Hiện nay là nền kinh tế toàn cầu hóa nên nơi nào có chi phí sản xuất thấp hơn DN sẽ chọn. Do đó Việt Nam phải biết lo và thay đổi.
Việt Nam phải lo
Đề cập đến việc một số doanh nghiệp ô tô của Nhật Bản có thể rút khỏi Việt Nam trong thời gian tới để chuyển sang các nước lân cận trong khu vực như Indonesia hay Thái Lan, Malaysia do chính sách thuế, ưu đãi cũng như công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển, TS Trần Hữu Nhân, Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật ô tô – Máy động lực, Đại học Bách khoa TP.HCM khẳng định chúng ta cần phải xem xét thận trọng ý kiến trên.
Theo TS Nhân, thời gian qua, Việt Nam chủ trương ưu tiên phát triển công nghiệp ô tô làm tiền đề thúc đẩy các ngành công nghiệp khác như: cơ khí, vật liệu, điện, điện tử… Vì vậy đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam luôn nhận được nhiều ưu đãi và sự quan tâm.
“Bất kỳ chính sách nào của Chính phủ ta đưa ra mà gây ảnh hưởng đến lợi ích của những doanh nghiệp này thì lập tức họ sẽ phản ứng liền”, TS Nhân khẳng định.
Về tuyên bố rút khỏi Việt Nam, vị chuyên gia cho rằng đây vừa là lời đe dọa để mong muốn xin thêm các ưu đãi từ Chính phủ vừa là lời cảnh báo thật từ phía các doanh nghiệp Nhật Bản.
TS Nhân khẳng định, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hóa như hiện nay, các công ty hoàn toàn có quyền lựa chọn môi trường đầu tư thuận lợi hơn với các chính sách về thuế, chi phí sản xuất rẻ nhất để tiết kiệm nguồn vốn đầu tư.
“Các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia đã đưa ra những chính sách khuyến khích từ 5-7 năm trước rồi. Họ đã làm được rất tốt trong khi chúng ta chưa làm được. Hiện nay nền kinh tế toàn cầu hóa rồi nên nơi nào có chi phí sản xuất thấp hơn thì các doanh nghiệp sẽ lựa chọn. Vì thực tế, mục đích các nước đầu tư tại nước ngoài, trong đó có Việt Nam cũng vì lợi nhuận.
Tôi nghĩ ở đây các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ không đe dọa nữa mà có thể sẽ rút thât. Họ rút không làm sản xuất nữa nhưng sẽ không rút thị phần khỏi Việt Nam. Họ vẫn sẽ sản xuất tại các nước láng giềng rồi đưa sản phẩm vào Việt Nam để bán trên thị trường nước ta. Tôi nghĩ đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại chính sách ô tô của Việt Nam sao cho thông thoáng hơn”, TS Nhân nhấn mạnh.
Cùng đưa ý kiến, một vị chuyên gia trong lĩnh vực ô tô (đề nghị giấu tên) nhận định, không phải đến thời điểm này mới có các doanh nghiệp nước ngoài đề cập đến việc rút sản xuất, láp ráp tại Việt Nam. Trước đó, Toyota, một hãng ôtô chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam trong hơn 20 năm qua cũng đã ít nhất 2 lần đưa ra tuyên bố chuyển sang các nước trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia.
Vị chuyên gia khẳng định, các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam bao giờ cũng lấy lợi nhuận làm đầu. Họ sẽ có sự so sánh Việt Nam với các quốc gia láng giềng để đưa ra các đòi hỏi về ưu đãi, về chính sách.
“Lần này phía doanh nghiệp Nhật Bản úp mở ý định rút lui cũng không nằm ngoài mục đích xin thêm ưu đãi từ Chính phủ. Nhưng nếu chính sách của chúng ta không tốt như các nước thì việc doanh nghiệp nước ngoài rút lui khỏi Việt Nam là hoàn toàn có thể. Chúng ta phải biết lo và nghĩ đến chuyện này.
Khi họ không sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam nữa đồng nghĩa với việc hàng loạt công nhân của chúng ta sẽ bị mất việc, ảnh hưởng đến đời sống xã hội là không thể tránh khỏi. Do đó việc Việt Nam nhìn lại mình để đưa ra những chính sách dài hạn trên tinh thần “hai bên cùng có lợi” là hết sức cần thiết vào lúc này. Ngành công nghiệp ô tô của chúng ta thời gian qua đã quá trì trệ rồi”, vị chuyên gia chia sẻ.
Tiềm năng lớn nhưng vẫn giậm chân tại chỗ
Một vấn đề khác được TS Trần Hữu Nhân nhắc đến, đó là nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô như: lợi thế dân số đông gần 100 triệu người, hạ tầng cơ sở kỹ thuật đang dần hoàn thiện, thị trường ô tô Việt Nam tăng trưởng cao thứ hai thế giới… Thậm chí có người từng kỳ vọng vào việc các doanh nghiệp nước ngoài chuyển các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô từ phía Trung Quốc về Việt Nam.
Tuy nhiên việc vì sao chúng ta không tận dụng được những lợi thế trên để giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài cũng như nâng cao năng lực của nền sản xuất ô tô trong nước lại nằm ở vấn đề cơ chế, chính sách.
Theo TS Nhân, Việt Nam chưa có chủ trương khuyến khích người dân sở hữu ô tô khi thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này còn cao, nhiều khi bị đánh lên tới 200%.
“Nhiều nước xung quanh chúng ta khuyến khích tiêu dùng với thuế rẻ dẫn tới giá thành đối với mặt hàng ô tô cũng rẻ trong khi chúng ta lại hạn chế để hỗ trợ giao thông, để giảm tình trạng tắc đường. Một số ý kiến cho rằng chỉ Hà Nội và TP.HCM tắc đường chứ những nơi khác thì ít khi xảy ra hiện tượng trên.
Đặc biệt, trong ngành công nghiệp ô tô thì số lượng sản xuất phải lên tới vài chục ngàn chiếc đến 100.000 chiếc/năm cũng như tỷ lệ nội địa hóa cao thì doanh nghiệp mới đạt đến điểm khấu hao được thiết bị. Hiện nay dù dù sản phẩm thị trường ô tô của Việt Nam lên tới hàng trăm ngàn chiếc/năm nhưng bao gồm nhiều chủng loại khác nhau.
Ngay cả Thaco cũng vậy. Họ bán hàng chục ngàn đến hàng trăm ngàn sản phẩm nhưng với hàng trăm chủng loại khác nhau. Trong sản xuất công nghiệp ô tô thì số lượng như thế doanh nghiệp không thể đầu tư được về chiều sâu”, ông Nhân dẫn chứng.
Bên cạnh câu chuyện chính sách, một vấn đề quan trọng khác được TS Nhân đề cập đến đó là tâm lý người tiêu dùng. Vị chuyên gia khẳng định, muốn công nghiệp sản xuất ô tô phát triển thì người dân cũng cần phải thay đổi. Thay vì chỉ dành sự quan tâm đến ô tô nhập ngoại, người tiêu dùng nên tập dần làm quen với các sản phẩm có nguồn từ nội địa.
“Chẳng hạn như Hàn Quốc. Họ làm ra ô tô thì người dân nước này đều sử dụng sản phẩm trong nước. Hay như Thái Lan, Indonesia cũng vậy. Việc người dân tiêu thụ ô tô nội địa đã kích thích các doanh nghiệp trong nước sản xuất và phát triển. Đối với Việt Nam, bây giờ doanh nghiệp đặt ra câu hỏi, chúng ta làm xe “Made in Việt Nam” thì người dân trong nước có dùng hay không? Nếu ô tô của chúng ta tốt, giá rẻ nhưng không có khách hàng thì doanh nghiệp cũng sẽ chết, không thể tiếp tục tồn tại được”, ông Nhân chia sẻ.
Đồng quan điểm, vị chuyên gia trong lĩnh vực ô tô khẳng định dù có nhiều lợi thế nhưng cơ chế, chính sách của Việt Nam đối với công nghiệp ô tô vẫn còn rất nhiều hạn chế, chưa khuyến khích được doanh nghiệp trong nước sản xuất cũng như thu hút đầu tư từ nước ngoài.
Điển hình như Bộ Công Thương đã 3 lần ban hành chiến lược và quy hoạch công nghiệp ô tô tuy nhiên ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam vẫn được đánh giá là manh mún, nhỏ lẻ, công nghiệp phụ trợ kém phát triển.
“Có 2 lý do chính dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, chính sách hỗ trợ công nghiệp phụ trợ không có. Thứ hai là quy mô của nền công nghiệp ô tô, thị trường của Việt Nam rất nhỏ. Ngoài ra tâm lý sính hàng ngoại, hàng đắt tiền vẫn còn in sâu trong suy nghĩ của nhiều người. Vì thế các sản phẩm trong nước dù giá rẻ, chất lượng tốt nhưng không có chỗ đứng dẫn đến bị phá sản”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Biết mình biết ta
Nhìn lại ngành công nghiệp ôtô Việt Nam trong hơn 20 năm qua, TS Trần Hữu Nhân cho rằng, so với các nước láng giềng Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, hay các quốc gia cùng ký kết các hiệp định thương mại với ASEAN như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản, chúng ta đang thua kém và tụt hậu quá nhiều.
Do vậy, để tiếp tục xây dựng ngành công nghiệp ô tô cũng như giữ chân các doanh nghiệp nước ngoài, TS Nhân khẳng định, việc thay đổi là hết sức cần thiết.
“Quan trọng là chúng ta phải biết mình, biết ta. Còn chúng ta tham vọng lớn quá thì sẽ không làm được.
Tôi nghĩ bây giờ đã trễ để chúng ta xây dựng thương hiệu ô tô của Việt Nam. Một số nước khác như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan đã rất thành công khi làm ra những sản phẩm ô tô và thiết bị nguyên liệu có giá thành sản phẩm rẻ và chất lượng phù hợp. Đặc biệt ở đây toàn những hãng lớn, những tập đoàn lớn làm chứ không phải chỉ những quốc gia này làm đâu. Nếu chúng ta chạy theo những dòng sản phẩm đó thì mãi mãi không bao giờ theo kịp các nước vì họ chạy nhanh hơn và chạy trước chúng ta.
Quan điểm về ngành ô tô hiện nay, theo tôi chúng ta tham gia được khâu nào trong chuỗi sản xuất cũng rất tốt. Chúng ta chỉ sản xuất một khâu nào trong mắt xích sản xuất ô tô thôi. Chúng ta làm gia công, lấy đó làm công nghiệp, làm thế mạnh và sẽ chuyển những sản phẩm đó để tạo thành một chiếc ô tô. Còn nếu tham vọng làm từ đầu đến cuối thì không bao giờ Việt Nam làm kịp các quốc gia khác”, ông Nhân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần có chính sách, chủ trương thông thoáng hơn để người dân tiếp cận được ô tô với giá rẻ hơn.
“Chúng ta mơ ước sở hữu một chiếc ô tô nhưng thực tế cái đó quá tầm thường với các nước xung quanh chúng ta. Ô tô là phương tiện phục vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người vì thế cần làm sao có những biện pháp phù hợp, chẳng hạn như giảm thuế để ngày càng có nhiều người tiếp cận hơn.
Đối với lĩnh vực xe điện, hiện nay chúng ta chỉ đang làm dưới dạng xe chạy lo gô với những quãng đường ngắn từ 30-50 km, chi phí thấp, đặc biệt ác quy cũng như công nghệ sử dụng cũng thấp. Do đó nếu Việt Nam muốn đi sâu vào lĩnh vực này thì phải sản xuất được động cơ điện, sản xuất được nguồn điều khiển”, ông Nhân khẳng định.