận quan tâm đặc biệt điển hình như vụ việc gian lận phí BOT trên đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, lùm xùm vấn đề đặt trụ bê tông cấm ô tô qua cầu Việt Trì để thu phí cầu Hạc Trì…

PGS.TS Phạm Quý Thọ – Chuyên gia chính sách công (nguyên Trưởng Khoa Chính sách công – Học viện Chính sách và Phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – Ảnh H.Lực.

Thông tin Kiểm toán nhà nước công bố tháng 8/2016 cho thấy, qua kiểm toán 4 trạm thu phí Kiểm toán nhà nước đã giúp rút ngắn được 5-11 năm thu phí.

Điển hình tại dự án mở rộng Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, do Công ty TNHH Trùng Phương làm chủ đầu tư, Kiểm toán Nhà nước phát hiện chủ đầu tư thanh toán sai khối lượng khoảng 23 tỷ đồng và sai định mức, đơn giá hơn 3,3 tỷ đồng.

Tương tự, trong 234,5 tỷ đồng giá trị hợp đồng chưa thực hiện, kiểm toán cũng chỉ ra hơn 9,9 tỷ chênh lệch sai khối lượng. Kiểm toán Nhà nước cũng đã yêu cầu Công ty Trùng Phương phải giảm thanh toán chi phí đầu tư gần 26 tỷ đồng, giảm giá trị hợp đồng 9,7 tỷ đồng… Qua đó rút ngắn được thời gian thu phí.

“Từ việc phí các trạm BOT tăng nhanh gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp đến những dự án đường giao thông BOT chưa minh bạch, chưa làm xong đường đã thu phí hay, thu phí 3 báo cáo 1… như báo chí từng phản ánh nếu tăng phí trên cao tốc để nhằm giảm ùn tắc nếu không thận trọng dễ gây bức xúc dư luận”, PGS.Thọ nói.

Bên cạnh đó, tình hình thực tế cũng không cho phép tăng phí BOT. ông Thọ cho rằng, trong khi người dân, doanh nghiệp đang lo thuế bảo vệ môi trường xăng dầu tăng, nếu tăng phí BOT trên cao tốc giờ cao điểm trước mắt sẽ gây sức ép lớn đối với đời sống người dân.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay, trên các tuyến quốc lộ cả nước có 96 trạm thu phí đang thu phí và sẽ thu phí. Trong đó, có 45 trạm đang thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT và 51 trạm thu phí chưa thu, đã thống nhất ký hợp đồng BOT và sẽ thu phí cho các dự án BOT sau khi hoàn thành (khoảng từ nay đến năm 2018).

RELATED ARTICLES

Tin mới