Bản tin Biển Đông ngày 23/02/2017.
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay (Ảnh: TTXVN).
Biển Đông: Vì sao thị trường toàn cầu phớt lờ những cảnh báo của Trung Quốc?
Ngày 22/2, tạp chí Forbes đăng bài viết “Biển Đông: Vì sao thị trường toàn cầu phớt lờ những cảnh báo của Trung Quốc?” của nhà báo Panos Mourdoukoutas khẳng định dù Trung Quốc “luôn tìm cách làm ầm ĩ ở Biển Đông, đưa ra những lời cảnh cáo, doạ nạt đến mọi quốc gia có ý định thách thức những dự tính tham vọng của nước này ở khu vực” nhưng phía Bắc Kinh cần nhận ra rằng những điều đó không thể tác động đến thị trường toàn cầu, ít nhất là thị trường tài chính toàn cầu vào thời điểm hiện tại.
Từ trước đến nay, thay vì đưa ra những phản ứng trực tiếp nhằm đáp trả động thái của một số quốc gia về vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh chỉ gửi những thông điệp “cảnh cáo” để tác động tới các quốc gia này, chẳng hạn như tổ chức diễu binh hải quân ở Biển Đông, đi qua khu vực phía Nam Đài Loan, cố ý không ủng hộ Ấn Độ tham gia Nhóm các nhà cung cấp Hạt nhân (NSG), qua đó mong muốn tác động đến sự ổn định của thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, ông Mourdoukoutas cho rằng những chiêu trò doạ nạt này không có mấy tác động, thị trường toàn cầu vẫn đang trên đà phục hồi trong những tháng gần đây do “nguy cơ đối đầu (giữa Trung Quốc và Mỹ ở khu vực) là một kịch bản khó có thể xảy ra trong tương lai”. Hơn nữa, Trung Quốc cũng sẽ không đủ khả năng để “đối đầu công khai” với Mỹ vì nước này sẽ phải chấp nhận “hậu quả vô cùng khủng khiếp do nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, lượng trái phiếu chính phủ và chế độ chuyên quyền”.
Ngoại trưởng Philippines làm rõ nội dung Phán quyết Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông tại phiên điều trần
Ngày 22/2, hãng The Philippine Star đưa tin, mới đây, tại Phiên điều trần trước Uỷ ban Bổ nhiệm, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đã khẳng định lại lập trường chính thức của Chính phủ Philippines trong vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016 về các cấu trúc tranh chấp trên Biển Đông rằng nước này đã chiếm hữu hợp pháp chứ không có quyền sở hữu các cấu trúc tranh chấp này. Ông Yasay nhấn mạnh “việc chiếm đóng hợp pháp các cấu trúc có thể sẽ tạo ra quyền sở hữu về lãnh thổ nếu Toà Trọng tài quốc tế đưa ra Phán quyết trên cơ sở này”, đồng thời cho biết Phán quyết đã thừa nhận quyền tài phán của Philippines đối với các cấu trúc tranh chấp trên Biển Đông, cụ thể là quyền khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật ở khu vực, không ảnh hưởng đến vấn đề pháp lý đối về quyền sở hữu”. Mặc dù vậy, theo quan điểm của riêng ông Yasay, các cấu trúc tranh chấp thuộc quyền sở hữu của Phiilppines, đồng thời tàu thuyền Philippines vẫn có quyền thực thi quyền tài phán của mình trong khu vực tranh chấp trên biển. Bên cạnh đó, ông Yasay khẳng định Philippines có thể sẽ sử dụng đến các biện pháp quân sự và kêu gọi sự trợ giúp của Mỹ trên cơ sở hiệp ước đồng minh phòng thủ trong trường hợp Trung Quốc xâm phạm và lãnh thổ nước này bằng các hành động gây hấn.
Học giả Nhật Bản kêu gọi Chính phủ làm theo Philippines để kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài quốc tế về các cấu trúc tranh chấp ở Biển Hoa Đông
Ngày 22/2 trang Inquirer đưa tin, mới đây, ông Toita Yoshiyuki, thành viên hội đồng thành phố Ishigaki, Nhật Bản đã kêu gọi Chính phủ ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc nhắm tới phần lãnh thổ của Nhật Bản ở Biển Hoa Đông bằng cách đưa vụ việc ra Toà Trọng tài quốc tế tương tự như cách Philippines đã làm ở Biển Đông. Ông Toita quan ngại rằng “Trung Quốc vẫn phớt lờ yêu sách của các nước khác trên Biển Đông, vẫn ngang nhiên bồi đắp các đảo nhân tạo, đường băng, rất có thể họ sẽ làm điều tương tự ở Biển Hoa Đông”.
Philippines đang điều tra về thông tin tố cáo các công trình lắp đặt vũ khí trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông
Ngày 22/2, hãng GMA News đưa tin, trong ngày 22/2, liên quan đến thông tin Trung Quốc sắp hoàn tất các công trình xây dựng trái phép lắp đặt tên lửa đất đối không trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết chính phủ Philippines đang điều tra làm rõ các báo cáo về vụ việc này. Hiện Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila vẫn chưa có bình luận gì về phát biểu trên.
Bắc Kinh sắp hoàn tất việc xây dựng các công trình ở Biển Đông
Ngày 23/2, tạp chí The Strait Times đưa tin, liên quan đến thông tin Reuters tiết lộ về việc Trung Quốc đang chuẩn bị hoàn tất việc xây dựng gần 24 cấu trúc trên các đảo nhân tạo nước này xây dựng trái phép ở Biển Đông theo nguồn tin từ các quan chức Mỹ, cụ thể là các đá Subi, Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập thuộc Trường Sa, ngày 22/2, tại cuộc họp báo thường kỳ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngang nhiên nguỵ biện rằng “Trung Quốc tiến hành các hoạt động xây dựng bình thường trên “lãnh thổ của mình”, kể cả triển khai một cách cần thiết và thích đáng các công trình bảo vệ lãnh thổ, là quyền đương nhiên của quốc gia có chủ quyền theo luật quốc tế”.
Theo PGS. Li Mingjiang, Khoa Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cảnh báo, nếu thông tin về việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông là đúng thì điều này chứng tỏ Trung Quốc vẫn cương quyết bảo vệ các yêu sách phi lý của mình trên Biển Đông, thậm chí có thể đi xa hơn với “chiến lược lâu dài của Trung Quốc với mục tiêu thống lĩnh về mặt quân sự ở Biển Đông”