Trong lịch sử, cảnh “nồi da xáo thịt”, “huynh đệ tương tàn” tranh giành quyền lực không phải là chuyện hiếm. Số phận của một số nhân vật lịch sử TQ là minh chứng cho điều đó.
Ảnh minh họa.
Trong các trận chiến vì quyền lực, những hoàng tử thua cuộc, không lên làm vua đều kết thúc cuộc đời một cách rất bi thảm.
Còn những hoàng tử không được ưa thích, có ít cơ hội được truyền lại quyền lực, thì hóa ra lại luôn là một ứng cử viên lãnh đạo, một mối đe dọa đối với người anh em thái tử của mình (cho đến khi thái tử ấy mất mạng trong cuộc chiến tranh giành ngôi vị).
Không kế vị vẫn bị coi là nguy hiểm
Một trong những cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa đã xảy ra ở triều đại nhà Thanh (1644-1912), đời Hoàng đế Khang Hy – vị hoàng đế thứ tư của triều Thanh, tại vị trong 61 năm (từ 1661 đến 1722) và là vị hoàng đế tại vị lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Mới đầu, Khang Hy đã lựa chọn hoàng tử thứ hai Dận Nhưng làm thái tử, nhưng sau đó ông đã rút lại quyết định của mình, phế truất Dận Nhưng vì đạo đức kém. Dận Nhưng sau đó lại được phong thái tử một lần nữa nhưng rồi cũng lại bị phế truất lần thứ hai.
Khi ngôi thái tử bỏ trống, Khang Hy lại không quyết đoán trong việc lựa chọn ai là người kế vị, chín người con hoàng tử của ông đã tranh giành ngôi vị thái tử trong vòng 4 năm.
Khi Khang Hy băng hà, hoàng tử thứ 4 (Tứ A ca) Dận Chân được phong làm hoàng đế mới theo di chiếu, trở thành hoàng đế Ung Chính, đăng quang năm 1723.
Tuy đã làm hoàng đế nhưng Ung Chính hiểu rằng quyền lực của mình vẫn bị đe dọa bởi hai người anh em, một người là em cùng cha khác mẹ – từng là ứng viên sáng giá cho ngôi thái tử – hoàng tử thứ 8 Bát A ca Dận Tự, và một người là em ruột – một tướng quân có tài, hoàng tử thứ 14 (Thập tứ A ca) Dận Đề.
Ngay sau khi đăng quang, Ung Chính liền phong Dận Tự làm cố vấn và Thượng thư bộ Công. Nhiều nhà sử học tin rằng việc phong chức này chỉ là để giúp Ung Chính giám sát, ngăn chặn khả năng phản trắc của Dận Tự.
Chỉ trong vòng 4 năm, hoàng đế Ung Chính đã tìm ra lỗi của Dận Tự trong việc thực thi nhiệm vụ cai quản các vùng đất bá chủ của triều Thanh. Với những tội lỗi được vạch ra, Dận Tự bị tước các chức vị và xóa tên khỏi hoàng gia, bắt buộc bị đổi tên thành “A Kỳ” (có nghĩa là “lợn”) và bị giam lỏng tại nhà.
Không bao lâu sau khi bị giam lỏng (năm 1726), Dân Tự – mối đe dọa quyền lực của người anh hoàng đế Ung Chính – đã qua đời.
Còn đối với người em ruột Dận Đề, hoàng đế Ung Chính cũng giam lỏng em tại nhà riêng. Sau cái chết của Ung Chính vào năm 1735, Dận Đề mới được trả tự do.
Đặt một chân vào máy chém
Các hoàng đế trong triều đại nhà Đường (618-907) cũng bị ám ảnh bởi những trận chiến huynh đệ tương tàn. Theo sách sử, trong số 31 người được phong thái tử nối ngôi suốt lịch sử nhà Đường, chỉ 19 người cuối cùng thực sự lên làm vua. 12 người khác đã thất bại trong việc thừa kế ngôi vương.
Trong số 12 “hoàng đế hụt” đó, 9 người đã bị ám hại ngay trước hoặc sau thời điểm đất nước có hoàng đế mới, 1 người chết sau nhiều năm bị cầm tù. Các nhà sử học Trung Quốc từng nhận định rằng, khi một hoàng tử được phong thái tử, họ “đã đặt một chân vào máy chém”.
Câu chuyện của Hồ Hợi, một trong số những hoàng đế được sử sách ghi lại là tàn bạo nhất trong lịch sử Trung Hoa, là minh chứng cho vấn nạn huynh đệ tương tàn vì quyền lực.
Hồ Hợi hoàng đến thứ hai của nhà Tần (221-206 TCN) và đã giết chết tất cả các anh chị em ruột, bất kể trai hay gái, ngay sau khi lên ngôi vào năm 210 TCN. Màn giết chóc này được cho là âm mưu của vị gia sư của Hồ Hợi, tổng thái giám Triệu Cao.
Ba năm sau, khi những cuộc nổi dậy diễn ra ở khắp đất nước, chính Triệu Cao đã phản bội Hồ Hợi để cướp ngôi. Vào thời khắc cuối cùng của mình, Hồ Hợi đã cầu xin các binh sĩ đang bao vây mình trong cung điện thương xót và tha mạng. Ông xin sẽ chỉ là vua một phần nhỏ trong đế quốc Tần (gồm 36 tỉnh và 10 nghìn hộ dân), hoặc thậm chí sẽ trở thành một người bình thường.
Tất nhiên, tất cả những lời đề nghị đó đều không được chấp thuận. Hồ Hợi, ở bước đường cùng, đã bắt buộc phải tự vẫn.